Theo số liệu của Bộ Tài chính đến 31/7 ước tính giải ngân khoảng 216.538 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước là hơn 191.898 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch), vốn nước ngoài là hơn 13.025 tỷ đồng (đạt 19,5% kế hoạch), vốn chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 11.614 tỷ đồng (đạt 39,8% kế hoạch).
12 bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó có 6 bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 55% gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (99,45%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội vụ (62,85%), Ngân hàng Phát triển (61,09%), Hội Nhà báo Việt Nam (59,51%), Tiền Giang (73,98%), Nghệ An (69,23%), Lạng Sơn (63,44%), Hưng Yên (58,19%), Ninh Bình (56,85%), Phú Thọ (56,33%), Hà Nam (55,5%), Thái Bình (55,18%).
24 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 25%. Trong đó có 10 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 10%.
Đáng chú ý, hiện vẫn tồn tại một số đơn vị chưa giải ngân đồng vốn nào, như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn hiện nay, nhất là tăng trưởng GDP quý II chỉ là 0,36%, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ ảnh hưởng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra những hiệu ứng gây lãng phí, ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh tế, thậm chí còn kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Không được để vốn đọng, chấm dứt chuyện "có tiền đó mà không tiêu được". Không để nợ đọng, chấm dứt tình trạng "ngâm" vốn chứ không quyết toán dù các hạng mục đã được hoàn thành. Và cuối cùng là đọng thủ tục, tình trạng phổ biến hiện nay phải được chấm dứt”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tình trạng giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân đã tồn tại cố hữu từ lâu, như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên…
Bên cạnh đó, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong những tháng đầu năm, xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đó là những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân ảnh hưởng tới việc giải ngân chậm như một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng và quản lý chi phí; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng…
Với mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp tổ chức các hội nghị để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Thủ tướng cũng quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và 2 bộ trưởng làm tổ trường. Thời gian kiểm tra từ ngày 18/7/2020 đến ngày 31/8/2020.
Trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành, chính quyền địa phương có liên quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải xác định rõ các tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư…
Từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, khắc phục những yếu kém, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.
Trong vấn đề thủ tục, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành ở Trung ương phải tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai, minh bạch. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ.
Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát đối với số vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2020 để xem xét, điều chuyển từ các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có nhu cầu giải ngân cao, các dự án cần hoàn thành trong năm 2020.
Với những động thái, mạnh mẽ quyết liệt của Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu tháng 7 đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, ngành địa phương đã có những chuyển biến tích cực.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho biết, đến nay tỉnh đã giải ngân 72% trong tổng số vốn được giao trên 3.000 tỷ đồng. Ninh Bình cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí sẵn sàng tiếp nhận vốn chậm giải ngân từ nơi khác chuyển về.
Là đầu tầu kinh tế của đất nước, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cam kết thành phố sẽ hoàn thành 100% nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong năm nay. UBND Thành phố sẽ tổ chức giao ban 2 tuần một lần về giải ngân đầu tư công, hàng tháng đi giám sát thực địa.
Tại hội nghị Thủ tướng làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên, trước vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đa số các địa phương lâm vào tình cảnh "có tiền nhưng không tiêu được", Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, năm nay Bộ GTVT sẽ giải ngân 100% vốn ngân sách trong nước hơn 33 nghìn tỷ, kể cả vốn nước ngoài là khoảng 40 nghìn tỷ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để hoàn thành 100% giải ngân vốn ngân sách giao thông theo kế hoạch không thể không có sự phối hợp của địa phương vì các dự án do Bộ làm chủ đầu tư đều có dự án thành phần giải phóng mặt bằng (GPMB) do địa phương thực hiện. Do đó Bộ trưởng đề nghị các địa phương có dự án do Bộ đầu tư hỗ trợ tối đa việc GPMB để hoàn thành kế hoạch giải ngân dự án.
Đồng thời, Bộ GTVT cho biết đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng của các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Trong khi đó, Bộ Xây dựng là một trong những bộ, ngành bị “gọi tên” vì giải ngân chậm trong 6 tháng đầu năm cũng đã có những biện pháp mạnh tay. Đơn cử như việc Bộ có chủ trương sẽ thay thế nhà thầu thi công, tư vấn năng lực yếu, không bảo đảm tiến độ giải ngân đầu tư công.
Bộ Xây dựng cũng kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu đơn vị có dự án đầu tư công giải ngân chậm trong năm 2020, rà soát các dự án giải ngân chậm tiến độ, đề xuất điều chuyển vốn các dự án giải ngân chậm (dự án giải ngân vốn dưới 60% vốn được giao, tính đến 30/9/2020) sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Không chỉ hô hào, nói suông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trực tiếp phê bình người đứng đầu và tập thể đối với 9 dự án đạt tỷ lệ giải ngân dưới 15% hoặc chậm giải ngân. Đặc biệt, những đơn vị không hoàn thành kế hoạch 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2020 sẽ được Bộ xem xét không giao chủ đầu tư trong trung hạn 2021-2025.
Cho rằng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của mình chưa tốt như kỳ vọng, tỉnh Bạc Liêu thực hiện hàng loạt biện pháp như hàng tuần tổ chức họp chuyên đề về giải ngân; thành lập một số tổ công tác đặc biệt như tổ công tác về xây dựng nông thôn mới, về giải phóng mặt bằng cho dự án điện gió, điện khí…
Tác giả: Thanh Phương
Thiết kế: Mai Nguyễn