Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: Vì sao tư vấn 'dám' đề xuất giảm 26 nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư?

03/12/2018, 08:41

TCDN - Sau khi tham gia nghiên cứu dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng), Công ty tư vấn A2Z đưa ra đề xuất ấn tượng khi giảm chiều dài tuyến hơn gần 30 km.

UBND tỉnh Cao Bằng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) dài 115km theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đầu tư trước đoạn từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP Cao Bằng dài khoảng 80km, tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, tại Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, tuyến cao tốc này được quy hoạch dài 144km.

Năm 2017 tỉnh Cao Bằng từng xúc tiến đầu tư với một số tập đoàn Trung Quốc đề thúc đẩy dự án này. 47 nghìn tỷ là tổng mức đầu tư từng được đề nghị song rốt cuộc cũng không "giữ chân" được nhà đầu tư nào.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty Tư vấn xây dựng A2Z chính là đơn đơn vị nghiên cứu và đề xuất với UBND tỉnh Cao Bằng con số tiết giảm cả về chiều dài tuyến và tổng mức đầu tư ấn tượng nói trên. Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Hữu Dũng - TGĐ Công ty CP Tư vấn Xây dựng A2Z cho biết sẽ có những con số cụ thể hơn sau khi tiếp tục đánh giá rủi ro từ các yếu tố kỹ thuật về địa hình, địa chất, các điều kiện thi công…

cao_toc_dong_dang_tra_lin

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ có điểm đầu dự án tại nút giao đường nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn), điểm cuối tại ngã ba đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và TL205 (tỉnh Cao Bằng)

Kinh nghiệm "trận mạc"

Đơn vị Tư vấn A2Z bắt đầu tham gia nghiên cứu Dự án hầm đường bộ Đèo Cả từ năm 2012. Khi đó, báo cáo nghiên cứu khả thi do Tập đoàn VINCI (Pháp) phối hợp với Tư vấn Quốc tế EGIS BCEOM đưa ra con số 15.603 tỷ đồng để xây dựng dự án này với chiều dài hầm 5,6 km. Cùng với đó, nhà thầu VINCI đề xuất triển khai dự án theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC.

Đứng trước kết quả nghiên cứu của Tập đoàn VINCI - nhà đầu tư có hơn 100 năm kinh nghiệm về đầu tư BOT trên thế giới, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn luận từ các thành viên HĐQT, Hội đồng cố vấn và Ban điều hành để đưa ra đánh giá đúng về các rủi ro khi đầu tư thực hiện dự án

Các giả định được đặt ra theo những kịch bản xấu cho phương án hoàn vốn của dự án khi các yếu tố đầu vào biến động như: tuyến cao tốc Bắc - Nam không đi qua hầm; việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam kéo dài; các cam kết của Bộ GTVT trong hợp đồng không đảm bảo; ngân hàng sẽ "quay lưng" khi lĩnh vực đầu tư hạ tầng được đánh giá lại dưới góc nhìn rủi ro từ chính sách bất cập; khi quyền quyết định cho vay phụ thuộc vào “khẩu vị” của người đứng đầu ngân hàng và việc đầu tư bất động sản đang là xu thế,...

“Để giải quyết các bài toán rủi ro này, chúng tôi phải bắt đầu từ việc kiểm soát các thông số đầu vào chính xác hơn. Công ty chúng tôi đã phối hợp với Tư vấn NIPPON KOEI (Nhật Bản) tổ chức khảo sát, đánh giá lại địa hình, địa chất, thủy văn; điều chỉnh vị trí cửa hầm; nghiên cứu nhiều phương án tuyến để đưa ra phương án tối ưu, cách thức tổ chức hiện trường, rà soát lại tổng mức đầu tư để tiệm cận với tổng vốn đầu tư. Kết quả, hướng tuyến từ 5,6 km giảm xuống còn 4,3 km chiều dài hầm; tương ứng với Tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng (giảm 3.603 tỷ đồng)” - ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã tổ chức rất nhiều cuộc họp yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu giải pháp thay thế các cầu vòm bằng thép đắt tiền (theo đề xuất trước đây của Tập đoàn VINCI), bằng cầu bê tông cốt thép dự ứng lực nhịp giản đơn. “Đó là cú đột phá lớn để địa phương và Bộ GTVT chấp thuận khi nêu ra việc tiết giảm để có thể đầu tư tiếp hầm Cù Mông”, ông Dũng nhận định.

