Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho rằng, có thể nói cơ chế áp dụng thu thuế TNDN toàn cầu mà các nước G7 mới thông qua chưa có biểu hiện sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam về phương diện thu ngân sách nhà nước.
Ngày 5/6, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu sau nhiều năm thảo luận. Theo đó, G7 đồng ý trên nguyên tắc mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%, áp dụng tùy theo từng nước. Việc làm này nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế thông qua việc yêu cầu các công ty trả thuế ở những nước họ có hoạt động kinh doanh.
Hình thức khác mà các bộ trưởng tài chính G7 đã nhất trí, là các chính phủ nên có quyền đánh thuế với ít nhất là 20% đối với lợi nhuận mà một tập đoàn đa quốc gia có được tại một quốc gia khác khi số lợi nhuận này vượt tỷ suất 10%.
Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đã có trao đổi với ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách dịch vụ Hải quan và Thương mại toàn cầu, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam về nội dung này.
Ông đánh giá như thế nào về thỏa thuận của nhóm G7 vừa đạt được hôm 5/6?
Những năm qua, trong quá trình thúc đẩy áp dụng những chương trình hành động BEPS (Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cùng các nước thành viên nghiên cứu và đề xuất áp dụng mức thuế suất TNDN toàn cầu cho các tập đoàn đa quốc gia lớn, có hoạt động kinh doanh ở nhiều lãnh thổ trên thế giới.
Cơ chế áp dụng thuế suất TNDN toàn cầu, nhìn ở góc độ đơn giản hóa, là việc một quốc gia yêu cầu tập đoàn trong nước có thu nhập (nếu thỏa mãn điều kiện) phát sinh từ hoạt động đầu tư, kinh doanh ở quốc gia khác có thuế suất TNDN thấp sẽ phải tính và nộp bổ sung thuế TNDN về nước sở tại theo mức thuế suất TNDN toàn cầu. Điều này sẽ phần nào tránh được việc các tập đoàn đa quốc gia tìm cách né thuế khi hoạt động kinh doanh ở các quốc gia có thuế suất thấp hoặc được hưởng ưu đãi lâu dài.
Nhìn vào thực tế, có thể thấy rằng phần lớn các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ, đều xuất thân từ các nước lớn đang và đã phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, thuộc thành viên nhóm G7, G20. Do vậy, việc áp dụng cơ chế thu thuế TNDN toàn cầu tại các quốc gia này sẽ có cơ sở tốt hơn, và sẽ thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách thuế toàn cầu trong việc thử nghiệm, vận dụng các phương án tính toán khác nhau để sẽ hoàn thiện hơn cơ chế thu thuế toàn cầu này trong tương lai.
Cơ chế thu thuế TNDN toàn cầu có thể ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Mỗi quốc gia đều có hệ thống cơ chế chính sách quản lý tài chính, kế toán, thuế với những khác biệt nhất định. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc chuẩn hóa các số liệu báo cáo cho mục đích thuế ở các quốc gia, theo đó sẽ phần nào tác động đến quá trình hợp nhất số liệu, tính ra cơ sở thu thuế… cho mục đích áp dụng cơ chế thu thuế TNDN toàn cầu của công ty con thuộc tập đoàn phải áp dụng cơ chế này.
Nhìn nhận ở góc độ trên, có thể nói cơ chế áp dụng thu thuế TNDN toàn cầu chưa có biểu hiện sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam về phương diện thu ngân sách nhà nước, vì nếu có doanh nghiệp FDI nào thuộc đối tượng áp dụng cơ chế, thì tiền thuế TNDN phát sinh thêm sẽ được nộp về quốc gia nơi công ty Mẹ đặt trụ sở chính chứ không được thu về ngân sách nhà nước Việt Nam.
Trên góc độ các tập đoàn lớn ở Việt Nam có hoạt động đầu tư ra nước ngoài, theo quy định về thuế TNDN hiện hành, toàn bộ thu nhập chịu thuế từ hoạt động của dự án ở nước ngoài sẽ phải hợp nhất về Việt Nam và tính thuế TNDN ở mức thuế suất thông thường (hiện tại là 20%). Doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ được bù trừ số thuế phải nộp ở Việt Nam với số thuế đã nộp ở nước ngoài, nhưng không vượt quá mức thuế suất hiện hành.
Liên quan đến thỏa thuận của G7, theo ông nếu thỏa thuận này được thực hiện rộng nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam thì có hạn chế được tình trạng chuyển giá của một số công ty đa quốc gia hoặc né thuế của một số công ty công nghệ lớn không?
Cơ chế chuyển giá, nhìn ở góc độ không tích cực, chính là cơ sở để các doanh nghiệp dịch chuyển lợi nhuận giữa các quốc gia nhằm tối ưu hóa lợi nhuận có thể thu được toàn cầu. Về lý thuyết, nếu chính sách thuế suất TNDN toàn cầu được áp dụng thì sẽ có thế giúp giảm thiểu được tình trạng né thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, xét trên góc độ quốc gia được đầu tư (đơn cử như Việt Nam) thì chính sách thuế này sẽ có tác động ít nhiều đến cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài của quốc gia đó. Về bản chất, nếu sau khi cân bằng các yếu tố Chi phí-Lợi ích (costs vs. benefits), nếu chính sách ưu đãi không đủ tốt để sau khi phải nộp thêm thuế TNDN toàn cầu, nhà đầu tư nước ngoài không thấy có lợi ích gì nhiều thì sẽ phải cân nhắc kỹ hơn về quyết định đầu tư. Theo đó, có thể gián tiếp làm giảm các cơ hội thu hút đầu tư từ các quốc gia lớn đang phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Thanh Phương
Thiết kế: Mai Nguyễn