Trước những giá trị và hiệu quả kinh tế to lớn do cây gai xanh đem lại, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đang tạo mọi điều kiện cho kế hoạch đến năm 2025 phát triển được vùng nguyên liệu có quy mô rộng gần 6.500ha, đủ sức cung ứng nguyên liệu sản xuất cho nhà máy sợi An Phước. Tuy nhiên, những khó khăn như: Ngại thay đổi tư duy sản xuất, nguồn lao động, cơ giới hóa trong nông nghiệp v,v.. đang trở thành rào cản, cần phải tháo gỡ kịp thời nếu tỉnh Thanh muốn đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Tile1

Đây là nhận định của ông Nguyễn Xuân Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) về thái độ của người dân xã Cẩm Tú – nơi được xem là thủ phủ của cây gai xanh tại xứ Thanh.

Ông Phương cho rằng, mặc dù đã và đang từng bước khẳng định được giá trị thực tế trong phát triển kinh tế nhưng cây gai xanh vẫn là một cái tên khá mới mẻ khiến không ít người dân còn thận trọng, hoài nghi khi tiếp cận. Đi kèm với nó là những rủi ro chưa thể gọi tên có thể xảy ra trong tương lai. Đã có những bài học nhãn tiền về các loại cây trồng từng được xem là mũi nhọn nhưng cũng đã thất bại thảm hại trong quá khứ như: Cây thanh hao hoa vàng, cây cao su, cà phê hay gần đây nhất là cây mắc ca... Cùng với đó là nỗi lo “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản” trở thành định kiến, khiến nhiều hộ dân vẫn còn dè dặt, cân nhắc khi có ý định chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất nông nghiệp mà lâu nay họ vẫn bám víu vào để mưu sinh. Mặt khác còn là nỗi lo về nguồn lao động, khi người dân chưa thể áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch, chế biến, diện tích đất có thể trồng được cây gai xanh còn manh mún, nhỏ lẻ, tập quán, thói quen canh tác… Theo tôi, để người dân thực sự toàn tâm, toàn ý với cây gai xanh, chúng ta cần phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ở nhiều góc độ để có cái nhìn toàn diện! Đồng thời phải có cơ chế, biện pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho người trồng gai!” – ông Phương băn khoăn nói.

Box

Để hiểu rõ hơn về những khó khăn mà ông Nguyễn Xuân Phương vừa nêu, chúng tôi đã tiếp cận và tìm hiểu nguồn cơn từ một số chủ hộ trồng gai xanh tại xã Cẩm Tú. Hầu hết họ đều cho rằng, khó khăn nhất hiện nay vẫn là người dân chưa quen với cây trồng mới. Vì đặc tính sinh trưởng nhanh, thu hoạch nhiều lần trong năm, khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa chưa được áp dụng rộng rãi trong chăm sóc và thu hoạch nên người dân rất vất vả trong chăm sóc và thu hoạch, tốn kém cho chi phí thuê nhân công lao động. “Với diện tích 3ha, gia đình tôi thường xuyên phải thuê khoảng trên dưới 20 lao động để thu hoạch cho kịp lứa và kịp thời gian để chăm sóc vụ mới. Rất xót ruột mỗi khi chi trả tiền công thu hoạch. Nhưng nếu không thuê thì gia đình với 6 khẩu như nhà tôi không thể kham nổi! Trong khi đó nếu trồng mía hay keo thì nhà tôi vẫn có thời gian để làm việc khác.” ông Đinh Sỹ Cảnh – một hộ trồng gai xanh tại thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú than phiền.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, để thu hoạch, các hộ trồng gai phải thuê người đứng máy bóc vỏ từ 300 - 500 nghìn đồng/1 ngày công, công cắt, phơi phải chi trả từ 180 – 200 nghìn đồng/1 ngày công. Tuy nhiên, ngay cả khi đã phải trả công khá cao cho người lao động thì người trồng gai cũng không dễ tìm được người để thuê vì đa số con em trong độ tuổi lao động tại địa phương đã vào làm tại các khu công nghiệp.

Để khắc phục khó khăn, giảm chi phí cho khâu thu hoạch, người trồng gai tại Cẩm Tú đang phải sử dụng phương pháp trồng phân kỳ và thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu.

Thu hoạch và chế biến thủ công cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Thanh Hóa chưa thực sự toàn tâm, toàn ý với cây gai xanh.

Thu hoạch và chế biến thủ công cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Thanh Hóa chưa thực sự toàn tâm, toàn ý với cây gai xanh.

Tile2

Để khắc phục những khó khăn mà người trồng gai đang phải đối mặt và có cụ thể hóa được mục tiêu trồng hơn 6.000ha gai từ nay đến năm 2025 của tỉnh Thanh Hóa, theo ông Lê Văn Trung – Bí thư huyện Cẩm Thủy ngoài việc chính quyền các cấp và các ban, ngành của tỉnh, cần phải quyết liệt hơn nữa và tạo mọi điều kiện cho vùng nguyên liệu gai xanh phát triển. Đồng thời phải đưa bằng được cơ giới hóa vào khâu thu hoạch, chế biến để người dân yên tâm sản xuất.

“Để thúc đẩy vùng nguyên liệu gai phát triển, mới đây tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ cho người trồng gai với số tiền là 25 triệu đồng/1ha, huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/1 ha (thông qua việc thành lập các hợp tác xã dịch vụ thu hoạch, bóc vỏ, từ đó tạo ra đội ngũ lao động mới). Chúng tôi đang tính toán áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch, sơ chế. Mục tiêu trong tương lai gần là người dân chỉ việc trồng, chăm sóc và thu tiền trên khối lượng sản phẩm!” – ông Trung cho biết.

Cũng nói về giải pháp nhằm tháo gỡ cho người trồng gai xanh địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước mắt phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu thấu đáo về chính sách của tỉnh đối với phát triển cây gai xanh. Phối hợp chặt chẽ với nhà máy dệt An Phước, đảm bảo đủ nguồn giống phục vụ trồng mới, tăng cường phân công cán bộ nguyên liệu thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch cho người dân, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng cơ chế thu mua, thanh toán minh bạch, ưu đãi và hấp dẫn. Song song phải khẩn trương thành lập được các hợp tác xã dịch vụ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… từ đó khai thác tối đa diện tích có thể trồng được cây gai xanh, kể cả diện tích đất vườn, đất xen kẹt của người dân.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn để đạt được những mục tiêu mà tỉnh đã đề ra với cây gai xanh, tuy nhiên theo tôi đây cùng chỉ là những khó khăn trước mắt, có thể tháo gỡ từng bước một khi cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng bà con nông dân!” – ông Cao Văn Cường chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm vấn đề trên, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến đề án phát triển cây gai xanh. Chúng tôi đã ban hành các quyết định về vùng nguyên liệu và cơ chế chính sách cho cây gai xanh. Cụ thể là hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai, được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị và giống. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo nhà máy mua cố định vùng nguyên liệu và nâng cao giá thành sản phẩm. Song song, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học nghiên cứu máy thu hoạch và cách vận chuyển cây gai tươi nhanh nhất đến nhà máy, khuyến khích xây dựng, hình thành các hợp tác xã chuyên làm dịch vụ thu hoạch. Tôi cho rằng, nếu chúng ta giải quyết tốt những vấn đề này, vùng nguyên liệu cây gai xanh của xứ Thanh sẽ được phát triển theo hướng bền vững, khi đó người nông dân sẽ thực sự trở thành ông chủ trên chính mảnh đất của mình!”.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các đại biểu thăm vùng sản xuất cây gai xanh nguyên liệu tại xã Cẩm Tú.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các đại biểu thăm vùng sản xuất cây gai xanh nguyên liệu tại xã Cẩm Tú.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thăm Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thăm Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú.

Ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước mắt phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu thấu đáo về chính sách của tỉnh đối với phát triển cây gai xanh.

Ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước mắt phải tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu thấu đáo về chính sách của tỉnh đối với phát triển cây gai xanh.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao đổi với phóng viên về những cơ chế chính sách cho cây gai xanh.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao đổi với phóng viên về những cơ chế chính sách cho cây gai xanh.

Nguyễn Thuấn