Ông Dũng cho biết thêm, sau Dự án hầm Đèo Cả, đơn vị tư vấn của ông được tin tưởng, tiếp tục tham gia thiết kế dự án hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân. Qua từng hạng mục của dự án, đơn vị tư vấn luôn cố gắng phối hợp với chủ đầu tư để đưa ra các giải pháp thiết kế và biện pháp thi công nhằm tiết giảm và kiểm soát tổng mức đầu tư của dự án.

Hiệu quả đến từ đo lường các rủi ro khi tiếp cận dự án

Tháng 6/2017, công ty CP Tư vấn Xây dựng A2Z tiến hành triển khai rà soát tổng thể thiết kế kỹ thuật và tổng mức đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (dài 63 km). Tiếp đó, đơn vị này điều chỉnh thiết kế đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (dài 43 km). Được biết, dự án cao tốc này, trước đây sử dụng hình thức vay vốn ODA với tổng mức đầu tư là 8.743 tỷ đồng.Qua quá trình rà soát và điều chỉnh thiết kế của chúng tôi, tổng mức đầu tư chỉ còn 5.675 tỷ đồng, giảm 3.000 tỷ đồng để đầu tư tiếp 17,5 km đoạn cao tốc nối cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam” - Tổng giám đốc A2Z cho hay.

Vừa qua, trong quá trình khảo sát và triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (Cao Bằng), đơn vị tư vấn này đã gây chú ý khi đã phối hợp với tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn, đề xuất điều chỉnh điểm đầu kết nối với cao tốc Tân Thanh - Cốc Nam và Hữu Nghị - Chi Lăng, kết hợp với hầm xuyên núi và cầu vượt địa hình, để rút ngắn 29km chiều dài (từ 144 km so với quy hoạch ban đầu, nay chỉ còn 115 km theo nghiên cứu đề xuất mới của đơn vị tư vấn).

Phát huy những kinh nghiệm được tích lũy trong việc thiết kế và giám sát các dự án hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và Hữu Nghị - Chi Lăng, A2Z tự tin đề xuất giá trị tổng mức đầu tư của tuyến cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng là 20.939 tỷ đồng, giảm 26.000 tỷ đồng so với đề xuất trước đây.

Đèo Cả là doanh nghiệp trong nước đầu tiên chính thức bày tỏ sự quan tâm đầu tư dự án. Bài toán của Tập đoàn Đèo Cả lúc này yêu cầu đơn vị tư vấn xác định tiếp các rủi ro về hướng tuyến đến từ các yếu tố kỹ thuật về địa hình, địa chất, các điều kiện thi công phức tạp hơn có thể sẽ xảy ra ở tuyến cao tốc Đông Đăng – Trà Lĩnh để đo lường những khó khăn như đã từng gặp đối với Dự án Đèo Cả trước đây.

“Tập đoàn Đèo Cả có rất nhiều kinh nghiệm khi luôn nhìn thẳng vào khó khăn để tiếp cận dự án từ đó đặt ra giải pháp khắc phục. Với một nhà đầu tư tiềm năng khi đã cùng tư vấn nghiên cứu rất kỹ về dự án, bao gồm cả những khó khăn và giải pháp khắc phục thì cũng sẽ sẵng sàng cho việc tham gia đấu thầu để thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh” - ông Dũng chia sẻ.

Đến nay, công tác khảo sát và thiết kế cho dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh vẫn đang được đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của A2Z tiếp tục triển khai và nghiên cứu rất kỹ lưỡng trên bản đồ kết hợp với khảo sát thực địa. Dự kiến đến tháng 6/2019, đơn vị này sẽ hoàn thành thiết kế cơ sở và báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án.

“Khi đó hướng tuyến và số lượng các công trình trên tuyến sẽ được chính xác cụ thể, cùng với giá trị tổng mức đầu tư và tổng vốn đầu tư của dự án sẽ được các đơn vị chuyên môn đánh giá và thẩm định cụ thể hơn” ông Dũng nói.

Theo Nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: Vì sao tư vấn 'dám' đề xuất giảm 26 nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư? tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận