Năm 2023, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đạt được nhiều dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm thời cơ thuận lợi đan xen khó khăn thách thức. Trong đó khó khăn thách thức nhiều hơn, nhiều diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vượt khỏi tầm kiểm soát và không thể dự báo trước. Điều này đã tác động lớn đến tình hình trong nước, trong đó có ngành GTVT.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xoá đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá, ghi nhận, biểu dương những thành tích của ngành giao thông nói chung và Bộ GTVT nói riêng, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để ngành giao thông đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
"Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó, đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó, đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo", Thủ tướng nói và nhắc lại sự kiện đầu năm 2023, lần đầu tiên, Bộ GTVT triển khai khởi công trực tuyến 12 dự án cao tốc từ Bắc đến Nam, đến cuối năm tiếp tục khánh thành 4 dự án ngành GTVT từ sân bay, cầu, đường cao tốc ở hai đầu đất nước.
Từ đó, thủ tướng khẳng định trong thành tích chung của đất nước, có sự đóng góp lớn của ngành GTVT, cũng như các địa phương trong năm 2023.
Thủ tướng cho biết, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, năm 2023, Bộ GTVT được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Nhờ tập thể đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công các lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc, vừa phát triển dự án mới vừa khắc phục khuyết điểm sai sót của những dự án cũ, vừa tháo gỡ các khó khăn, trong đó có vướng mắc trong GPMB.
Về triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, Tp.HCM, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
"Năm nay, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần: Vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, Vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn", Thủ tướng nói và lấy ví dụ, tháng 4/2023, khi đi kiểm tra cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, lúc đầu kế hoạch chỉ có 2 làn, sau quyết tâm nâng lên 4 làn nhưng vẫn phải giữ đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, trước đây địa phương còn yếu kém về hạ tầng giao thông nhưng nhờ sự quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT các điểm yếu dần được cải thiện, chuyển biến tích cực.
Hạ tầng giao thông nông thôn kết nối huyện, xã đã đảm bảo rộng khắp nhờ đó, góp phần giúp 100% các xã đạt nông thôn mới. Hạ tầng giao thông đường tỉnh, các tuyến tỉnh đã đầu tư theo quy hoạch.
Về các tuyến quốc lộ, Đồng Tháp phối hợp với Bộ GTVT hỗ trợ đầu tư nâng cấp sửa chữa đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hoá, sinh hoạt của người dân.
Đặc biệt, Đồng Tháp rất vui mừng khi lần đầu có cao tốc đi qua với tuyến Mỹ Thuận – Cần hư Thơ khoảng 10km vừa khánh thành, Tuyến Cao Lãnh – An Hữu thành phần 1 dài 17km đã khởi công trong tháng 6; tuyến Cao Lãnh – Mỹ An dài 28km dự kiến chuẩn bị khởi công trong năm 2024.
Trong thời gian tới, ông Nghĩa đề đề nghị sớm có kế hoạch triển khai tuyến Cao Lãnh – Mỹ An để địa phương chuẩn bị phương án đền bù GPMB.
Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) luôn nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của bà con Nhân dân, đặc biệt là các gia đình bị ảnh hưởng của dự án.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua huyện Cẩm Xuyên có chiều dài 30,5 km (chiếm 30% tổng km toàn tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, chiếm 56% tổng km chiều dài của tuyến Hàm Nghi - Vũng Áng) trong đó tuyến chính cao tốc có chiều dài 27,03 km (điểm đầu là xã Cẩm Thạch, điểm cuối là xã Cẩm Minh) đi qua địa bàn 8 xã: Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc, Cẩm Minh; đường kết nối từ cao tốc đi Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Cẩm Quan và thị trấn Cẩm Xuyên có chiều dài là 3,2 km; ngoài ra tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên có bố trí 1 trạm dừng nghỉ cao tốc tại xã Cẩm Hưng.
Tổng số hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng dự án là 2.300 hộ, tổng diện tích ảnh hưởng giải phóng mặt bằng là 230,83 ha. Đến nay, Cẩm Xuyên đã chi trả cho 1.725/1.935 hộ (đạt 89,15%) và bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ 87,55% kế hoạch. Với sự đồng thuận cao, nhiều gia đình đã sẵn sàng dời dọn nhà cửa, tài sản ra nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, hệ thống chính trị toàn huyện và nhân dân 8 xã có Dự án đi qua, đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, tập trung cao độ với quyết tâm chính trị cao, bằng nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ việc triển khai Dự án.
Mặc dù, vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhiều hộ gia đình đã gương mẫu, tích cực, chủ động, tiên phong đi đầu trong việc thực hiện kê khai, áp giá đền bù, nhận tiền đền bù tài sản bị ảnh hưởng bởi Dự án; đặc biệt hiện nay nhiều gia đình đã sẵn sàng dời dọn nhà cửa, tài sản ra nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho Dự án; vui vẻ hy sinh lợi ích của gia đình để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Anh Đoàn Xuân Duẩn, người dân xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên háo hức chia sẻ: Người dân trong xã nói chung và gia đình tôi nói riêng cảm thấy rất vui mừng khi có đường cao tốc mới chạy qua, làm thay đổi diện mạo vùng quê. Về mặt bằng, ủng hộ được Nhà nước đến đâu thì chúng tôi sẵn sàng đến đó, có đường đẹp nên bà con rất phấn khởi.
Trước sự kiện đồng loạt khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, người dân vùng ĐBSCL hân hoan khi trong tương lai gần, vùng trũng về hạ tầng giao thông của cả nước sẽ được thay đổi diện mạo.
Hay tin cao tốc về xứ biển, nhiều người dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, vui mừng nói: “Trước giờ tôi cũng không nghĩ là tỉnh Sóc Trăng sẽ có cao tốc đi qua. Rồi đây khi cao tốc về xứ biển Sóc Trăng, tôi chắc ở đây sẽ xuất hiện lên nhiều khu, cụm công nghiệp. Khi đó, nhiều con em địa phương không phải đi làm ăn xa nữa...".
Còn tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Truyền, hào hứng: "Cần Thơ được mệnh danh là trung tâm ĐBSCL nhưng chưa có cao tốc, việc di chuyển đi các tỉnh rất khó khăn. Hy vọng rằng cao tốc xây nên sẽ giúp diện mạo giao thông của Cần Thơ và miền Tây đổi mới, kinh tế ngày một tốt hơn".
Là địa phương nơi có cả 2 tuyến cao tốc trục ngang và dọc đi qua, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết tỉnh sẽ nỗ lực để hoàn thành vượt tiến độ được Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo chất lượng. Đến nay, Hậu Giang đã hoàn thành tất cả các thủ tục và đủ điều kiện khởi công dự án theo quy định. Đến nay, tỉnh này đã thu hồi đất đạt 84,6%, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng cho rằng người dân bị ảnh hưởng của dự án trên địa bàn đều ủng hộ, đồng thuận và sẵn sàng nhường đất, dời nhà có mặt bằng phục vụ thi công công trình.
Ông Lâu cũng cho biết, sắp tới tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thông tin về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án trong suốt quá trình thực hiện. Phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 91 của Chính phủ.
Viết Dinh