Bệnh viện lớn xin thôi tự chủ: Cơ chế quản lý đang trói buộc

24/10/2022, 13:29
báo nói -

TCDN - Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 24/10, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Theo ông Cường, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ có thiết bị hiện đại hơn.

“Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình”, đại biểu Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này một số nội dung như quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định), việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện nhà nước. Đó là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch, vừa để nhân dân người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám, chữa bệnh, vừa để vừa để cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đặt ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét thông qua Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi tại kỳ họp thứ năm.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) cho rằng, những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế. Theo đại biểu, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế, tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo bảo hiểm y tế. Khi thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất có thể thì khó đảm bảo chất lượng cao.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp, làm tiền đề để có những quy định sáng suốt, sát với thực tế trong các vấn đề đấu thầu thuốc, đào tạo nhân lực…

Trong khi đó, theo đại biểu Dương Tấn Quân, vướng mắc trong cơ chế tài chính hiện nay tập trung vào ba vấn đề đó chính là giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập và đấu thầu.

Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, việc giao dự toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa đảm bảo giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí. Trong các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên, còn nhiều rào cản về tổ chức, nhân sự trong tự chủ về thuốc và vật tư y tế. Hiện các bệnh viện đang loay hoay không biết mua sắm như thế nào cho đúng và có tình trạng nhân viên y tế giảm thời gian làm chuyên môn để tập trung vào nghiên cứu việc mua sắm, đấu thầu cho đảm bảo.

Bên cạnh đó, đại biểu Quân cũng băn khoăn hiện các bệnh việc không chỉ thiếu thuốc mà sắp tới có thể sẽ thiếu một số trang thiết bị y tế do hư hỏng mà không sửa được như các máy kỹ thuật cao. Vì vậy Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo xem xét thấu đáo việc thực hiện rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ sống pháp luật về cơ chế tự chủ đối với sự nghiệp công lập, y tế công lập, liên doanh, liên kết đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và chính sách liên quan để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, phù hợp với tình hình mới và đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống y tế công lập.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Bệnh viện lớn xin thôi tự chủ: Cơ chế quản lý đang trói buộc tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, Bệnh viện đã hoàn thành đề án tự chủ vào tháng 3/2022, sau 2 năm triển khai. Bệnh viện cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho dừng thí điểm tự chủ vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.