2025 - Năm tăng tốc, đột phá, về đích của ngành giao thông

01/01/2025, 14:37
báo nói -

TCDN - Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới và ngành GTVT sau gần 80 năm chuẩn bị bước vào thời kỳ mới.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, năm 2024, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng; sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; toàn ngành GTVT đã tạo được sự chuyển biến toàn diện trong năm bản lề.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu tại hội nghị.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Trong năm, Bộ đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo Chương trình, kế hoạch đề ra; tích cực xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đường bộ với các chính sách lớn có tác động tích cực đến xã hội.

Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi) và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); tiếp tục thực hiện việc tổng kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng kết Luật Đường thủy nội địa VN, Bộ luật Hàng hải VN.

Về đột phá kết cấu hạ tầng, năm 2024, sau hơn 18 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 vừa qua.

Bộ GTVT đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tp.HCM, TP Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố.

Trong năm, Bộ đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như GPMB, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam.

Đến nay, tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000km đường bộ cao tốc về đích năm 2025, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng. Nhiều dự án khác đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ với quan điểm: Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.

Công trường bứt tốc, công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (gồm 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024 và 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024 ).

Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch, thuộc nhóm dẫn đầu về giải ngân trên cả nước.

Năm 2024, hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định 2 con số gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2024, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5%; vận chuyển hành khách ước đạt 4.7 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với năm 2023

Công tác phòng, chống bão, lũ đã được Bộ GTVT chủ động triển khai thực hiện, kịp thời ứng phó từ sớm, từ xa; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế; tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; Chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận diện một số tồn tại, hạn chế như: Một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ triển khai dự án thành phần 4 cảng HKQT Long Thành còn chậm; nguồn cung cấp cát khu vực ĐBSCL tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.

Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, song các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân…

Bộ trưởng nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc đột phá về đích. Đây cũng là năm cuối thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). 

Trên cơ sở phát huy kế thừa kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế năm 2024, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và địa phương, đồng thời bám sát chương trình chủ trương chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phương châm hành động của Chính phủ, toàn ngành GTVT tăng cường đoàn kết, tập trung phấn đấu với quyết tâm cao nhất thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đã đề ra.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành GTVT đạt được, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, "Đây là hội nghị có tính lịch sử khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới và ngành GTVT sau gần 80 năm chuẩn bị bước vào thời kỳ mới".

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, tới đây, Bộ GTVT sẽ có mô hình tổ chức mới, đồng bộ được vấn đề giao thông với xây dựng đô thị và nông thôn. Đây là sự thay đổi theo chiều hướng mạnh lên, đồng bộ hơn, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu quả" theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

"Với sứ mệnh đi trước mở đường, ngành GTVT là ngành tạo ra sự kết nối của các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương và các quốc gia", Phó thủ tướng nói và cho biết, năm 2024 là năm có nhiều khó khăn, song, Việt Nam đã ghi nhận nhiều điểm sáng: Thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI cao nhất; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo thấp; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc, đứng thứ 54/143 quốc gia; chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 44/132 quốc gia…

Đối với ngành GTVT, đặc biệt là lĩnh vực đường bộ, nếu trong gần 20 năm (từ năm 2021 trở về trước), cả nước mới đầu tư gần 1.200km đường bộ cao tốc thì từ 2021 đến nay, tổng chiều dài cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác đạt gần 900km. Tổng chiều dài đường bộ cao tốc tăng lên 2.021km.

"Năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ, Quốc hội ban hành 2 Bộ luật: Đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với tư duy đổi mới, có nhiều điểm hết sức đột phá.

Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, các nhà thầu, tư vấn… đã lao động không quản ngày đêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ", Phó thủ tướng nói.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, sau quá trình thực hiện việc sáp nhập, những việc gì đã làm tốt, ngành GTVT cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh", từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ có tư duy đột phá, đổi mới, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", có sự tích hợp với quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp.

Ngành GTVT cũng cần chủ động đón nhận cơ hội, đi đầu trong phát triển ngành công nghiệp, nhất là cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.

Song song với triển khai đồng bộ các phương thức giao thông, bộ cũng cần tính toán phát triển đồng bộ giữa các vùng miền. Các tuyến giao thông khi đầu tư phải được đặt trong hệ sinh thái, có tính liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.

"Năm 2025, ngành GTVT phải xác định các dự án đầu tư trọng điểm, đặt vấn đề cải cách thể chế về vấn đề đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Bộ sớm đặt các dự án trọng điểm như: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Tp.HCM - Cần Thơ, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cần đẩy nhanh các khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công và đưa dự án này vào dự án trọng điểm quốc gia để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ", Phó thủ tướng nói.

Ngành GTVT cũng được yêu cầu tiếp tục cải cách thể chế, tập trung phát triển vận tải đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không sau thời gian dồn lực đột phá lĩnh vực đường bộ.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần tiếp tục được đẩy mạnh, từ quy hoạch, tổ chức thi công, vận hành khai thác.

