Đề xuất xây dựng luật với lĩnh vực tài chính tiêu dùng chống "tín dụng đen"
TCDN - Hoạt động tài chính tiêu dùng đang ngày càng trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho người yếu thế. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp nhiều vấn đề đặc biệt liên quan đến thu hồi nợ. Nhiều ý kiến cho rằng cần có một luật riêng trong lĩnh vực này vừa bảo vệ công ty tài chính vừa bảo vệ khách hàng.
Đưa hoạt động cầm đồ vào quản lý
Tại toạ đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay tham gia cho vay phục vụ tiêu dùng và phục vụ đời sống ngoài các ngân hàng thương mại công ty cho thuê tài chính, ngân hàng chính sách xã hội... còn có các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, ngoài ra còn có các công ty fintech, các công ty cho vay cầm đồ, các công ty lấy tên là công ty tài chính… cũng tham gia cho vay tiêu dùng song hoạt động theo Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp.
Theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Điều hành, Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, FiinGroup, tài chính tiêu dùng phi chính thức (tuân theo các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015) gồm: Dịch vụ cầm đồ, P2P, các apps cho vay trực tuyến, BNPL – gồm: Các chuỗi cửa hàng cầm đồ và các tiệm cầm đồ nhỏ lẻ, Các công ty cho vay ngang hàng (P2P lenders), Các công ty cho vay trong ngày, các apps cho vay (Payday lenders) và Các công ty Fintech cung cấp dịch vụ mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL). Chuỗi cửa hàng cầm đồ: Được cấp phép cung cấp các khoản vay cầm cố, có tài sản đảm bảo như F88, T99, Tima, Vietmoney, HappyMoney…
Ông Đồng nhấn mạnh, hoạt động cầm đồ là hoạt động cho vay truyền thống tồn tại 100 năm nay, phổ biến ở nhiều quốc gia. Vấn đề chúng ta phải đưa vào khuôn khổ để quản lý. Khách hàng có có nhu cầu, thì hoạt động này sẽ còn tồn tại bởi đáp ứng được phân khúc khách hàng chưa đáp ứng được yêu cầu của các công ty chính thống vấn đề của cầm đồ là về lãi suất và thu hồi nợ. Lãi suất đang hoạt động theo Bộ luật Dân sự.
Hiện tại, theo ông Đồng, mức lãi suất tại quy định 20%, không quy định mức phí, đây chính là kẽ hở. Họ tính mức phí vài trăm % thì người vay sao chịu được. Chúng tôi có tham khảo, hoạt động cầm đồ ở các nước khác đều có mức trần lãi suất, hạn chế tác động cho người yếu thế. Còn về thu hồi nợ, hoạt động cầm đồ là có tài sản đảm bảo nhưng thực tế, hoạt động của chuỗi cầm đồ, thậm chí là công ty cầm đồ lớn thì tài sản đảm bảo là tài sản cá nhân, cà vẹt đăng ký xe. Bản chất chúng ta không cầm tài sản gì cả.
“Do đó, đây là điểm yếu dẫn đến họ đi đòi nợ cực đoạn. Chúng tôi đề xuất nên xem xét đưa hoạt động thu hồi nợ thành hoạt động chuyên nghiệp chính thức. Vì vậy, cần có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này. Một đề xuất nữa là xây dựng khuôn khổ pháp lý cho cả hoạt động đòi nợ cho tổ chức tài chính và các tổ chức phi chính thức. Hiện tại, về luật quy định rất sơ sài, đoạt động cho vay tài sản cũng như vậy”, ông Đồng kiến nghị.
Trong khi đó, theo Luật sư Trương Thanh Đức tín dụng cầm đồ cũng là chính thống bởi họ hoạt động theo sự cho phép của cơ quan nhà nước.
“Vấn đề chúng ta cần đặt ra ở đây là các doanh nghiệp tiêu dùng cũng như dịch vụ cho vay cầm đồ gặp khó khăn trong việc cho vay, là quy định về lãi suất phí, cũng như thu hồi nợ thì cần nhìn nhận việc quản lý như thế nào, hành lang pháp lý cho các mô hình đã tạo điều kiện hay chưa. Cái khó nhất trong tài chính tiêu dùng là đòi nợ bất hợp pháp thì chúng ta cần nghiên cứu để có giải pháp. Trong đó, phải chuyên nghiệp hóa trong việc đòi nợ và cần có đạo luật xử lý nợ xấu để giải quyết các vấn đề trên”, ông Đức nói.
Thu hồi nợ thế nào?
PGS-TS. Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng hoạt động của các công ty tài chính còn khiêm tốn. Nguyên nhân không phải là vấn đề lãi suất mà ở điều kiện vay vốn, tiếp cận vốn. Những tổ chức không được cấp phép thỏa mãn nhu cầu của người yếu thế khi họ không tiếp cận được nguồn vốn đó tại công ty tài chính được cấp phép.
Do vậy, theo ông Hoàng Xuân Quế, cơ quan quản lý cần xem xét về hình thức tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người dân khi họ cần tiền để xử lý vấn đề cấp thiết.
Liên quan đến hoạt động thu hồi nợ, ông Quế khẳng định, pháp luật không cấm đòi nợ, chỉ cấm hình thức đòi nợ không hợp pháp như khủng bố, xã hội đen. Vì vậy cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật phải đồng bộ từ việc xử lý nợ, có chế tài rõ ràng việc thi hành án các trường hợp bùng nợ.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chiến lược tài chính toàn diện, không phải Chính phủ chưa nhận thức được mà đã nhận thức rất sâu sắc khi thiết kế Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào.
Ông Hiếu cho rằng, hiện nay có 3 vấn đề nổi lên là thiếu khung pháp lý; thực thi, nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành đã giải quyết được phần lớn hiện trạng; thứ 3 là sự công bằng - một môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau (tổ chức tín dụng, công ty tài chính và các tổ chức khác), cần môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Theo ông Phan Đức Hiếu, về lâu dài có thể hướng đến đạo luật hoặc quy định riêng cho lĩnh vực đòi nợ. Tuy nhiên đó là một việc cần thời gian và xem xét tính khả thi. Do đó, trong ngắn hạn, ông Hiếu cho rằng, hai vấn đề công ty tài chính và xử lý nợ xấu có thể kiến nghị và đưa vào trong dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi.
Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó, đưa công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng.
Chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp để thực hiện tốt các chính sách về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng, phối hợp để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người dân lao động có thu nhập thấp; tiếp tục siết chặt, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp có hoạt động cho vay, thu hồi nợ không đúng quy định pháp luật.
Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng. Tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899