Tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc vào thu nhập hoạt động thuần của ngân hàng

23/11/2016, 02:54

TCDN -

HSC vẫn luôn cho rằng công cụ chính để xử lý nợ xấu là thời gian. Tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc vào thu nhập hoạt động thuần của hệ thống ngân hàng, là nguồn lực để trích lập dự phòng cũng như xử lý nợ xấu thực sự.

Tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc vào thu nhập hoạt động thuần của ngân hàng
Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, về vấn đề liên quan đến nợ xấu, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tập trung thu hồi nợ, thu giữ, định giá, phát mại tài sản; cải cách thủ tục tố tụng, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực cho VAMC; phát triển thị trường mua bán nợ.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, giám sát, xử lý căn bản tình trạng sở hữu chéo của các tổ chức tín dụng. Khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng và giám sát đặc biệt trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.

Còn theo báo cáo mới đây của CTCK TP.HCM (HSC), Quốc hội đã quyết định không dùng Ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Mặc dù vậy, vẫn để ngỏ cho một số phương pháp có thể “sáng tạo” hơn.

Chính sách xử lý nợ xấu sau cùng vẫn đang được cân nhắc nhưng trong hiện tại, các ngân hàng sẽ phải nỗ lực tự mình xử lý nợ xấu. Quốc hội cũng đã xác định không dùng Ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu mặc dù vậy đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu được hoán đổi với VAMC) xuống dưới 3%. Vào cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu gộp này ước tính là khoảng 6,6%.

"Mặc dù đã chính thức xác định không dùng Ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, Nghị quyết đề cập rằng vẫn có thể sử dụng các “nguồn lực phù hợp” để đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Điều này để ngỏ cho khả năng xử lý nợ xấu bằng những phương pháp “sáng tạo” hơn. Mặc dù Nghị quyết chưa làm rõ “nguồn lực phù hợp” ở đây là những nguồn lực nào", HSC nêu quan điểm.

Một số chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng việc sử dụng “các nguồn lực phù hợp” thậm chí bao gồm cả Ngân sách nhà nước trong trường hợp các nguồn lực khác đã được huy động trong khi một số chuyên gia khác lại có quan điểm khác về vấn đề này. Họ cho rằng nguồn lực phù hợp có thể bao gồm một số cơ chế như sử dụng tích cực hơn kênh tái cấp vốn cho các ngân hàng hoặc cho phép các ngân hàng phát hành một số dạng trái phiếu đặc thù để đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Do trái phiếu đặc biệt VAMC hiện tại chỉ có kỳ hạn năm năm (gia hạn lên 10 năm trong một số trường hợp đặc biệt) và một số ngân hàng nhỏ có thể cần nhiều thời gian hơn thế.

Theo phát biểu của Thủ tướng trong các phiên hợp Quốc hội gần đây, HSC cho rằng Chính phủ sẽ tập trung cải thiện và thống nhất khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến thu hồi nợ xấu, tịch thu, định giá và thanh lý tài sản đảm bảo, cải cách thủ tục tố tụng và xử lý các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản đảm bảo.

Đồng thời, cải thiện năng lực của VAMC. Không rõ là cải thiện năng lực ở đây có nghĩa là tăng vốn hay tăng quyền hạn cho cơ quan này hay cả hai điều trên. Dĩ nhiên, một mục tiêu khác là xây dựng thị trường giao dịch nợ thứ cấp. Những mục tiêu này không hề mới và thực tế đã được đưa ra thảo luận nhiều lần ngay từ khi VAMC được thành lập vào năm 2013-2014, mặc dù vậy đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển. Và trong khi chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn về “nguồn lực phù hợp”, có vẻ như các ngân hàng sẽ tiếp tục phải dựa vào dự phòng để xử lý nợ xấu.

HSC vẫn luôn cho rằng công cụ chính để xử lý nợ xấu là thời gian. Tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc vào thu nhập hoạt động thuần của hệ thống ngân hàng, là nguồn lực để trích lập dự phòng cũng như xử lý nợ xấu thực sự. Ngay cả đối với trái phiếu đặc biệt VAMC, vẫn có yêu cầu trích lập dự phòng 20% giá trị trái phiếu mỗi năm cho đến khi trái phiếu đáo hạn sau năm năm. Những quy định này đặt lên vai các ngân hàng gánh nặng trích lập dự phòng lớn nhưng cuối cùng sẽ giúp ngân hàng thực sự giải quyết được vấn đề nợ xấu.
Theo Trí thức trẻ

Bạn đang đọc bài viết Tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc vào thu nhập hoạt động thuần của ngân hàng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận