Báo chí và bài toán nguồn thu trong bối cảnh kinh tế số

21/06/2024, 07:44
báo nói -

TCDN - Nếu hỏi điều gì hiện đang là nỗi bận tâm lớn nhất của các toà soạn, câu trả lời chung nhất chắc chắn không gì khác ngoài câu chuyện kinh tế, nguồn thu.

Nguồn thu bị đe doạ

Qua khảo sát số liệu từ 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Năm 2022, và nhất là năm 2023 vừa qua, khi tăng trưởng giảm sút, doanh nghiệp ngày càng rơi vào vòng xoáy khó khăn, doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chưa bao giờ nguồn thu của báo chí bị đe dọa mạnh mẽ như hiện nay. Làm thế nào để kiến tạo được nguồn thu, làm thế nào để đảm bảo được kinh tế báo chí cho tòa soạn là nỗi trăn trở thường trực lớn nhất, bài toán hóc búa đang cấp thiết cần lời giải nhất hiện nay của tất cả lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí đang tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Theo nghiên cứu từ Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), hiện có 5 nguồn thu chính của cơ quan báo chí Việt Nam, gồm: quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử.

Trong đó, dù có xu hướng sụt giảm nhưng phần lớn các tòa soạn báo tại Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào hai nguồn thu chủ yếu là quảng cáo và phát hành, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. Chỉ có một số ít tòa soạn báo đã từng bước tạo thương hiệu, thu tiền được của độc giả từ việc thu phí trực tuyến, bán nội dung số, tăng thêm nguồn thu từ việc tổ chức các sự kiện.

Trong chia sẻ tại phiên thảo luận “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí” trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, đồng chí Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long- một trong số những cơ quan báo chí có nguồn thu trong top đầu trong cả nước- đã cho biết, Đài Vĩnh Long hiện có hai nguồn thu chính, bao gồm từ hoạt động quảng cáo và tuyên truyền, chủ yếu để hỗ trợ làm phim tư liệu cho các sở, ngành trong tỉnh và các video clip giới thiệu doanh nghiệp. Trong đó, quảng cáo chiếm đến 90% trong tổng nguồn thu của Đài. Một cơ quan báo chí năng động, với rất nhiều nguồn thu ấn tượng như Đài Vĩnh Long nhưng doanh thu từ quảng cáo vẫn chiếm đến 90% trong tổng nguồn thu cho thấy, tới thời điểm hiện nay, doanh thu từ quảng cáo vẫn là nguồn thu lớn nhất của các cơ quan báo chí Việt Nam.

Tuy nhiên, như người xưa có câu “trứng không bỏ vào một giỏ”, việc báo chí dồn tất cả doanh thu vào nguồn quảng cáo, trong bối cảnh doanh nghiệp, một mặt do kinh doanh ngày càng khó khăn, đang ngày càng thắt chặt hầu bao, giảm dần, thậm chí cắt bỏ quảng cáo trên báo giấy, thay vào đó là chuyển dịch quảng cáo thương hiệu sang không gian số hoặc các phương thức quảng bá khác hiệu quả hơn như bán hàng điện tử, thông qua mạng xã hội… đã khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí bị đe dọa nghiêm trọng.

Đơn cử như báo Nhà báo và Công luận, nhiều năm qua, nguồn thu của chúng tôi đến từ các hợp đồng truyền thông hợp tác đăng tải thông tin trên báo giấy và báo điện tử, từ việc tổ chức sự kiện… tuy nhiên, doanh thu từ quảng cáo của doanh nghiệp vẫn là chủ yếu.

Dù vậy, những năm gần đây nền kinh tế gặp khó, việc doanh nghiệp vận lộn với sự sống còn cũng đã khiến mảng doanh thu từ quảng báo của báo chúng tôi sụt giảm khá lớnm, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu chung, buộc chúng tôi bắt buộc phải chọn giải pháp “thắt lưng buộc bụng, liệu cơm gắp mắm” để đảm bảo hoạt động toà soạn, duy trì đời sống cho anh em cán bộ phóng viên, biên tập viên.

Từ thực tế kinh tế báo chí của các cơ quan báo chí nói chung cũng như từ chính báo Nhà báo và Công luận, chúng tôi cho rằng đa dạng nguồn thu thời điểm này không chỉ còn là hướng đi tất yếu, mà là buộc phải đi, thậm chí tìm hướng để đi nhanh, hiệu quả.

Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Đơn giản nguồn thu bằng cách nào là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu nhưng cho tới nay vẫn đang là câu hỏi lớn, thường trực với tất cả các toà soạn.

Như đã nói, lâu nay, kinh tế báo chí của các toà soạn đến từ 5 nguồn chính, gồm: quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử. Tuy nhiên, như đã nói, doanh nghiệp khó khăn thì quảng cáo trên báo in, hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử đều gặp khó. Tự chủ tài chính đang là hướng đi nên nguồn tài chính từ cơ quan chủ quản cũng đang dần thu hẹp lại.

Ngân sách từ nhà nước- thông qua việc báo chí nhận nhiệm vụ truyền thông chính sách đang được xem là địa hạt kiến tạo thêm nguồn thu cho báo chí. Tuy nhiên, trên địa hạt mới này, báo chí đang đối mặt với không ít thách thức. Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2023 với chủ đề “Truyền thông chính sách- góc nhìn từ các cơ quan báo chí” do báo Nhà báo và Công luận cũng đã bàn luận sâu về câu chuyện cơ chế, nguồn lực cho truyền thông chính sách.

Cũng tại Diễn đàn, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã thống nhất một số kiến nghị đề xuất lên các cơ quan chức năng để công tác truyền thông chính sách được thuận lợi hơn, trong đó có việc làm rõ cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí song song với đó cần có cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí, không nên áp dụng chính sách tài chính chung đối với doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, từ đề xuất đến giải pháp thực thi không phải là ngày một ngày hai. Vì thế, nguồn thu từ truyền thông chính sách hiện cũng chưa là lối mở hoàn toàn dễ dàng.

Như thế, 5 lối đi kiến tạo nguồn thu của báo chí đều đang gặp khó. Nhưng nếu cơ quan báo chí chấp nhận bó tay đều hàng trước cái khó thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận sẽ dần bị đào thải. Còn nếu không muốn bị đào thải, cách duy nhất là phải tìm ra lối đi mới, dù có thể rất mạo hiểm.

Tạo nguồn thu từ nội dung số

Tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024- sự kiện được Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức rất thành công hồi tháng 3 năm nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong bài phát biểu đã gợi mở về lối đi mới đó. Bộ trưởng chỉ rõ: Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới.

Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí. Đồng chí Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí.

Như vậy, đến thời điểm này, dịch chuyển sang không gian số, tạo nguồn thu từ nội dung số là mệnh lệnh mà các toà soạn phải tiến bước.

Nhưng báo chí tạo nguồn thu từ không gian số bằng cách nào. Từ thực tế của các báo, như chia sẻ của đồng nghiệp Lê Xuân Toàn, báo Tuổi trẻ, thì nguồn thu từ nội dung số sẽ gồm: Thu từ việc bán bản quyền cho các trang tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng OTT…; Thu từ quảng cáo trực tiếp và gián tiếp thông qua các doanh nghiệp, đại lý, các công ty công nghệ; Thu từ sự kiện truyền thông, ưu tiên trên các nền tảng số. Và để có thể có được nguồn thu, báo Tuổi Trẻ buộc phải thay đổi, đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên.

Hay như tại báo Thanh Niên. một tờ báo đang dẫn đầu về nguồn thu và lượng người tiếp cận trên mạng xã hội, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI đang là giải pháp tốt để giảm được chi phí trong sản xuất nội dung và tối ưu hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí.