Cùng Tài chính Doanh nghiệp nhìn lại những điểm nhấn nổi bật của ngành Giao thông Vận tải năm 2024.

Đường sắt tốc độ Bắc - Nam

Chiều 30/11/2024, thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chắc chắn sẽ là một trong những thời khắc lịch sử không chỉ đối với ngành đường sắt, mà còn đối với toàn ngành giao thông vận tải.

Tuyến đường dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Tp.HCM), đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tp.HCM.

Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD) từ nguồn ngân sách trong các kỳ đầu tư công trung hạn và vốn hợp pháp khác.

Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.800ha; dự kiến 120.836 người cần tái định cư.

Dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án trong trường hợp ngân sách không đáp ứng tiến độ; huy động vốn phát triển chính thức ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mà không phải lập đề xuất; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc quy định khác...

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Có tổng mức đầu tư khoảng 11,6 tỷ USD với tổng chiều dài 400km, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tuyến dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2025 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2030.

Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí nối ray với đường sắt Trung Quốc thuộc TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, để đạt mục tiêu đồng loạt khởi công dự án vào cuối năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ dự án, đặc biệt là về chủ trương đầu tư, cơ chế chính sách để trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.

Vận hành 2 tuyến metro

Ngày 8/8/2024, TP. Hà Nội chính thức khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội sau gần 15 năm triển khai xây dựng. Các nhà ga trên tuyến gồm 8 nhà ga (Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy).

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km, đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4km.

Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, đoạn trên cao chạy thương mại từ tháng 8, toàn tuyến hoàn thành năm 2027.

Ngoài dự án Nhổn - ga Hà Nội, sáng 22/12, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng đã vận hành thương mại. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ ngày 24/7/2012 và hoàn thành đưa vào khai thác tháng 12/2024.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (Tp.HCM) và TP. Dĩ An (Bình Dương) với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Chiều dài 19,7km (2,6km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao) với 14 nhà ga và Depot Long Bình rộng 20ha tại TP. Thủ Đức.

Cao tốc Bắc - Nam

Ngoài các dự án đường sắt đô thị, 2024 cũng là năm mà một loạt dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành. Đầu tiên là đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km đi qua Nghệ An 44,4km và Hà Tĩnh 4,9km, tổng mức đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, khai thác hồi cuối tháng 4.

Dự án có điểm đầu tiếp nối đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và điểm cuối kết nối đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi. Giai đoạn đầu, dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 90km/h. Ở giai đoạn hoàn chỉnh, dự án đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120km/h.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 79km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng cũng được đưa vào khai thác trong năm 2024. Dự án có điểm đầu kết nối dự án Nha Trang - Cam Lâm, thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa, điểm cuối nối dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thuộc xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận.

Giai đoạn đầu, cao tốc có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 90km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120km/h.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Đồng Nai dài 7km, xuyên rừng ngập mặn, được khai thác cuối tháng 12, sau 10 năm xây dựng.

Khởi công năm 2014, cao tốc đi qua Đồng Nai, Tp.HCM và Long An dài 58 km, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, rộng 24m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100km/h. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho Tp.HCM. Tuy nhiên, dự án chậm triển khai do khó khăn về chính sách đầu tư, thiếu vốn.

Cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc"

Ngày 18/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động đợt cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc". Buổi lễ đã kết nối trực tuyến với 10 tỉnh có đoạn tuyến cao tốc phải hoàn thành trong năm 2025 và 3 tỉnh cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược và hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, với mục tiêu đạt 3.000km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000km vào năm 2030.

Thủ tướng cho biết cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100km. Hiện các dự án đang thi công với trên 1.700km trải dài qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.

"Từ nay đến hết 2025, chúng ta phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000km đường cao tốc nữa, với thời gian không còn nhiều. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, tôi phát động đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc", Thủ tướng kêu gọi.

Điểm sáng về giải ngân

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm sáng của Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2024. Bộ tiếp tục là một trong các Bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân trung bình cao của cả nước.

Trong năm 2024, với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải đi đôi với kết quả thực chất là sản lượng trên công trường.

Năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã được được giao khoảng 75.484 tỷ đồng. Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

Trong bối cảnh thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2024 còn rất ngắn, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2024.

Ngành Giao thông có Bộ trưởng mới

Cuối tháng 11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Trước đó, Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng. Ông Nguyễn Văn Thắng sau đó được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nam Thành
Bạn đang đọc bài viết 2025 - Năm tăng tốc, đột phá, về đích của ngành giao thông tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ GTVT giải ngân hơn 60 nghìn tỷ đồng trong 2024
Chiều 30/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Trong năm, Bộ đã giải ngân hơn 60 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công.
Bộ GTVT, Hà Nội và Công ty Ôtô 1/5 làm trái quy định của Thủ tướng
Tại cơ sở nhà đất tại 53 thị trấn Đông Anh, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trách nhiệm thuộc về Lãnh đạo Công ty Ôtô 1/5, UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT khi chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền.