Chàng trai bỏ phố về quê khởi nghiệp với khu vườn 'tự cung, tự cấp'

04/09/2019, 14:18

Khởi nghiệp bằng việc làm các sản phẩm từ tre thân thiện với môi trường, Lê Xuân Hà ấp ủ xây dựng một nông trại 'tự cung, tự cấp' để mọi người đến tham quan, trải nghiệm.

Lê Xuân Hà, sinh năm 1989, quê Thanh Hóa, từng bỏ ngang 2 trường đại học, sau đó làm nhiều nghề mưu sinh như bán đồ ăn nhanh, phụ hồ, viết báo... Qua rất nhiều công việc nhưng không thấy phù hợp, năm 2014, Hà quyết định trở về quê nhà tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) để lập nghiệp.

Trên mảnh đất 10 ha của gia đình, Xuân Hà bắt đầu công việc bằng trồng rau sạch. Tuy nhiên, đất đai bị bạc màu do nhiều năm canh tác lạm dụng hóa chất nên hiệu quả không cao. Hà quyết định bỏ đất hoang để đất có thời gian phục hồi.

Sau khi tham khảo cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm, anh bắt đầu xây dựng nông trại mang tên Hón Mũ. Xuân Hà đặt ra tiêu chí phát triển bền vững ở nông trại của mình, nơi con người sống thuận theo tự nhiên.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Mọi sinh hoạt trong nông trại là tự cung, tự cấp, không dùng bất cứ loại hóa chất nào. Nhu yếu phẩm hàng ngày của gia đình phần lớn được lấy từ những cây lá trong vườn. Điển hình như gội đầu bằng chanh, lá sả, bồ kết. Nước rửa chén, bột giặt làm từ quả bồ hòn. Rau, quả, thịt, cá dùng trong bữa ăn đều lấy trong vườn của nông trại.

Lê Xuân Hà cho rằng mọi cây cối ở đây đều có giá trị nhất định, ngay cả cây cỏ dại. Việc anh để cỏ dại mọc để cho đất có thời gian phục hồi, giống như "nghỉ ngơi" để về trạng thái ban đầu. 

"Bao năm đi làm ở ngoài cho tôi thấy một điều là rất nhiều người bận rộn để kiếm tiền, gồng mình làm việc, khiến tâm tính trở nên nóng nảy, không nhẫn nại", chàng trai tóc chia sẻ.

Do đó, Xuân Hà cho biết khi xây dựng nông trại mong muốn làm nơi kêu gọi mọi người về cùng sống trải nghiệm, chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống. Tại đây, mọi người sẽ cảm nhận một lối sống theo cách khác, cùng nhau tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

"Về nông trại được sống thoải mái nhất, có đất để đùa chơi với con. Dân dã mới đúng là cuộc sống của tôi. Không ồn ào, xa hoa, an nhiên bên gia đình làm tôi thấy hạnh phúc và bình yên”, Hà tâm sự.

LeXuanHa_Zing_5_5

Mâm cơm thường ngày tại gia đình Hà thường dùng những thực phẩm trong vườn như rau xuyến chị, măng rừng, cá trong ao. Đũa, thìa, muỗng làm từ tre, luồng.

Với cuộc sống "tự cung, tự cấp", Xuân Hà bắt tay khởi nghiệp với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Anh sản xuất tinh dầu từ những cây thảo mộc như sả, chanh, sơn kê tiêu, thiên niên kiện, hoa ngũ sắc... Tuy nhiên, sau đó vì không đủ sức xây dựng vùng nguyên liệu, dự án chỉ dừng lại ở quy mô thử nghiệm.

LeXuanHa_Zing_7_3_1
Empty
Empty

Sau đó, Xuân Hà tiếp tục thử nghiệm với các sản phẩm từ tre. Chiếc thìa gỗ đầu tiên được anh làm ra để dành tặng bạn từ xa về chơi. Sau đó, bạn của Hà đã khoe món quà lên mạng xã hội khiến nhiều người quan tâm hỏi địa chỉ để mua.

Từ phản hồi tích cực của một số khách hàng và bạn bè, Xuân Hà bắt đầu tìm hiểu về thị trường sản phẩm từ tre. Anh thấy trên các trang thương mại điện tử, loại sản phẩm này được chào giá rất cao. Từ đó, Hà nhìn thấy cơ hội khi bản thân lại có thể làm được những sản phẩm không thua kém thị trường, lại gần vùng nguyên liệu, giá thành rẻ hơn.

"Thấy đi đúng hướng nên tôi đã bắt tay vào làm các sản phẩm đầu tiên. Tôi sản xuất thìa, muỗng, đũa và sau này là ống hút. Tất cả đều được làm từ những nguyên liệu tự nhiên là tre, luồng”, Xuân Hà chia sẻ.

Empty
Empty

Xuân Hà chọn cách bán sản phẩm thông qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Từ những đơn đặt hàng ban đầu với 5-10 sản phẩm, đến hiện tại, anh đã được thị trường biết đến và nhận những đơn hàng có số lượng hàng nghìn chiếc.

Khi bán được hàng, chàng trai cho biết sẽ có thu nhập để tiếp tục xây dựng một nông trại bền vững.

"Đó còn là tín hiệu tốt về việc cộng đồng chấp nhận dùng những sản phẩm từ tự nhiên, thân thiện với môi trường. Nó là một động lực lớn giúp tôi theo đuổi và phát triển công việc này", anh chia sẻ.

Đến tháng 9/2018 Lê Xuân Hà quyết định mở rộng xưởng để sản xuất quy mô lớn hơn. Từ đó cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Empty
Empty
Empty

Giờ đây những sản phẩm từ xưởng của Xuân Hà đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Riêng cơ sở của anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 lao động có thu nhập 4,5-6 triệu đồng/tháng.

Empty
Empty

Xuân Hà cũng chia sẻ tre và luồng là cây mọc theo từng bụi có tán lá rộng, cây con mọc thêm liên tục. Do đó, thời gian cho thu hoạch và phục hồi mật độ cây nhanh chóng. Việc khai thác cây trưởng thành nhưng vẫn còn lại các cây con, do đó giúp giữ được màu xanh tán rừng.

"Giữ được tán rừng là giữ được nước, bầu không khí mát mẻ và chống xói mòn đất", anh Hà chia sẻ.

Empty
Empty

Đến nay, xưởng sản xuất của anh đã cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, hiện tại công việc được Xuân Hà bàn giao cho gia đình người anh trai quản lý, để bản thân chuyên tâm vào việc xây dựng nông trại như ban đầu ấp ủ.

Empty
Empty
LeXuanHa_Zing_76_3

“Mình muốn chuyên tâm vào việc xây dựng ra một môi trường sống hòa hợp với thiên nhiên hơn là làm kinh tế. Điều này sẽ tạo cảm hứng cho người khác sống và làm việc thân thiện với rừng", anh nói.

Empty
Empty

Trong tương lai, Hà mong muốn nông trại sẽ là nơi đón tiếp tất cả mọi người muốn về trải nghiệm cuộc sống thuận theo tự nhiên.

"Khi mọi người đến đây ở phải tự sản xuất lương thực, thực phẩm để sinh hoạt, không được mang bất kỳ thứ gì từ bên ngoài vào và được ở nông trại hoàn toàn miễn phí", anh nói.

LeXuanHa_Zing_26_1

Theo Zing