CPI 7 tháng tăng 4,12%

29/07/2024, 15:45
báo nói -

TCDN - Tổng cục Thống kê cho hay, bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%.

Thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê cho hay, Ggiá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%.

Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.

10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77%; giao thông tăng 1,45%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%

Lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.  Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24/7/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.383,17 USD/ounce, tăng 1,49% so với tháng 6/2024. Giá vàng thế giới tăng khi các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9/2024, cùng với đó rủi ro xung đột địa chính trị trên thế giới cũng làm tăng nhu cầu tích trữ vàng.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2024 giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 18,11% so với tháng 12/2023; tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,77%.

Tính đến ngày 24/7/2024, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 104,61 điểm, giảm 0,24% so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.463 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 7/2024 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,85%.

Bảo An
Bạn đang đọc bài viết CPI 7 tháng tăng 4,12% tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

CPI tăng do giá thịt lợn, giá điện sinh hoạt
Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước.
CPI tháng 4 tăng do giá xăng dầu
Tổng cục Thống kê cho hay, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước.
CPI tháng 3 giảm 0,23% do giá lương thực, thực phẩm giảm
Tổng cục Thống kê cho hay, theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,23% so với tháng trước.