Bộ Quốc phòng “bóc” chiêu thức người Trung Quốc mua đất ở Việt Nam

24/05/2020, 14:43

TCDN - Hầu hết lô đất mà người Trung Quốc mua đều ở vị trí đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Thủ tướng: Thành lập tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng” đến Việt Nam

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/5, Thủ tướng cho biết, các nhà đầu tư bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, vì vậy Việt Nam có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19. Để đón đầu làn sóng này, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ , cần có các giải pháp thích hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp chiêu 22/5

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp chiêu 22/5

Theo Thủ tướng, trong thu hút phát triển ở đất nước còn nghèo, “nhân vô thập toàn”, không thể có một hạ tầng hoàn thiện, một cơ chế hoàn thiện, vì vậy “chúng ta biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của Việt Nam” và phải làm nhanh hơn, tốt hơn. Nếu cứ bình bình, cách làm cũ, trì trệ, không đổi mới thì khó thành công. Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, cần có tư duy mới. Các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu dòng đầu tư mới này.

“Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía” - Thủ tướng nói và cho rằng các nước đang cạnh tranh quyết liệt, Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh, thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan. Địa phương nào có dự án thì bổ sung vào thành phần của địa phương đó để giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra.

Người Trung Quốc "sở hữu" đất ở Việt Nam thế nào?

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, luỹ kế các dự án còn hiệu lực đến tháng 3/2020, Trung Quốc là nhà đầu tư ngoại lớn thứ 8 vào Việt Nam với tổng số dự án là gần 3.000 dự án.

Riêng về tình hình doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực biên giới, số liệu của Bộ Quốc phòng cho thấy, tính đến ngày 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh thành biên giới. Trong đó, có 92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh.

Cử tri lo ngại về tình trạng người Trung Quốc đứng tên người Việt mua các lô đất có vị trí đắc địa tại Việt Nam

Cử tri lo ngại về tình trạng người Trung Quốc đứng tên người Việt mua các lô đất có vị trí đắc địa tại Việt Nam

Trong khi đó, tổng diện tích đất các doanh nghiệp nêu trên sử dụng là 162.467,7 ha với thời hạn thuê đất từ 5-50 năm. Theo Bộ Quốc phòng, hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Bộ Quốc phòng chỉ ra rằng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hai hình thức:

Thứ nhất, thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam; ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành; sau một thời gian, bằng nhiều cách Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp; do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Thứ hai, là đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất, đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô...

Để sở hữu các lô đất người Trung Quốc đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.

Do vậy, Bộ Quốc phòng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “án binh bất động” vì Tổng thầu Trung Quốc

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt (QLDA), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết: Tổng số có hơn 100 chuyên gia, nhân sự của Tổng thầu EPC Trung Quốc làm việc tại dự án nhưng đến nay mới có 4 nhân sự đang ở Việt Nam.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay các nhân sự của Tổng thầu, Tư vấn giám sát (TVGS), Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án” - lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt nói và thông tin về khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh liên quan đến chính sách của các quốc gia khác nhau.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư dự án, khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay chính trong giai đoạn hiện nay là việc sớm đưa được các chuyên gia sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án.

“Đặc biệt, với việc Tư vấn ACT chưa xác định được thời gian sang Việt Nam, sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác định thời gian thực hiện công tác vận hành thử, cấp chứng nhận an toàn và thực hiện công tác nghiệm thu, bàn giao dự án” - lãnh đạo Ban QLDA thông tin.  

Loạt đại dự án thua lỗ: Kiện nhà thầu Trung Quốc khó thắng, chi phí lại lớn

Báo cáo Chính phủ gửi ĐBQH cho biết, trong tổng số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, hiện nay có 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC.

Chính phủ cho biết, dư nợ của loạt dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả ngành công thương tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn

Chính phủ cho biết, dư nợ của loạt dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả ngành công thương tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn

Cụ thể là các dự án: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Phần lớn dự án đều do nhà thầu đến từ Trung Quốc đảm nhận. 

Có 2 giải pháp xử lý được nêu ra là: Đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử, chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định của Thông tư 64 đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán.

Đối với giải pháp đưa ra phân xử thông qua trọng tài hoặc tòa án, các doanh nghiệp đã thuê tư vấn pháp lý, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo việc khởi kiện để xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC (nhất là 3 dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam) sẽ không thuận lợi và khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, có thể chi phí cho việc phải trả tiền cho các nhà thầu khi thua kiện cộng với chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong các hợp đồng EPC.

Phát hiện hơn 2.000 dự án chi sai ngân sách, "qua mặt" Chính phủ

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có báo cáo gửi Quốc hội cho biết: Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán...

Qua kiểm toán 2.055 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 14.729 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm toán 9 dự án BOT và 29 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này.

Nổi bật là cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng.

Giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập.

Theo Dân trí
Bạn đang đọc bài viết Bộ Quốc phòng “bóc” chiêu thức người Trung Quốc mua đất ở Việt Nam tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan