Áp dụng nhiều giải pháp trong thoái vốn DNNN: Hiệu quả đã rõ

08/06/2017, 09:27

TCDN - Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) năm 2016 của Chính phủ gửi Quốc hội khóa XIV, việc THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN đạt nhiều bước chuyển tích cực.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư theo lộ trình
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư theo lộ trình và kế hoạch được phê duyệt.

Theo đó, Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá trong việc thoái vốn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí vốn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước.

Đảm bảo lợi ích nhà nước trong thoái vốn

Báo cáo cho biết, năm 2016, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý tài chính DN, sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại DN. Cụ thể như hoàn thiện cơ chế về chuyển DNNN thành công ty cổ phần, cơ chế quản lý tài chính của DNNN; xây dựng Đề án Thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ đã xây dựng được kế hoạch tổng thể, chi tiết danh mục DNNN thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm sử dụng vốn nhà nước đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá trong việc thoái vốn nhà nước nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí vốn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước như thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách, chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận thoái vốn theo lô... Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCTNN) tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư theo lộ trình và kế hoạch được phê duyệt. Năm 2016 đã thực hiện thoái vốn được 5.149 tỷ đồng, thu về 18.832 tỷ đồng, gồm thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư tại các DN ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán vốn nhà nước với giá trị 3.081 tỷ đồng, thu về 16.109 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, nội dung báo cáo cũng nêu rõ, nhiều DNNN thực hiện các biện pháp THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo tổng hợp báo cáo tài chính năm 2015 của 652 DNNN có tổng tài sản 3.043.687 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.376,2 tỷ đồng, tổng doanh thu 1.588,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 161.431 tỷ đồng, nộp NSNN 246.038 tỷ đồng. Không những vậy, nhiều cơ chế, chính sách về CPH DNNN theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh quá trình CPH đã được triển khai thực hiện.

Tiếp tục thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí

Báo cáo cũng cho biết thêm, công tác quản trị, điều hành, quản lý, đầu tư, phát triển và mở rộng thị trường của các DNNN sau CPH đã có tiến bộ đáng kể. Qua đánh giá kết quả CPH DNNN giai đoạn 2011 - 2015, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2015 đều tăng hơn trước khi CPH. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hóa DNNN; trường hợp DNNN chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, để bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật trong quá trình xác định giá trị DNNN thực hiện cổ phần hóa.

Để nâng cao hiệu quả THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN năm 2017, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, đó là: DNNN thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; đăng ký và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý từ 5% trở lên. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo quy định. Cùng với đó, chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, đảm bảo thực hiện trong năm 2017 đạt được mục tiêu mỗi năm có 30% - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên như đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của DNNN, nhất là các TĐ, TCTNN. Xử lý đối với lãnh đạo DNNN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả đề án tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN. Tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp, CPH, thực hiện tái cơ cấu DNNN theo Đề án Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không để thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN về tình hình thực hiện, sắp xếp, đổi mới DNNN, tính đến hết năm 2016, cả nước đã CPH được 4.506 DNNN, trong đó có 1 tập đoàn kinh tế, 47 tổng công ty nhà nước và nhiều DNNN có quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh quan trọng. Các DNNN trước khi CPH đã được xử lý triệt để nợ và tài sản tồn đọng, bảo đảm lành mạnh về tài chính trước khi chuyển thành công ty cổ phần. Nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược đã mua cổ phần của DN CPH...

Theo Thời báo tài chính Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết Áp dụng nhiều giải pháp trong thoái vốn DNNN: Hiệu quả đã rõ tại chuyên mục Thoái vốn của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận