Đề xuất toà nhà từ 30 tầng trở lên phải có tầng lánh nạn

29/10/2020, 08:22

TCDN - Nhà 30-40 tầng phải bố trí một tầng lánh nạn và lũy tiến nhà 41-50 tầng cần phải bố trí 2 tầng lánh nạn nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân và khách vãng lai khi xảy ra cháy, trong lúc chờ được cứu hộ, cứu nạn.

Nội dung trên vừa được Bộ Xây dựng đưa ra trong Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chung cư, với điểm mới là có thêm quy định về tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xảy ra sự cố cháy nổ. Tầng lánh nạn được hiểu là tầng dùng để sơ tán tạm thời, được bố trí trong tòa nhà có chiều cao từ 100 m trở lên. Tầng lánh nạn có bố trí một hoặc nhiều gian lánh nạn.

Dự thảo này nhận được sự đồng tình của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) song kèm theo cảnh báo tăng thêm tầng lánh nạn đồng thời cũng khiến giá chung cư đội lên so với trước đây.

Đề xuất toà nhà từ 30 tầng trở lên phải có tầng lánh nạn. (Ảnh minh họa)

Đề xuất toà nhà từ 30 tầng trở lên phải có tầng lánh nạn. (Ảnh minh họa)

Trong bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan về vấn đề này, HoREA xác nhận cần thiết phải có các quy định chi tiết và cụ thể hơn về tầng lánh nạn đối với nhà có chiều cao từ 100-150m trở lên, tương ứng với chung cư 30-50 tầng trở lên.

Cụ thể, nhà 30-40 tầng phải bố trí một tầng lánh nạn và lũy tiến nhà 41-50 tầng cần phải bố trí 2 tầng lánh nạn. Các tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng và không được phép bố trí căn hộ, văn phòng, dịch vụ hay các hoạt động thương mại trên khu vực này.

Tuy nhiên, đi kèm với việc tăng chỉ tiêu an toàn này là giá nhà cũng đứng trước thách thức bị đội lên khi phát sinh thêm tầng lánh nạn.

Do vậy, để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ nhà chung cư cao tầng, HoREA kiến nghị không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính hệ số sử dụng đất và nên cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình thì hợp lý hơn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện nay các tòa nhà chung cư hoặc cao ốc phức hợp có bố trí nhà ở cao tầng đã dần trở nên phổ biến, điển hình như Landmark 81 cao 461,3 m; Kaengnam Landmark 72 cao 336 m, Lotte Center Hà Nội cao 272 m.

Đối với các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội đã hình thành xu thế người dân lựa chọn sinh sống trong các căn hộ nhà chung cư cao tầng, nhất là các dự án được xây dựng trong vòng 10 năm gần đây. Vì vậy, cư dân sống tại các tòa cao ốc này phải được trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm và cần được phổ cập kiến thức về tầng lánh nạn, gian lánh nạn để di chuyển đến nơi an toàn.

Luật Phòng cháy chữa cháy và nhiều quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy cứu hộ và cứu nạn, đặc biệt là đối với các tòa nhà cao tầng đã được ban hành.

Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, do nguồn lực ngân sách có hạn, nên lực lượng PCCC chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện và các trang thiết bị để đảm bảo thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy xảy ra, vì ngày càng nhiều tòa nhà cao tầng có chiều cao ngoài tầm với của xe thang chữa cháy và trong các vụ cháy xảy ra tại nhà cao tầng thường phát sinh nhiều khói và khí độc.

Đến nay, lực lượng PCCC chưa có máy bay chữa cháy, máy bay trực thăng cứu nạn, cứu hộ, hoặc chưa có đầy đủ trang phục bảo hộ lao động chuyên dụng hiện đại, an toàn.

Thống kê của HoREA, hiện nay tại Việt Nam chưa có cao ốc nào bố trí tầng lánh nạn trừ tòa nhà Bitexco 68 tầng tại TP HCM có dành một tầng làm bãi đỗ trực thăng.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất toà nhà từ 30 tầng trở lên phải có tầng lánh nạn tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận