Đề xuất 2 phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần

06/03/2023, 11:10
báo nói -

TCDN - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có bổ sung phương án chỉ cho rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm khi rút bảo hiểm một lần.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, trong đó nội dung được nhiều người lao động quan tâm là quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Như vậy, với phương án này, người lao động chỉ được rút tối đa không quá 50% tiền bảo hiểm xã hội một lần nếu chưa đủ tuổi hưu. Phần còn lại sẽ được bảo lưu và người lao động sẽ nhận lại khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc đưa ra phương án 2 nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có khoảng gần 750.000 người rút BHXH một lần. Đặc biệt, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng từng năm. Điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm.

Theo thống kê cho thấy, trong tổng số những người giải quyết bảo hiểm xã hội một lần có gần 10% là những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm trở lên.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Nếu quyền lợi được đặt lên ‘bàn cân” thì chính sách BHXH đem lại cho người lao động những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Hiện tại, đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của người lao động, trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị quyết 93, người lao động nếu sau 1 năm không làm việc, không tham gia bảo hiểm xã hội có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mức hưởng bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương đóng cho mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương đóng cho mỗi năm tham gia sau đó.

Hoàng Lan
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất 2 phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Nỗi lo khi tuổi già không lương hưu
Nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe khi về già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay.