Quản lý doanh nghiệp nhà nước: Tìm phương án mới từ mô hình cũ

Bài 3: “Cần thành lập một tổ chức hoặc tập đoàn kinh doanh vốn”

20/01/2025, 09:46

TCDN - “Cần xem xét thành lập một tổ chức hoặc tập đoàn kinh doanh vốn để chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Bộ Tài chính sẽ không trực tiếp quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà chỉ quản lý tổ chức kinh doanh vốn này”.

Bài 1: Cơ chế thị trường - con đường doanh nghiệp chưa thể đi 

Bài 2: Chuyển doanh nghiệp về Bộ Tài chính không hẳn là trở lại con đường cũ 

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội trao đổi với PV Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

Thưa ông, trong những năm qua, DNNN sở hữu nhiều lợi thế nhưng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Theo ông, nguyên nhân chính là gì?

Có hai nguyên nhân chính khiến DNNN chưa phát huy được vai trò của mình. Thứ nhất, chúng ta thường giao vốn cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ. Trong khi doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhưng lại không có cơ quan nào giám sát việc sử dụng vốn để đánh giá hiệu quả hiệu quả hoặc xử lý thất thoát. Hệ quả là khi thua lỗ, không ai chịu trách nhiệm, việc quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” dẫn đến thất thoát nguồn lực. Đồng thời, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh phải nộp vào ngân sách, khiến lãnh đạo và doanh nghiệp không được hưởng lợi ích xứng đáng. Điều này tạo tâm lý e dè, doanh nghiệp chỉ tập trung vào các dự án ít rủi ro, thiếu đột phá.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.

Thứ hai, trong kinh doanh đòi hỏi khả năng nắm bắt, tận dụng cơ hội và ra quyết định nhanh chóng. Nhưng tại DNNN, mọi kế hoạch đều phải thông qua nhiều cơ quan quản lý. Thậm chí, một số dự án lớn còn cần sự phê duyệt của Quốc hội. Các quy trình này kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh quý giá.

Tổ chức kinh doanh vốn cần chịu trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm, bổ nhiệm người lãnh đạo DNNN. Cần có cơ chế tuyển chọn và bổ nhiệm minh bạch, rõ ràng, dựa trên các tiêu chí và điều kiện cụ thể. Lãnh đạo, dù là người Việt hay nước ngoài, cũng cần được đánh giá thông qua thi tuyển hoặc quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm thực tế.

Chính cơ chế quản lý nêu trên đã kìm hãm khả năng phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những tập đoàn và tổng công ty lớn giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế. Việc không được trao quyền tự quyết trong hoạt động đã làm mất đi động lực và sức mạnh cần thiết để phát triển.

Năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập nhằm thực hiện chủ trương tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 6 năm mô hình này hoạt động không đạt hiệu quả như mong đợi, sắp tới sẽ dừng hoạt động. Theo ông, mấu chốt vấn đề này nằm ở đâu?

Theo tôi, nhiệm vụ ban đầu của Ủy ban là thay thế các cơ quan Chính phủ trong việc ra quyết định, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN. Đồng thời, mục tiêu là thanh lọc các doanh nghiệp hoạt động yếu kém, chọn ra những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt. Đây cũng là một giải pháp nhằm khắc phục tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong quản lý DNNN trước đây. Lẽ ra, Ủy ban chỉ nên đóng vai trò quản lý vốn và không can thiệp sâu vào các hoạt động điều hành, quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Ủy ban lại trở thành một cơ quan quản lý hành chính, áp đặt các quy định, thủ tục, làm hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp không thể nắm bắt cơ hội kinh doanh kịp thời, làm mất đi tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh.

Trong kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Chính phủ quyết định kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao cho Ủy ban quản lý về Bộ Tài chính. Thưa ông, cần phải thay đổi mô hình quản lý với DNNN như thế nào khi dừng hoạt động của Ủy ban?

Trước hết, tôi cho rằng DNNN cần phải phân làm 4 nhóm với cách quản lý khác nhau. Nhóm 1 là doanh nghiệp giúp cho nhà nước trong việc quản lý, điều hành của nền kinh tế hoặc 1 lĩnh vực nhà nước phải nắm giữ - nhóm then chốt, dẫn dắt, quyết định tới lĩnh vực, ngành đó. Ví dụ ngân hàng thương mại lớn giúp cho Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất… thì doanh nghiệp đó phải thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp sản xuất vũ khí quốc phòng Bộ Quốc phòng phải nắm giữ. Doanh nghiệp điều phối điện do Bộ Công Thương nắm giữ… Số lượng doanh nghiệp này không nhiều.

Nhóm thứ 2 là nhóm những doanh nghiệp của các tổ chức chính trị xã hội như công đoàn, đảng, thanh niên… do các tổ chức chính trị xã hội quản lý.

Nhóm thứ 3 là nhóm doanh nghiệp mang tính chất công ích, hoạt động phục vụ cho công cộng như cây xanh, môi trường đô thị… Những doanh nghiệp đó đảm nhận việc phục vụ hoạt động cộng đồng do UBND các tỉnh phải quản lý.

Nhóm 4 là doanh nghiệp được nhà nước đầu tư để sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận cho nhà nước. Nhóm này nên được quản lý bởi một doanh nghiệp như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nhà nước bỏ vốn vào doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, sắt thép… doanh nghiệp sẽ phải mang lại lợi nhuận cho nhà nước theo chỉ tiêu cụ thể và có thực hiện nhiệm vụ chính trị khi cần thiết.

Như đã nói, mô hình hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chưa hiệu quả. Do đó, khi chuyển giao các tập đoàn và tổng công ty nhà nước về Bộ Tài chính, cần xem xét thành lập một tổ chức hoặc tập đoàn kinh doanh vốn (kết hợp Ủy ban và SCIC theo mô hình lớn mạnh hơn) để chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Bộ Tài chính sẽ không trực tiếp quản lý DNNN mà chỉ quản lý tổ chức kinh doanh vốn này.

Trong mô hình mới, tổ chức kinh doanh vốn trực thuộc Bộ Tài chính sẽ được trao quyền quyết định về việc sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, bao gồm đầu tư hoặc thoái vốn, với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho nhà nước. Đối với các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổ chức này có thể tính toán giảm mức lợi nhuận nộp ngân sách để cân đối nhiệm vụ chính trị và kinh doanh.

Tổ chức kinh doanh vốn cũng cần chịu trách nhiệm giao chỉ tiêu cụ thể về lợi nhuận và nhiệm vụ chính trị cho từng doanh nghiệp, thay vì tham gia duyệt từng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tổ chức này phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn. Nếu doanh nghiệp để xảy ra thất thoát, giảm vốn chủ sở hữu, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, họ sẽ bị đánh giá là không hoàn thành kế hoạch, thậm chí đối mặt với cắt giảm vốn hoặc xử lý lãnh đạo. Trường hợp doanh nghiệp thua lỗ kéo dài từ 1-2 năm, lãnh đạo doanh nghiệp có thể bị cách chức; nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tổ chức kinh doanh vốn sẽ có quyền quyết định và bổ nhiệm lãnh đạo - người đại diện phần vốn chủ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu tổ chức kinh doanh vốn không hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp. Theo đó, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng phải sửa đổi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Vậy, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên sửa theo hướng nào để doanh nghiệp nhà nước phát huy được vai trò của mình, thưa ông?

Mấu chốt của việc sửa đổi Luật là phân định rõ ràng giữa quản lý vốn đầu tư và quản trị doanh nghiệp. Cơ quan quản lý vốn chỉ cần giao nhiệm vụ, kế hoạch, mục tiêu chính trị, và chỉ tiêu cụ thể, đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ. Doanh nghiệp nhà nước phải được trao quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, từ việc lập kế hoạch đến triển khai thực tế, không bị can thiệp bởi các cơ quan quản lý vốn.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Hiện nay, một bất cập lớn là việc lãnh đạo DNNN không được hưởng lợi khi doanh nghiệp có lãi, trong khi nếu doanh nghiệp thua lỗ, mức lương của lãnh đạo vẫn không bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với doanh nghiệp loại 1. Với các thay đổi trong Luật, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có quyền tự chủ cao hơn, khuyến khích sự sáng tạo và linh hoạt trong hoạt động kinh doanh để đạt hiệu quả tối ưu. Nếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đảm bảo tái cấu trúc vốn, nộp đầy đủ các khoản lợi nhuận và dự phòng, phần lợi nhuận dư thừa có thể được phân chia, trong đó lương của lãnh đạo có thể lên tới 1-2 tỷ đồng/tháng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp thua lỗ hoặc để thất thoát vốn nhà nước, lãnh đạo có thể không được nhận lương, bị cách chức hoặc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai phạm.

Một trong những vấn đề quan trọng đối với DNNN là lựa chọn người đứng đầu. Theo ông, nên có cơ chế như thế nào trong việc lựa chọn người đứng đầu?

Tổ chức kinh doanh vốn cần chịu trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm, bổ nhiệm người lãnh đạo DNNN. Việc bổ nhiệm không nên dựa vào hình thức bình bầu như đối với công chức, vì điều này dễ dẫn đến việc chọn nhầm người thiếu năng lực nhưng có khả năng "vừa lòng" số đông. Một lãnh đạo yếu kém có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ và làm thất thoát vốn nhà nước.

Ngược lại, việc bổ nhiệm đúng người, có năng lực và kinh nghiệm, sẽ bảo toàn vốn nhà nước, tạo ra lợi nhuận hàng năm và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Do đó, cần có cơ chế tuyển chọn và bổ nhiệm minh bạch, rõ ràng, dựa trên các tiêu chí và điều kiện cụ thể. Lãnh đạo, dù là người Việt hay nước ngoài, cũng cần được đánh giá thông qua thi tuyển hoặc quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm thực tế.

Ngoài ra, lãnh đạo DNNN cần được trao quyền điều hành thực sự, bao gồm quyền lựa chọn và tổ chức bộ máy doanh nghiệp. Đồng thời, cần gắn chặt quyền lợi với trách nhiệm, tạo động lực để lãnh đạo nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, từ đó góp phần bảo vệ và phát triển nguồn vốn nhà nước một cách bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm PV
Bạn đang đọc bài viết Bài 3: “Cần thành lập một tổ chức hoặc tập đoàn kinh doanh vốn” tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899