"Chính sách giảm thuế VAT cần dài hơi hơn để kích thích tiêu dùng"

19/12/2023, 19:18

TCDN - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, để khuyến khích người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt cần thực chất bằng chính sách thuế. Trong đó, giảm thuế VAT cần giảm với lộ trình đủ dài như trong 2 năm, thay vì giảm 6 tháng/lần.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024, phiên thứ nhất với chủ đề “Kích cầu tiêu dùng nội địa” do báo Người lao động tổ chức ngày 19/12, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho hay, có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm tiêu dùng của các hộ gia đình; đầu tư của doanh nghiệp; chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu ròng. Vì vậy, khi Chính phủ nói kích cầu qua chi tiêu đầu tư công thì phải lan tỏa ra nền kinh tế.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn.

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, khi đi vào các chính sách, phải gắn cụ thể với bối cảnh của nền kinh tế. Vì những năm trước đây, kích cầu nhưng gắn với nhập khẩu nhiều do chuỗi cung ứng nội địa hóa chưa cao nên chưa lan tỏa ra nền kinh tế. Điều đó có nghĩa, các động lực cần phải gắn kết với nhau, đầu tư công phải lan tỏa ra nền kinh tế.

Phân tích thêm, ông Tuấn cho biết, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP; trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP. Với dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn, đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu.

“Chúng ta biết thu nhập của 1 người chia làm chi tiêu và tiết kiệm. Đối với nền kinh tế của Việt Nam, khuynh hướng tiêu dùng biên là khá cao – trong 100 đồng người dân tạo ra có thể dùng tới 60-70 đồng để chi tiêu thêm. Tiêu dùng biên có thể đạt tới 1 hoặc lớn hơn 1 nghĩa là đi vay để chi tiêu đối với tầng lớp trung lưu. Còn người thu nhập thấp thì họ tiết kiệm nhiều hơn vì khó khăn. Do đó, nếu kích cầu phải tập trung nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu, riêng tầng lớp thu nhập cao thì lại hạn chế chi tiêu”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS Anh Tuấn cũng nêu rõ, tiêu dùng của nước ngoài rất quan trọng. Năm 2023, triển vọng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu không quá sáng lạn, đột phá, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất đi ngang. Đến năm 2024, dự báo FED sẽ có ít nhất 3 lần giảm lãi suất. Mỹ là 1 nền kinh tế tiêu dùng, cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, xuất khẩu của Mỹ lại gắn với nhập khẩu nhiều. Do đó, tăng trưởng ngoại thương cần nhìn nhận sâu hơn, tăng trưởng xuất khẩu gắn với nhập khẩu các yếu tố đầu vào - kích thích các nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nên cần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, xuất khẩu còn gắn với doanh nghiệp nước ngoài (FDI) khi chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Và giá trị tăng thêm, lợi nhuận của doanh nghiệp FDI chuyển về nước nên chưa tạo ra nền kinh tế và lan tỏa nhiều cho nền kinh tế.

Vì vậy, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa.

Ông Tuấn cũng khẳng định, khuyến khích "người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt" cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm thuế VAT từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế VAT là nguồn thu lớn nhất (33% tổng nguồn thu ngân sách) và lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Chính sách thuế VAT cần giảm với lộ trình đủ dài như trong 2 năm, thay vì giảm 6 tháng/lần theo kiểu "dò đá qua sông" sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.

Cùng với đó, theo TS Tuấn cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Bởi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu. Cần đồng bộ, dứt khoát, mạnh mẽ các giải pháp.

Cuối cùng, TS Tuấn cho rằng, cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước. Bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết "Chính sách giảm thuế VAT cần dài hơi hơn để kích thích tiêu dùng" tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng sẽ giảm thu ngân sách 25 nghìn tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nếu áp dụng giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên nó sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
Giảm thuế VAT: Trợ lực giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng
Theo đánh giá, chính sách giảm thuế VAT đến hết tháng 6/2024 sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.