"Ái nữ" nhà Tân Hiệp Phát dự đoán về tương lai của thế giới và Việt Nam ra sao?
TCDN - Bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát vừa chia sẻ về 4 kịch bản chính về tương lai của thế giới và Việt Nam.
Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ quan điểm của Ipsos về tình hình của Việt Nam và thế giới.
Theo bà Trần Uyên Phương, sẽ có 4 kịch bản chính về tương lai của thế giới và Việt Nam. Cụ thể, kịch bản đầu tiên là mọi thứ trở lại trạng thái như lúc trước.
“Ở kịch bản này có những bức tranh về xã hội và kinh tế sẽ gần giống như những gì đã diễn ra ở năm 2019. Mặc dù, vẫn có sự phát triển, tuy nhiên bước tiến của xã hội cũng có phẩn bị đình trệ. Vẫn có sự căng thẳng về quan hệ quốc tế tiếp diễn, không có hướng đi rõ ràng chắc chắn về các phương thức kinh doanh hoặc chính trị mới. Tập trung vào việc phát triển kinh tế hiện tại thay vì những đầu tư, hoạch định dài hạn cho tương lai”, bà Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, ở kịch bản thứ nhất này, tình trạng thất nghiệp sẽ là một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia có dân số trẻ trong khi đó, những người trẻ và cầu tiến sẽ có xu hướng “bất mãn”, nhưng những người lớn tuổi hơn sẽ cảm thấy hài lòng khi được “quay lại trạng thái bình thường”.
Kịch bản thứ 2 là bảo vệ xã hội hiện tại, nền kinh tế chậm phát triển hoặc trì trệ, trọng tâm là những vấn đề trong nước. Chuỗi cung ứng bị hạn chế hơn, cơ cấu thị trường được thiết lập lại linh hoạt hơn và chủ yếu dựa vào tiềm lực trong nước. Sản phẩm nội địa phát triển. Những sản phẩm mới phát triển theo hướng chú trọng sự đơn giản, cơ bản, thiết yếu.
Cũng theo chia sẻ của bà Phương, kịch bản thứ ba là xã hội biến đổi tiêu cực, mặc dù có sự hồi phục về kinh tế, nhưng không phải phù hợp cho tất cả mọi người. Sẽ áp dụng một số hình thức về an sinh xã hội - UBI, chính sách về thuế, chính sách việc làm. Kịch bản này nếu xảy ra, thay đổi trọng tâm về phát triển kinh doanh sang giải quyết các vấn đề xã hội.
Kịch bản thứ tư là tình trạng đổ vỡ, mong manh, nền kinh tế chậm phát triển và sự sụp đỗ của hệ sinh thái/ cách vận hành của quốc gia tạo ra một xã hội cực đoan. Cùng với đó, tầng lớp trung lưu gặp khó khăn, nghèo khổ - sẽ trút sự tức giận đến chính phủ và tầng lớp cao hơn. Người dân hướng đến những nhu cầu cơ bản nhất và những ý tưởng mới sẽ phải bắt đầu từ nền tảng cơ bản nhất.
Ở kịch bản này, bà Phương nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến môi trường sẽ không còn quan trọng bằng việc chính phủ phải đối phó với tình trạng bất ổn của kinh tế và xã hội.
Về các xu hướng trong tương lai, bà Phương chia sẻ, với xu hướng tiêu dùng và lựa chọn nhãn hàng, tương lai người tiêu dùng có xu hướng sản phẩm/ nhãn hiệu có đạo đức, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng. Cùng với đó, người tiêu dùng đang tìm kiếm ý nghĩa trong mục đích thương hiệu, vượt ra ngoài các thuộc tính chức năng và hướng đến đạo đức.
Cũng theo bà Phương, do ảnh hưởng của dịch, người tiêu dùng cần sản phẩm thiết yếu với giá thành thấp. Cùng với đó, xu hướng tự nấu ăn, tự làm việc nhà sẽ gia tăng và việc ăn chay sẽ trở nên thiết thực hơn chỉ là tư tưởng tôn giáo.
“Ảnh hưởng thu nhập giảm nên người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu những sản phẩm không thiết yếu hoặc được xem là không tốt cho sức khỏe, và người tiêu dùng mua hàng dựa trên giá trị, lợi ích sản phẩm mang lại”, bà Phương nhấn mạnh.
Cuối cùng là kinh doanh bán hàng là sân chơi của những nhãn hàng lớn, các nhà sản xuất hàng loạt với quy mô lớn và kinh doanh online/ trực tuyến đang phát triển mạnh.
Về vấn đề sáng tạo để thích nghi với người tiêu dùng và môi trường kinh doanh trong bối cảnh COVID bà Phương chia sẻ, thời gian tới, doanh nghiệp bà không những sản phẩm không tăng giá mà duy trì khuyến mãi để hệ thống phân phối có thể hổ trợ sản phẩm đến cho người và đảm bảo mức lợi nhuận của họ.
“Chúng tôi cũng nỗ lực để không bị cung ít hơn cầu dẫn đến lạm phát về giá của sản phẩm và nỗ lực tối đa cải tiến quy trình để duy trì cơ chế kiểm soát nhưng vẫn nỗ lực thanh toán đúng hạn cho nhà cung ứng”, bà Phương chia sẻ thêm.
Cũng tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định, trải qua những tác động của dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Đáng lo hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước…
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế (VCCI) đánh giá, tác động của Covid-19 tới cộng đồng doanh nghiệp là hết sức nghiêm trọng. Số liệu thống kê của VCCI cho thấy, có đến 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. “Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, ông Thạch nhấn mạnh.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, ông Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cho người lao động tại các doanh nghiệp là ưu tiên quan trọng cần làm. Cùng với đó, việc đảm bảo thông suốt trong vận tải hàng hoá liên tỉnh và nội tỉnh, tránh gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa cũng gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, cần đảm bảo sự thống nhất trong chính sách và quy định phòng chống dịch từ trung ương tới địa phương, nhanh chóng bãi bỏ các quy định do các địa phương ban hành trái với quy định của Trung ương.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899