(Trực tiếp) Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp”

30/11/2022, 08:55
báo nói -

TCDN - Vào lúc 9h sáng 30/11, tại Trung tâm hội nghị 272, đường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp”.

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng các đơn vị thông tấn báo chí trên địa bàn Tp.HCM.

Chủ trì hội thảo là ông Hà Khắc Minh, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp.

Về phía chuyên gia, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành:

- TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế.

- LS Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA).

- TS Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia Tài chính Ngân hàng.

- Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty Tư vấn Quốc tế (CIB).

- Bà Lâm Thuý Ái (đại diện doanh nghiệp).

Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp Hà Khắc Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp Hà Khắc Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Trái phiếu là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời cũng là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân hàng “siết” chặt tín dụng bất động sản.

Tuy vậy, thời gian gần đây nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Mặc dù các sai phạm, bị xử lý chỉ xuất hiện ở một số trường hợp nhất định, song tính “nhạy cảm” của thông tin đã vô tình tạo tâm lý bất an, khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Hơn lúc nào hết, đây là lúc mà niềm tin nhà đầu tư cần được “vá lành” để sớm đưa thị trường TPDN trở lại guồng quay vốn có của nó. Từ nhiều lý do trên, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp”.

Đây là diễn đàn để chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, hiệp hội cùng thảo luận, đóng góp ý kiến, hiến kế các giải pháp ổn định thị trường, tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và nhà đầu tư TPDN.

Đặc biệt, hội thảo sẽ chú trọng thảo luận vai trò của xếp hạng tín nhiệm trái phiếu, hứa hẹn mang đến cái nhìn tổng quan nhất về thị trường TPDN.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và hàng trăm khách mời.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và hàng trăm khách mời.

- Ông Hà Khắc Minh cho biết: “Nghị định 65 sẽ mất thời gian để làm quen với thị trường trái phiếu nhưng đây sẽ là cơ hội gạn đục khơi trong nhằm giúp thị trường sàng lọc và tìm ra những doanh nghiệp thật sự trong sạch, giúp thị trường trái phiếu phát triển bền vững và lành mạnh. Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp”.

- TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh: “Doanh nghiệp huy động vốn qua hai nguồn chính là thị trường tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán. Trong đó, thị trường chứng khoán gồm hai công cụ chính là trái phiếu và cổ phiếu”.

Trái phiếu có bản chất là một công cụ nợ (debt instrument). Bản chất nợ của trái phiếu được phản ánh qua những đặc điểm sau của trái phiếu:

Nhà phát hành trái phiếu phải có nghĩa vụ trả lãi vay cũng như hoàn trả vốn gốc cho trái chủ khi trái phiếu đáo hạn. Trong trường hợp không trả được lãi và gốc thì phải bán tài sản của mình để trả hoặc tuyên bố phá sản. Đặc điểm này khác với loại chứng khoán có bản chất vốn như cổ phiếu, nhà phát hành không bị bắt buộc phải hoàn trả vốn huy động cũng như trả lãi.

Do có bản chất là một khoản nợ, nên nghĩa vụ trả nợ của nhà phát hành trái phiếu phải được đảm bảo bằng các tài sản cầm cố/thế chấp hoặc bằng uy tín của chính nhà phát hành (không giống như cổ phiếu, cổ phiếu không đòi hỏi một sự đảm bảo cụ thể khi phát hành).

Bản chất công cụ nợ của trái phiếu còn thể hiện ở chỗ trái chủ luôn được ưu tiên hơn cổ đông khi nhận lãi hoặc nhận vốn gốc khi thanh lý công ty.

Tuy nhiên chủ sở hữu trái phiếu không được quyền tham gia vào các quyết định của công ty như các cổ đông. Trên thực tế, trong một số trường hợp các trái chủ vẫn có thể thành lập Hội đồng Trái chủ để giám sát việc sử dụng vốn vay của công ty.

Mệnh giá của trái phiếu: Luật các nước thường qui định thống nhất mệnh giá của các trái phiếu được phát hành. Nghị định 144/CP và Luật chứng khoán Việt Nam đều qui định mệnh giá của các trái phiếu phát hành ra công chúng tại Việt Nam là 100.000 đồng và bội số của 100.000 đồng. Ở Mỹ mệnh giá trái phiếu thường là 1000 USD.

Thời hạn của trái phiếu (Maturity): Là khoảng thời gian tính từ ngày phát hành đến ngày trái phiếu đáo hạn. Ngày đáo hạn là ngày chấm dứt sự tồn tại của khoản nợ và nhà phát hành phải hoàn trả khoản vốn gốc cho trái chủ. Như vậy, thời hạn của trái phiếu chính là thời hạn vay vốn của nhà phát hành.

Trái phiếu thường có thời hạn dài (trên 1 năm), phổ biến là từ 2 đến 5 năm, nhưng có thể tới trên 10 năm (ví dụ các trái phiếu chính phủ Mỹ - Treasury bonds có thời hạn tới 20, 30 năm) thậm chí là vĩnh viễn như trường hợp trái phiếu consol mà chính phủ Anh phát hành vào thời kỳ chiến tranh với Napoleon.

Người sở hữu trái phiếu ngoài quyền được đòi lãi và vốn khi đến hạn còn có quyền chuyển nhượng trái phiếu cho người khác khi trái phiếu chưa hết hạn.

Trái phiếu không bị những tiêu chuẩn thẩm định khắt khe của ngân hàng về vay vốn đầu tư. Trái phiếu không bắt buộc phải có tài sản thế chấp.

Sử dụng nguồn vốn chủ động linh hoạt và giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả vốn trong các năm chưa đến hạn thanh toán.

Trong khoảng 5-7 năm trở lại đây thị trường trái phiếu mới bắt đầu nhộn nhịp. Giai đoạn năm 2010-2014, khối lượng phát hành TPDN hàng năm dao động trong khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, đến năm 2016 quy mô TPDN mới đạt khoảng 2,5% GDP.

TS.Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia Tài chính Ngân hàng chia sẻ tại hội thảo.

TS.Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia Tài chính Ngân hàng chia sẻ tại hội thảo.

Trong giai đoạn 2018 – 2021, thị trường trái phiếu phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường TPDN đạt 40%/năm. Đến năm 2020, giá trị phát hành mới đạt 429,5 nghìn tỷ VND, tăng 28,3% so với năm 2019. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 tương đương 15,1% GDP và 10,3% dư nợ tín dụng. Điều này cho thấy kênh huy động vốn qua trái phiếu, một trong các cấu phần của thị trường vốn cùng với kênh tín dụng và kênh cổ phiếu đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021, tuy nhiên thị trường TPDN Việt Nam vẫn được xem là giai đoạn mới phát triển. So với những nước trong khu vực như Singapore và Malaysia thì tổng giá trị phát hành vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ.

Phương thức phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ với nhà đầu tư chủ yếu vẫn là các ngân hàng. Nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính chuyên nghiệp và nhà đầu tư cá nhân tham gia còn hạn chế; và thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên sàn chứng khoán chưa phát triển.

Năm 2021 tiếp tục là một năm thăng hoa của thị trường TPDN, qua đó từng bước trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nền kinh tế. Tổng giá trị TPDN phát hành đạt 623.616 tỷ đồng, tăng 34,9% so với năm 2020; trong đó là 583.371 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (+36,0% svck) và 40.246 tỷ đồng phát hành ra công chúng (+19,3% svck). Trong đó tài chính – ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về GTPH năm 2021, chiếm 42,0% tổng GTPH, tăng 83,8% svck. Nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8% tổng GTPH, tăng 36,2% sv năm 2020. Nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 4,9% và 18,4% tổng GTPH trong năm 2021, giảm 22,0% và 6,1% svck.

Kể từ tháng 3/2022, thị trường TPDN chậm lại nhằm chờ đợi Nghị định sửa đổi 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng của năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%.

Trong đó Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trong 9 tháng năm 2022, chiếm 57,7% tổng giá trị phát hành, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Nhóm ngành Bất động sản chiếm 21,5% tổng giá trị phát hành, giảm mạnh 67,0% so với cùng kỳ năm 2021. Nhóm Tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 6,3% và 14,5% tổng giá trị phát hành, tăng 94,9% và giảm 64,2% so với cùng kỳ.

TS Đinh Thế Hiển: “Trên thế giới Quỹ mở chiếm 80% giá trị đầu tư chứng khoán với tổng giá trị năm 2020 là 44.000 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trái phiếu chiếm khoảng 45%. Tại Việt Nam quy mô Quỹ mở còn thấp, chỉ chiếm 0,5% GDP trong năm 2022”.  

Một trong những dấu hiệu để nhận định trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) an toàn là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng. Những công ty phát hành là công ty cổ phần đại chúng niêm yết hoặc được tổ chức xếp hạng uy tín đánh giá AAA.

Nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doạnh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành trái phiếu với lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4%, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống. Như vậy, mức lãi suất này cho thấy tính ổn định và tương đối an toan, giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư. 

Trái phiếu giai đoạn trước 2020 có lãi suất và quy mô phù hợp. Giai đoạn 2020-2022 xuất hiện nhiều công ty phát hành TPDN phát hành riêng lẻ có lãi suất cao.

Thực tế, nhà đầu tư Việt Nam khi mua trái phiếu không phải vì lãi suất cao, họ muốn tìm một kênh đầu tư ổn định, như một định chế tài chính vững chắc nhưng lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng. 

Chung quy lại, đối với nhà đầu tư, uy tín và tên tuổi của công ty là những vấn đề cần ưu tiên khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.  

TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ tại hội thảo.

TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ tại hội thảo.

Xu hướng chung của thị trường chứng khoán quốc tế là nhà đầu tư thông qua những quỹ mở với đội ngũ chuyên nghiệp. Các đơn vị này sẽ đầu tư những trái phiếu tốt, có độ an toàn cao, giúp nhà đầu tư linh hoạt trong thoát vốn. 

Trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022 là trái phiếu bất động sản. Trong đó, công ty chưa niêm yết chiếm trên 80%. Trong giai đoạn này, TPDN đa số vừa do các ngân hàng thương mại phát hành và cũng mua lại với lượng lớn TPDN từ các công ty bất động sản, chiếm tới hơn 40% lượng trái phiếu phát hành và giao dịch trên thị trường TPDN.

Nền kinh tế hiện nay đang có xu hướng thâm dụng vốn. Tỷ lệ thâm dụng vốn tăng rất mạnh trong giai đoạn từ 2020 đến nay. Xét về doanh nghiệp, mức thâm dụng vốn của các công ty niêm yết là rất lớn. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu vượt 122%, nghĩa là các công ty niêm yết đang dùng vốn nhiều hơn để tạo ra doanh thu.

Thực tế, TPDN hiện  nay  chưa  thực  sự là nguồn vốn cung cấp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là các công ty sản xuất kinh doanh. Hiện tại, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và hỗ trợ cho các công ty sản xuất kinh doanh. 

Do đó, các cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan cần có các giải pháp minh bạch và lành mạnh hoá thị trường TPDN tại Việt Nam.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA): Nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin từ những nguồn tin cậy, minh bạch. Trước khi tiến hành đầu tư, nên quan sát thực trạng doanh nghiệp và ghi nhân thông tin từ những nguồn tin chính thống, rõ ràng. Trên thực tế rất nhiều nhà đầu tư nghe tin đồn thổi, tin hành lang và tiến hành đầu tư dẫn đến rủi ro.

LS. Phạm Ngọc Hưng cho rằng, trước khi tiến hành đầu tư, nên quan sát thực trạng doanh nghiệp và ghi nhân thông tin từ những nguồn tin chính thống, rõ ràng.

LS. Phạm Ngọc Hưng cho rằng, trước khi tiến hành đầu tư, nên quan sát thực trạng doanh nghiệp và ghi nhân thông tin từ những nguồn tin chính thống, rõ ràng.

Một phần quan trọng khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán.

Đồng thời, đơn vị môi giới, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán cần minh bạch hơn trong quá trình tư vấn phát hành trái phiếu. Thậm chí, nhiều đơn vị hoạt động môi giới đầu tư trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Các công ty chào bán không tuân thủ quy định, chưa xác nhận minh bạch thông tin đơn vị phát hành trái phiếu. Thậm chí, các đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ để thu hút dòng tiền.

Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB): Áp lực trái phiếu đáo hạn một phần có nguyên nhân từ các công ty chứng khoán và ngân hàng. Các tổ chức này để bán được trái phiếu, họ hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3-6 sau khi phát hành. Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại thì họ không mua hoặc không đủ năng lực mua. Nhưng nếu đẩy trách nhiệm này cho nhà phát hành thì không đúng quy định, bởi thời hạn phát hành thường ít nhất là 1 năm.

Theo ông Mã Thanh Danh, riêng với những DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ.

Theo ông Mã Thanh Danh, riêng với những DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ.

Để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh đề xuất 3 nhóm giải pháp.

Trước hết phải tính toán khả năng từ nội tại chính doanh nghiệp.

DN nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với DN đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, DN có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn.

Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, DN có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Vừa qua, Citi Bank đã đồng ý chuyển đổi trái phiếu Novaland thành cổ phiếu NVL với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá NVL chỉ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Riêng với những DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ.

Vì vậy, DN cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc DN rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…

Ngoài ra, DN cũng có thể tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường.

Gần đây, sau khi thị trường chứng khoán sau khi rớt điểm liên tiếp đã tăng lại, dòng tiền tăng lên đáng kể. DN vì thế có thể tính toán phương án huy động vốn qua thị trường này để thanh toán trái phiếu.  Thậm chí họ có thể bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về.

DN phát hành trái phiếu là cần nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển, sau khi không huy động được bằng kênh cổ phiếu và vay ngân hàng. Vì thế thị trường Việt Nam rất cần những ngân hàng đầu tư (Investment Banking) có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn. Khi DN gặp khó khăn, họ sẽ đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Tuy nhiên, thực tế thì các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ. Thị trường chứng khoán cũng chưa được nâng hạng. Khi thị trường được nâng hạng sẽ đón thêm nhiều dòng vốn lớn đổ vào, giúp DN đỡ áp lực về nguồn vốn.

Cuối cùng, DN cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

Phần 2 của hội thảo là phần trao đổi, thảo luận giữa các diễn giả với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Một nhà đầu tư đặt câu hỏi: “Hiện nay nhà đầu tư đang rất hoang mang vì thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều rủi ro như thời gian qua. Các phương án nào dành cho doanh nghiệp khi ngân hàng siết tín dụng. Tính pháp lý và tính khả thi cho các trái chủ khi được doanh nghiệp đề nghị đổi trái phiếu thành cổ phiếu?”

Các diễn giả, khách mời và nhà đầu tư cùng trao đổi, thảo luận.

Các diễn giả, khách mời và nhà đầu tư cùng trao đổi, thảo luận.

LS Phạm Ngọc Hưng: “Thị trường trái phiếu nói chung vẫn còn nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Những trái phiếu có tài sản đảm bảo thì tính an toàn vẫn cao. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tính cực điều phối như vụ việc SCB để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Cuối cùng, nếu nhà đầu tư cảm thấy có dấu hiệu lừa đảo thì có thể tố cáo đến cơ quan công an để được thụ lý hồ sơ”.

TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh: Các công ty bất động sản nếu muốn bàn bạc với nhà đầu tư để hợp tác kinh doanh thì cần minh bạch các dự án, các vấn đề pháp lý, quy mô và tiến độ các dự án. Đồng thời, nhà đầu tư quan tâm nếu hoán đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu thì định giá tài sản như thế nào, dựa trên cơ sở nào để định giá, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của trái chủ.

TS. Đinh Thế Hiển: Các công ty bất động sản muốn thông qua kênh trái phiếu để huy động vốn vì muốn vay vốn từ các ngân hàng thương mại thì phải kèm theo nhiều điều kiện pháp lý khắt khe. Kênh trái phiếu có thể cung cấp vốn dài hạn khi các dự án chưa hoàn thành.

Điểm quan trọng nhất cần quan tâm hiện nay là sự minh bạch, cơ chế dành cho việc hoán đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu chuyên nghiệp, rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Nhiều đại biểu, khách mời quan tâm tới nội dung của hội thảo.

Nhiều đại biểu, khách mời quan tâm tới nội dung của hội thảo.

Ông Mã Thanh Danh: Doanh nghiệp cần vốn là để tăng trưởng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thay đổi cấu trúc, tối ưu hóa mô hình kinh doanh sản xuất để tận dụng nguồn vốn. Để hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về tình hình hoạt động và kế hoạch kinh doanh để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Trong giai đoạn 2020-2022, những công ty sản xuất kinh doanh dù ít huy động trái phiếu doanh nghiệp nhưng vẫn vượt qua những đợt khủng hoảng vì dịch bệnh. Điều đó cho thấy, nguồn vốn chảy vào khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không nhiều.

Vốn lưu động của các công ty sản xuất kinh doanh sẽ được nới rộng trong giai đoạn quý 1 năm 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chứng minh năng lực sản xuất, mô hình kinh doanh hợp lí để thu hút đầu tư.


Luật sư Phạm Ngọc Hưng:
“Trái phiếu là giao dịch dân sự, nếu có vấn đề tranh chấp thì sẽ phải giải quyết thông qua tòa án dân sự. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể tăng cường hỗ trợ pháp lý để giúp doanh nghiệp kinh doanh sản xuất thuận lợi, thu hồi vốn để thanh toán cho trái chủ”.

TS. Đinh Thế Hiển: “Thị trường trái phiếu nước ngoài hoạt động rất sôi nổi với hàng trăm tỷ đô giao dịch mỗi ngày. Cũng tương tự chứng khoán, thị trường trái phiếu cần rất nhiều giải pháp đồng bộ như hành lang pháp lý, đào tạo nhân sự, quản lý thị trường...”

Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Mebi Group: “Nguồn vốn sản xuất kinh doanh đang bị tắc, tuy có nhiều thông tin ngân hàng sẽ tháo gỡ room tín dụng dành cho các công ty sản xuất kinh doanh nhưng thực tế vẫn chưa thấy thực hiện. Các công ty đang dần mất niềm tin khi phía ngân hàng vẫn chưa có động thái nới room trong thời gian qua. Trên thực tế, doanh nghiệp cần làm gì để phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian chờ đợi?”

TS Trịnh Đoàn Tuấn Linh: “Cần tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, kéo dài thời gian thanh toán cho đối tác và rút ngắn thời gian cho vay với khách hàng. Hiện nay, vấn đề room tín dụng đến từ bất động sản. Ngoài nguồn vốn rót cho các doanh nghiệp bất động sản, các công ty sản xuất cũng dùng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đi đầu tư bất động sản.

TS. Đinh Thế Hiển: Đầu năm 2023, ngân hàng sẽ có kế hoạch nới room tín dụng, dòng tiền sẽ không đổ hết vào bất động sản như thời gian qua. Bắt đầu từ tháng 1, ngân hàng có 14% room tín dụng mới. Trong đó, 6 nhóm doanh nghiệp ưu tiên cho vay vốn lưu động có nhóm ngành sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng cơ cấu vốn hợp lý, gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung hạn. Nếu muốn ngân hàng cung cấp vốn lưu động thì doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh hợp lý.

Nhóm PV
Bạn đang đọc bài viết (Trực tiếp) Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận