Châu Âu muốn Việt Nam mở lại đường bay quốc tế
TCDN - Châu Âu vừa gia nhập vào "câu lạc bộ" các nền kinh tế kêu gọi Việt Nam nối lại dịch vụ bay quốc tế vì nước ta đã gần như sạch bóng đại dịch và là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng.
Mới đây, chia sẻ với Nikkei Asian Review tại TP. HCM, ông Nicolas Audier - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đã kêu gọi chính phủ Việt Nam cấp phép chuyến bay và cấp thị thực (visa) nhằm cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước ta.
Hiện tại, Việt Nam chỉ cho phép người nước ngoài rời khỏi đất nước, song song với cho phép máy bay thương mại đến đón khách trở về châu Âu. Tuy nhiên, các chuyến bay thường lệ từ châu Âu đến Việt Nam có thể phải đến 2021 mới được cấp phép trở lại.
Hôm 8/6, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), đưa nước ta thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai có thỏa thuận thương mại tự do với châu Âu sau Singapore. Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 8.
Ngay trước khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ông Giorgio Aliberti - Đại sức EU tại Việt Nam, cho hay: "Nhờ EVFTA, các doanh nghiệp EU sẽ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư còn hấp dẫn hơn so với trước đây".
Hiệp định EVFTA được thông qua giữa lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang đụng độ trên nhiều mặt trận. Một khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế, trong khi ở chiều ngược lại là 65% hàng hóa EU sẽ không bị áp thuế quan ở nước ta.
Việt Nam sẽ loại bỏ 99% thuế quan còn lại trong vòng 10 năm, trong khi đối với phía EU là 7 năm.
"Đại dịch COVID-19 và các yếu tố khác sẽ thúc đẩy doanh nghiệp cân nhắc lại rằng họ không nên quá tập trung vào Trung Quốc mà nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng", ông Aliberti nói. "Tôi nghĩ đây vừa là thách thức mà cũng là cơ hội để Việt Nam tạo dựng môi trường kinh doanh phù hợp để tạo tiền đề thu hút đầu tư nước ngoài".
Nikkei dẫn lời Chủ tịch EuroCham Audier cho hay: "Nhiều công ty sẽ tìm cách xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thông qua một ngạch khác và Việt Nam là một trong các điểm đến tốt nhất để rót vốn đầu tư".
Tuy nhiên, toàn bộ các tuyến đường hàng không kết nối Việt Nam và các nước thành viên EU đều đã ngừng hoạt động kể từ ngày 1/4 do ảnh hưởng của đại dịch. Việc này gây thiệt hại cho các nền kinh tế châu Âu."Doanh nghiệp châu Âu đã đàm phán trực tuyến với đối tác Việt Nam, tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư muốn trực tiếp đến Việt Nam vài ngày để nghiên cứu thêm, như cách họ từng làm trong quá khứ", ông Audier lí giải.
Đại diện từ các công ty lớn ở châu Âu "sẽ ở lại Việt Nam trong hai ngày, một ngày khác ở Malaysia trong chuyến công tác sắp tới, vì bản thân họ cũng tổ chức hoạt động kinh doanh ở một số nước khác trong khu vực".
Chủ tịch EuroCham đã nhắc đến Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư châu Âu - Việt Nam (EVIPA) - một thỏa thuận khác cũng giành được chấp thuận vào ngày 8/6 vừa qua. Theo đó, ông Audier xác định Việt Nam đóng vai trò là cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á của các doanh nghiệp châu Âu. "
"Nghị viện châu Âu đủ khôn ngoan để hiểu rằng Việt Nam sẽ là một nhân tố quan trọng, là nền kinh tế chủ chốt nhất trong khu vực ASEAN", ông Audier nhấn mạnh.
"Nếu muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, bạn cần phải mở cửa biên giới ở mức nào đó để doanh nghiệp quay trở lại", ông Audier nói thêm.Nhu cầu đi lại của các công ty có trụ sở tại châu Âu đã thúc đẩy chính phủ Việt Nam và khối EU bắt đầu đàm phán về vấn đề nối lại dịch vụ hàng không đến và đi từ một số thành phố như Paris, London và Frankfurt. Tuy nhiên, đàm phán hiện đang ở giai đoạn đầu vì châu Âu còn đang phải tiếp tục chống dịch bệnh.
Ngược lại, Việt Nam lại là một trong các quốc gia phục hồi nhanh nhất trong đại dịch. Tính đến ngày 23/6, Việt Nam đã 68 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Hiện tại, nước ta chỉ có 349 ca xác nhận dương tính và chưa có trường hợp tử vong nào.
Theo Nikkei, Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất cho các chuyến bay quốc tế tại châu Á trong bối cảnh các quốc gia/vùng lãnh thổ dần nới lỏng phong tỏa và bắt đầu khôi phục kinh tế.
Doanh nghiệp ở châu Á cũng đang dốc sức đa dạng chuỗi cung ứng vốn đang phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, do căng thẳng Mỹ - Trung làm bộc lộ nhiều rủi ro cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài EU, chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Australia cũng đang kêu gọi Việt Nam khôi phục lại dịch vụ hàng không. Bước đi này sẽ mở đường cho quá trình dần dần mở rộng hoạt động thương mại và du lịch.
Hôm 18/6, bà Lê Thị Thu Hằng - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay Việt Nam đang đàm phán mở lại đường bay với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm tạo điều kiện đưa các chuyên gia, nhà quản lí và nhà đầu tư đến nước ta.
Bà Hằng cho biết đây là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam và đón nhận lượng lớn lao động xuất khẩu của nước ta.
Các cơ quan chính phủ và hãng hàng không Việt Nam đang chuẩn bị để nối lại đường bay với Seoul, Quảng Châu, Đài Loan, Lào và Tokyo sau một loạt các cuộc đàm phán song phương. Đường bay Việt Nam - Singapore cũng sẽ sớm được khôi phục.
Ngày 16/6, Bamboo Airways thông báo qua website rằng hãng có kế hoạch khởi động lại các chuyến bay nối Hà Nội và TP HCM với Seoul, Tokyo và Bắc Kinh. Bamboo còn lên kế hoạch thực hiện các chuyến bay đến Munich, Prague, Brisbane và Melbourne vào tháng tới.
Theo Nikkei, các đại lí du lịch Việt Nam đã bắt đầu quảng cáo các chuyến bay cho tháng 7 của Vietjet Air nối Hà Nội và TP HCM với Đài Bắc. Vietnam Airlines cũng đang cân nhắc đường bay nối Việt Nam với Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Lào và Campuchia.
Dù vậy, Việt Nam còn khá thận trọng về kế hoạch đón khách nước ngoài trước lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899