Gần 60 phút chạy xe từ TP Thanh Hoá, chúng tôi đặt chân đến trang trại Tuấn Vi tại Thung Lai, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành. Đó là một thung lũng tương đối bằng phẳng tựa như một lòng chảo tự nhiên được bao bọc bốn bề là núi đá. Đón chúng tôi, anh Nguyễn Văn Vy, chủ trang trại cho biết anh bỏ phố từ 4 năm nay để “kết duyên” cùng cây cam trên mảnh đất bán sơn địa này.
Trước mắt chúng tôi là một nông trang rộng bát ngát với hàng vạn gốc cam, bưởi đang vào vụ chín rộ được trồng ngay ngắn, thẳng hàng đều tăm tắp. Quả thật, trước khi đặt chân đến đây, chúng tôi cũng đã được nghe kể về một nông trại cây có múi ứng dụng công nghệ cao nhưng khi tận mục sở thị, ai cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Một màu xanh mướt trải dài khắp lòng thung lũng khiến chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một ma trận xanh kì diệu được kiến tạo bằng bàn tay của con người.
Anh Vy sinh ra, lớn lên ở thành phố. Trước khi đặt chân đến miền đất này, anh chưa bao giờ nghĩ có ngày mình lại là ông chủ một điền trang. Ý tưởng xây dựng một thương hiệu “cam sạch” đến với anh khi thăm trang trại của một người bạn.
Xuất phát từ thực tế của bản thân cũng như cộng đồng có chung nhu cầu săn tìm hoa trái hữu cơ, sản phẩm sạch có nguồn gốc thiên nhiên, đã thôi thúc để anh từ một công dân thành thị chưa từng làm nông nghiệp từ bỏ công việc cũ, quyết tâm xây dựng mô hình nông sản sạch trên trang trại của mình.
Nghĩ sao làm vậy, anh Vy tìm đến Thung Lai đặt vấn đề với chính quyền và các hộ dân trong vùng mua gom, tích luỹ dần diện tích đất nông nghiệp trồng mía, dứa hiệu quả thấp, có hộ bỏ hoang hoá để chuyển sang trồng cam sạch. Thấy được tâm huyết của anh, cán bộ xã đã trực tiếp xuống từng hộ vận động người dân chuyển giao lại diện tích đất nông nghiệp để đầu tư trang trại chuyên canh cây có múi theo chuẩn “organic’’.
Khi đã tích luỹ được 34 hecta, anh bắt đầu triển khai đầu tư nông trang trong suốt 3 năm trời. Trong thời gian xây dựng, anh đã bỏ công tìm đọc các tài liệu, đi tham khảo thực tế tại các vùng chỉ dẫn địa lý cây có múi nổi tiếng trong nước để học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh cũng lặn lội khắp nơi “thọ giáo” các cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm thực tế triển khai thành công các trang trại cam sạch để ứng dụng, triển khai tại nông trang của mình.
Khi có đất, anh triển khai xây dựng trang trại. Đầu tiên là việc dọn dẹp, chặt bỏ cây trồng cũ. Vốn tính cẩn thận, anh yêu cầu công nhân của mình nhặt bỏ từng hòn đá, viên sỏi, thuê máy xúc, máy ủi san phẳng các gò đống mấp mô. Sau đó anh cùng với cán bộ kĩ thuật tính toán tối ưu hoá diện tích, vun gốc, đánh luống từng vị trí cây trồng.
Vừa san lấp vừa mua đất màu ở các mỏ đất trong khu vực về cải tạo đất trồng, đào rãnh thoát nước, tạo đường đi bộ cho công nhân tiện chăm sóc, thu hoạch, anh còn cho xây bể nước, trại phân trùn quế hữu cơ, nhà ở cho công nhân cũng như đường đi lối lại cho phương tiện thu mua ngay ngắn, khoa học đâu ra đấy. Chẳng mấy chốc, trang trại có quy mô 34 hecta được hình thành.
Từ một vùng lòng chảo hoang hoá, trồng cây không hiệu quả, dưới quyết tâm và bàn tay của con người, một nông trang được đầu tư bài bản theo hướng công nghệ cao “độc nhất vô nhị” tại Xứ Thanh được hình thành như hiện nay.
Anh Vy cho biết, khi nông trại đi vào ổn định các giống cây trái sẽ ra quả gối đầu nhau từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Nhất là sản lượng cam muộn, chín sau mùa thu hoạch rộ chừng 1 tháng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, cam, bưởi ra quả đến đâu thương lái đến tận vườn thu mua đến đấy. Sang năm, ước lượng trang trại sẽ cho ra thị trường hơn 1.000 tấn cam, bưởi thương phẩm, mang lại doanh thu hàng chục tỉ đồng.
Trang trại đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động, mùa thu hoạch hơn gần 100 lao động với thu nhập trung bình mỗi tháng trên 7 triệu đồng. Anh Vy nhẩm tính, nếu mọi việc đúng như anh dự kiến thì sắp tới anh sẽ liên kết với những trang trại trong vùng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tìm đường “xuất ngoại” cho cây đặc sản có múi ở miền đất trung du Thạch Thành.
Tìm đến CLB MMA VH nằm trên đường Phạm Vấn, trong khuôn viên Trung tâm thể thao học đường TP Thanh Hóa, chúng tôi không khỏi bất ngờ gặp lại anh Nguyễn Văn Vy, hiện là Chủ tịch Liên đoàn MMA Thanh Hóa. Anh Vy cho chúng tôi biết, võ thuật tổng hợp hay còn gọi là võ tự do (viết tắt là MMA) - môn thể thao mang tính đối kháng toàn diện. Khi thi đấu, MMA cho phép sử dụng các đòn thế từ các võ phái khác nhau như đấm, đá, vật ... để đánh bại đối phương, giành chiến thắng. MMA là môn võ thực dụng, sử dụng kỹ năng chiến đấu hoàn hảo nhất từ những môn võ khác nhau trên thế giới. Trong MMA, người ta có thể thấy những võ sĩ xuất thân từ những môn võ khác nhau như: Đấu vật, Quyền Anh, Muay Thái, Judo, Karatedo...
Ở Thanh Hoá từ xa xưa, Võ cổ truyền và Vật dân tộc là những môn thể thao rất được ưa chuộng trong các tầng lớp xã hội. Đặc biệt là những ngày đầu xuân hay các lễ hội truyền thống, bên cạnh các hoạt động vui chơi giải trí dân gian thì cũng không thể thiếu các sới vật, võ đài luôn thu hút sự quan tâm của quần chúng. Các bộ môn võ, vật ngoài tính vui chơi giải trí còn là hoạt động thể thao hữu ích giúp người dân tập luyện nâng cao sức khỏe, nghị lực, đồng thời cũng là phương pháp đào tạo, huấn luyện cho các binh sỹ để chống giặc ngoại xâm.
Nói về cơ duyên đến với MMA, anh Vy chia sẻ, bản thân anh yêu thích võ thuật từ nhỏ. Anh thường xuyên tập luyện võ thuật để rèn luyện ý chí và nâng cao sức khỏe. Anh luôn tâm niệm, một ngày nào đó sẽ phải làm công tác xã hội, đóng góp sức mình vào sự phổ biến của phong trào võ thuật tỉnh nhà. Cũng như bao nhiêu người say mê võ thuật khác, anh Vy đặc biệt yêu thích các trận đấu của các võ sĩ MMA trên UFC và One Championship.
Đúng lúc đó, anh gặp lại người bạn cũ, huyền thoại võ thuật Việt Nam Nguyễn Văn Hùng với thành tích vô tiền khoáng hậu, 5 lần liên tiếp giành Huy chương vàng Seagame môn Teakondo. Anh Hùng lúc này đã giã từ sàn đấu, làm công tác huấn luyện và phát triển phong trào võ thuật tại địa phương. Câu chuyện cả đời cống hiến cho vinh quang của thể thao nước nhà nhưng khi giải nghệ vẫn bị những khó khăn về cơm áo gạo tiền bủa vây của anh Hùng khiến anh Vy thực sự đồng cảm.
Lúc đó anh Hùng đang muốn xây dựng một Trung tâm MMA tại thành phố quê hương nhưng chưa tìm được hướng đầu tư do khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh anh Hùng, những võ sĩ vang bóng một thời của xứ Thanh vẫn khó khăn khi giã từ thảm đấu khiến anh Vy đặc biệt trăn trở.
Hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người bạn tâm giao đã một thời cùng nhau đổ mồ hôi trên thảm đấu, sẵn có chút vốn liếng tích lũy được sau thành công của trang trại cam sạch, anh Vy quyết định cùng anh Hùng đầu tư bài bản cho một CLB võ thuật tổng hợp đầu tiên tại Thanh Hóa. Đúng với tác phong quyết đoán của mình, nghĩ là làm, anh Vy cùng anh Hùng đầu tư hơn 3 tỷ đồng để thành lập Trung tâm MMA VH tại Thanh Hóa.
Điều thuận lợi của 2 anh là ngay khi gặp gỡ và trao đổi tâm huyết của mình, các anh được anh Ngô Đức Quỳnh, Chủ tịch Liên đoàn MMA Việt Nam ủng hộ. Vì thế ngày 20/4/2021, Trung tâm MMA VH đã chính thức ra mắt và trở thành thành viên đầu tiên của Liên đoàn võ thuật tổng hợp Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, để có thể đóng góp lớn hơn cho công tác xã hội, anh Vy và các cộng sự đã vận động thành lập Liên đoàn võ thuật tổng hợp Thanh Hóa. Ngày 5-12, Liên đoàn Võ thuật tổng hợp (MMA) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đại hội khóa 1, nhiệm kỳ 2021-2026. Tại đại hội, doanh nhân Nguyễn Văn Vy, đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên đoàn.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vy cho hay, niềm vui lớn nhất của anh lúc này là được giúp đỡ các võ sĩ có niềm đam mê võ thuật tổng hợp có điều kiện tập luyện và thi đấu tốt nhất. Anh và các cộng sự đã lên kế hoạch để kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp và cộng đồng để có nguồn lực tài chính vững mạnh, ổn định đời sống cho anh em.
Việc ra đời Liên đoàn chỉ là bước khởi tạo đầu tiên, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để đưa Thanh Hoa lên bản đồ MMA cả nước, châu lục và cả đấu trường quốc tế, anh Vy cho biết.
Thu Giang