Tất cả những sự đầu tư, thay đổi này là không dễ. Cái khó nhất, theo phần đa các toà soạn, vẫn là câu chuyện “tiền đâu”. Với những tờ báo với phân khúc độc giả khu biệt là giới báo chí cùng nhiều hạn chế về nguồn lực như báo Nhà báo và Công luận, câu chuyện nguồn tài chính để tái đầu tư, đổi mới luôn luôn là vấn đề hóc búa. Chúng tôi hiểu rằng, không có giải pháp nào chung và có sẵn cho tất cả các cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan báo chí sẽ phải “liệu cơm gắp mắm” tự tìm ra cho mình hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế toà soạn và một tâm thế hết sức quyết tâm, quyết liệt.

Tuy nhiên, từ thực tế báo Nhà báo và Công luận cũng như từ các ý kiến ghi nhận được thông qua các Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2020 “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu”, Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2023 “Truyền thông Chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”, giới báo chí vẫn mong mối có được sự

đồng hành, hỗ trợ khăng khít hơn nữa từ các cơ quan chức năng, đơn cử như đề xuất cơ chế giảm thuế cho các sản phẩm báo chí và các cơ quan báo chí.

Xung quanh vấn đề này, trong cuộc trao đổi với báo Nhà báo và Công luận mới đây, đại diện Bộ Tài chính, dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Báo Nhà báo và Công luận cũng như các cơ quan báo chí mong muốn chính sách này sẽ được sớm thông qua giúp giảm “áp lực” về thuế trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, gặp nhiều khó khăn, để các toà soạn để báo chí có thêm nguồn lực đầu tư cho công nghệ, nội dung.

Không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam - ngay từ những bước đi đầu tiên, đã được định danh là “Báo chí Cách mạng”, với sứ mệnh “phụng sự nhân dân”. Hiếm có nền báo chí nào có một xuất phát điểm gắn chặt với xuất phát điểm của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của một đất nước như thế. Hiếm có một nền báo chí nào ra đời và gắn bó sâu sắc, được vị lãnh tụ vĩ đại, một Danh nhân văn hóa thế giới luôn chăm chút, chỉ đường như thế. Đất nước đang tiến bước mạnh mẽ tới những mục tiêu phát triển mới cũng là khi lịch sử đang đặt lên vai Báo chí Cách mạng Việt Nam những sứ mệnh mới.

Những sứ mệnh ấy, có thể chưa từng có tiền lệ nhưng 99 năm đồng hành cùng lịch sử đất nước đã cho thấy Báo chí Cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đi lên từ chính vị thế của mình và trở thành nguồn nội lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước, cho dân tộc. Chạm mốc 100 năm, báo chí cách mạng Việt Nam với giá trị cốt lõi của mình đã, đang và sẽ luôn là dòng chủ lưu chính trên không gian số. Báo chí kiến tạo được nguồn thu trên nền tảng số cũng sẽ đồng nghĩa với việc chiếm lĩnh được trận địa thông tin trên thế giới số, thể hiện rõ vị thế dòng chủ lưu ấy.

Nguyễn Triệu
Bạn đang đọc bài viết Báo chí và bài toán nguồn thu trong bối cảnh kinh tế số tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phó thủ tướng: Quy hoạch báo chí phải thực chất, có tính mở
Phó thủ tướng yêu cầu dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nguyên tắc phải bảo đảm thực chất, có tính mở và khả thi trong thực hiện nhưng không xung đột với các quy định, quy hoạch khác.
Kinh tế báo chí trong xu thế chuyển đổi số
Sự lên ngôi của công nghệ 4.0 đòi hỏi việc số hóa trong báo chí là đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là cùng với chuyển đổi số, yếu tố tổ chức hoạt động kinh tế báo chí thế nào cho phù hợp với đòi hỏi đặt ra.