Dệt may tiếp tục gặp khó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh "bết bát"

10/11/2023, 11:20
báo nói -

TCDN - Trong 29 doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023, có tới 18 doanh nghiệp giảm lãi, 4 doanh nghiệp tiếp tục lỗ, 4 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và chỉ có 3 doanh nghiệp tăng lãi.

Đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, công nhân giảm giờ làm, thậm chí đóng cửa là chuyện đang diễn ra với ngành Dệt may Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu các mặt hàng dệt may 9 tháng đầu năm nay mới đạt 29,1 tỷ USD giảm 14% so với cùng kỳ, còn cách rất xa kế hoạch xuất khẩu trong năm 2023 đưa ra từ đầu năm. Các doanh nghiệp, tình hình khó khăn vẫn còn kéo dài trong nhiều tháng tới.

Trong 29 doanh nghiệp dệt may (trên HoSE, HNX, UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023, có tới 18 doanh nghiệp giảm lãi, 4 doanh nghiệp tiếp tục lỗ, 4 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và chỉ có 3 doanh nghiệp tăng lãi. Tổng doanh thu và lãi ròng của doanh nghiệp dệt may quý 3/2023 là hơn 18.000 tỷ đồng và 355 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 63% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành Dệt may tiếp tục gặp khó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bết bát.

Ngành Dệt may tiếp tục gặp khó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh "bết bát".

Đơn cử, Công ty Cổ phần Everpia (HoSE: EVE) với lãi ròng giảm 92% so với cùng kỳ, còn chưa đến 4 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 14 quý trở lại đây của doanh nghiệp này, kể từ quý 2/2020.

Tổng công ty May Nhà Bè (UPCoM: MNB) lãi ròng kém nhất 8 quý gần đây kể từ quý 4/2021 khi chỉ đạt gần 4 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 88%.

Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) - một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may ở Tp.HCM, tiếp tục báo lỗ 11 tỷ đồng trong quý 3/2023.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) lợi nhuận cũng giảm đến 77%, xuống còn 27 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của Vinatex tăng trưởng âm.

Một số cái tên khác vẫn tiếp tục gánh lỗ là Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) có 3 quý lỗ liên tiếp; Dệt May Nam Định (Natexco, UPCoM: NDT) lỗ 5 quý liên tiếp; Dệt may Hà Nội (Hanosimex, UPCoM: HSM) lỗ 6 quý liên tiếp.

Bên cạnh gam màu ảm đảm của ngành Dệt may, có 3 đơn vị làm ăn có lãi, tăng trưởng dương là Tổng công ty Việt Thắng (Vicotex, HoSE: TVT), Tổng công ty May 10 (UPCoM: M10) và Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (HoSE: AAT).

Trong đó, Tổng công ty Việt Thắng lãi quý 3 tăng tới 170%, lên gần 3 tỷ đồng; lãi ròng của May 10 tăng 27%, lên gần 32 tỷ đồng - mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động, chỉ sau mức lãi kỷ lục 49 tỷ đồng của quý 4/2022.

Mặc dù bối cảnh chung của thị trường Dệt may và kinh tế thế giới vẫn đặt ra những thách thức cho xuất khẩu Dệt may Việt Nam, nhưng sự cải thiện đáng kể về kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 8 (cao hơn mức bình quân chung theo tháng của năm 2022 là 3,72 tỷ USD), đơn hàng bắt đầu dần quay trở lại trong những tháng cuối năm, cho thấy tín hiệu tích cực.

Cùng với đó, các yếu tố kinh tế trong nước cũng ủng hộ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng. Đó là lãi suất cho vay tiếp tục giảm, các doanh nghiệp có cơ hội tận dụng nguồn tín dụng giá rẻ hơn so với thời điểm đầu năm để đáp ứng nhu cầu vốn và gia tăng đầu tư sản xuất. Đồng thời, tỷ giá VND/USD bắt đầu có lợi cho xuất khẩu từ tháng 7.

Giới phân tích cho rằng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý 4 nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã về đáy. Động lực hồi phục còn đến từ sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý IV/2023”, SSI Research kỳ vọng.

Không chỉ đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, trên sàn chứng khoán, dệt may cũng là nhóm cổ phiếu có số lượng lớn mã được niêm yết trong nhóm cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu.Đáng chú ý, trong giai đoạn từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10, trong khi thị trường gặp sức ép gia tăng nhưng dòng tiền vẫn đến với nhóm cổ phiếu ngành  Dệt may.

Chứng khoán VNDirect dự báo nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý 1/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn. Đồng thời, việc nhu cầu tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm sẽ giúp thúc đẩy việc bán hàng và hấp thụ bớt lượng hàng tồn kho đang ở mức cao, tạo dư địa cho các đơn hàng mới để phục vụ cho mùa xuân - hè 2024.

Minh Anh (T/h)
Bạn đang đọc bài viết Dệt may tiếp tục gặp khó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh "bết bát" tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan