Bộ KH&ĐT tính lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung
TCDN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) bổ sung.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hệ thống ưu đãi đầu tư hiện hành được xây dựng theo nguyên tắc nhà nước sẽ miễn, giảm nghĩa vụ tài chính đối với các chủ thể kinh doanh nếu thuộc đối tượng khuyến khích đầu tư. Các nghĩa vụ tài chính được miễn, giảm bao gồm thuế TNDN; thuế nhập khẩu; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và tăng mức chi phí được trừ, thời gian khấu trừ khi tính thuế. Đối tượng khuyến khích đầu tư là ngành, nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao và các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn, doanh thu cao, sử dụng nhiều lao động, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Về hình thức ưu đãi, đối với thuế TNDN, nhà đầu tư sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi bao gồm: 17%, 15%, 10%, 9%, 7% và 5% tùy thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư; nhà đầu tư cũng được áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các mức: miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo; miễn thuế không quá 4 năm và giảm 50% không quá 9 năm tiếp theo; miễn thuế không quá 6 năm và giảm 50% không quá 13 năm tiếp theo. Về nghĩa vụ tài chính về đất đai, nhà đầu tư được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất với các mức 3 năm, 7 năm, 11 năm, 15 năm hoặc toàn bộ thời gian thuê; được miễn, giảm tiền sử dụng đất trong một số trường hợp.
Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam nêu trên được đánh giá là cạnh tranh, nhờ đó, cùng với các thế mạnh như: tình hình kinh tế chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, vị trí địa lý chiến lược, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn lao động dồi dào, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, thị trường tiềm năng…, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu lớn trong việc thu hút ĐTNN, với việc dòng vốn ĐTNN liên tục tăng qua các năm. Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút ĐTNN hàng đầu thế giới, trong khi ĐTNN trên toàn cầu có xu hướng giảm. Năm 2021, vốn ĐTNN vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch. Năm 2023, vốn ĐTNN vào Việt Nam đạt 36,51 tỷ USD (tính đến ngày 20/12/2023), đây là mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2018 – 2023.
Cần thiết ban hành chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
Theo Bộ KH&ĐT, do bối cảnh vừa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) từ đầu năm 2024, các ưu đãi miễn, giảm thuế hiện tại của nhà đầu tư lớn sẽ không còn hiệu quả, làm giảm tính hấp dẫn môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư "đại bàng" đang đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Về nguyên tắc, Việt Nam có thể không có các phản ứng chính sách và giữ nguyên ưu đãi cho các dự án đã cấp trước đó. Việc này sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp, thì mức ưu đãi mà Việt Nam đã cấp sẽ là vô nghĩa với nhà đầu tư (vì mức ưu đãi này dựa trên thu nhập và không đạt chuẩn đối với quy tắc Trụ cột II do mang tính bồi hoàn với số thuế TNDN bổ sung mà Doanh nghiệp phải đóng, do đó, điều này vẫn sẽ khiến cho Doanh nghiệp phải nộp số thuế bổ sung tương ứng với số ưu đãi thuế được hưởng).
Ngoài ra, mặc dù tổng vốn ĐTNN trong năm 2023 có sự tăng trưởng nhưng các dự án mới có quy mô lớn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi tại Việt Nam có xu hướng chững lại. Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhiều xu hướng đầu tư mới, cạnh tranh thu hút đầu tư diễn ra quyết liệt, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đang chưa đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút dự án trọng điểm vào lĩnh vực trên theo định hướng của Bộ Chính trị; chưa đa dạng, bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế; chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, thiếu tính thực tiễn...
Hơn nữa, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao, công nghệ lõi có quy mô lớn cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam. Nhóm các nhà đầu tư này đang chờ phản ứng chính sách của Việt Nam.
Do đó, việc ban hành chính sách là hết sức cấp bách để không gây xáo trộn quá lớn đối với môi trường đầu tư kinh doanh khi áp dụng thuế TTTC, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng và thu hút đầu tư mới tại Việt Nam. Chính sách này cần ban hành để có hiệu lực áp dụng trong năm tài chính 2024.
Việc xây dựng Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam: ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Quỹ hoạt động theo mô hình là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính
Theo dự thảo, Quỹ Hỗ trợ đầu tư là quỹ tài chính nhà nước, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và hoạt động theo quy định tại Nghị định này. Theo đó, Quỹ hoạt động theo các quy định đặc thù tại Nghị định và các quy định khác có liên quan.
Quỹ hoạt động theo mô hình là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính.
Nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; chịu trách nhiệm trong phạm vi hỗ trợ của mình; hỗ trợ đúng đối tượng đáp ứng điều kiện theo quy định.
Nhiệm vụ của Quỹ gồm: (i) tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ, thực hiện chi hỗ trợ đầu tư đúng cho các đối tượng đáp ứng điều kiện và được hưởng hỗ trợ; (ii) Hỗ trợ Hội đồng xét duyệt lựa chọn tư vấn thẩm tra; và (iii) lập dự toán ngân sách, đề nghị bổ sung ngân sách (nếu cần), báo cáo quyết toán ngân sách.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899