Ảnh hưởng dịch Covid-19, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thặng dư 2,8 tỷ USD
TCDN - Bộ Công Thương cho biết, 3 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019, cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ vf cộng đồng doanh nghiệp.
Trong báo cáo gửi Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, toàn ngành Công Thương xác định vừa thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, vừa tính tới các giải pháp lâu dài hơn.
Trong đó tập trung 2 trọng tâm chính là vừa tham gia phòng chống, kiểm soát dịch bệnh vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu trong quý 1/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực. Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 1,9% so với quý 1/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).
Về sản xuất công nghiệp, Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm mạnh từ 49,0 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Theo kết quả khảo sát, dịch COVID-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm gần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018.
Hầu hết những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động của dịch COVID-19 đều có chỉ số sản xuất (IIP) 3 tháng đầu năm tăng thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hàng thiết yếu khiến cho tiêu thụ các mặt hàng gặp khó khăn do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu giảm. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Trong đó nhóm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh nhất (giảm tương ứng 27,8% và 9,6%). Các nhóm hàng hóa khác có mức tăng thấp so với các năm trước (chỉ tăng từ 2,0-9,6%) khiến mức tăng chung thấp. Đáng lưu ý là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%).
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng khi 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện giảm 5% (đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020); vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, cũng cần nhìn nhận khía cạnh tích cực từ bối cảnh hiện tại đối với đầu tư của Việt Nam khi Việt Nam vẫn đang được coi là đất nước an toàn. Một số nhà đầu tư đã và có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, điển hình như mới đây, Samsung quyết định chuyển dây chuyền sản xuất “một số smartphone cao cấp” tới Việt Nam. Do vậy, cần coi đây là một cơ hội trong hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn.
Về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc (đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899