Làn sóng đại dịch thứ tư có thể được xem là tạm lặng xuống, cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội bước vào thời kỳ mới. Liệu doanh nghiệp Việt Nam sẽ “sống” và “lớn” như nào thế nào?

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư nhân kiêm Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam về vấn đề này.

Vừa qua, Deloitte Private công bố báo cáo “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi” khảo sát về doanh nghiệp tư nhân trên thế giới, xin ông cho biết doanh nghiệp Việt Nam có thể học tập được gì để tồn tại, vượt qua và phục hồi sau đại dịch Covid-19?

Thông qua số liệu khảo sát, dường như tốc độ thay đổi đang gia tăng nhanh chóng trên một quy mô rộng lớn hơn trong khi thế giới đang hoạt động chậm lại do đại dịch. Mặc dù năng lực cạnh tranh, chiến lược phát triển, tốc độ thay đổi của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia là khác nhau, tôi cho rằng chính phủ, doanh nghiệp và người dân ở mọi quốc gia, bao gồm cả Việt Nam đều có xuất phát điểm giống nhau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Theo báo cáo, các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân đã, đang và sẽ tiếp tục tận dụng cuộc khủng hoảng này như một chất xúc tác, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh.

quote1

Có hai điểm tương đồng lớn giữa cách các lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam khi xác định lại ưu tiên và hành động trong giai đoạn này, tuy nhiên, theo tôi nút thắt các doanh nghiệp Việt Nam cần giải quyết chính là đẩy nhanh tốc độ thay đổi.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo đều cho rằng mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp là nâng cao năng suất lao động. Có đến 48% số doanh nghiệp tham gia khảo sát xác định đây ưu tiên chính của doanh nghiệp trong 12 đến 36 tháng tới. Việc cắt giảm 50% nhân sự theo quy định, hoặc điều chỉnh cách thức nhân sự hoạt động (trực tuyến, kết hợp,…) đặt ra bài toán tìm ra biện pháp để tăng năng suất lao động càng sớm càng tốt.

Thứ hai là chuyển đổi số. Khoảng gần 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chuyển đổi số giúp họ tăng trưởng mạnh trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy rằng chuyển đổi số chỉ là ưu tiên thứ hai trong giai đoạn này, nhưng đây sẽ là ưu tiên hàng đầu bắt buộc phải thực hiện, chứ không còn là điều doanh nghiệp có thể lựa chọn làm hoặc làm nếu không muốn bị bỏ lại.

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở khối doanh nghiệp ngân hàng, những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có tinh thần tiên phong. Phần lớn các doanh nghiệp đang dừng ở mức chuyển đổi nhận thức, vướng trở ngại về lựa chọn công nghệ và e dè trong việc chuẩn bị ngân sách phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

Với kinh nghiệm tư vấn của Deloitte, những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thường trải qua lộ trình gồm sáu bước cơ bản: Tự đánh giá (Self-assessment); Khát khao chuyển đổi (Aspiration); Đánh giá trở ngại (Constraints); Tìm kiếm cơ hội và giải pháp (Opportunities and Solution); Xây dựng lộ trình (Roadmap); Đầu tư công nghệ (Investment requirements).

Đại dịch là thời kỳ rất quý giá để doanh nghiệp tự đánh giá những điểm chưa ưu việt - để thay đổi, hoặc những điểm là thế mạnh – để tăng tốc phát huy, hướng tới việc phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp đủ năng lực có thể vượt khủng hoảng lần này và nhiều cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai. Những doanh nghiệp kiên cường như vậy liên tục rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới, củng cố tình hình vốn và biết chú trọng đầu tư vào lực lượng lao động.

Empty

Để doanh nghiệp có thể hồi phục và phát triển, theo ông doanh nghiệp cần phải làm gì?

Như đề cập ở trên, cá nhân tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc chuyển đổi số và nhanh chóng tìm ra phương án nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển lực lượng lao động. Đây cũng là một trong bảy yếu tố tạo nên khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong báo cáo của Deloitte.

Nếu nguồn vốn tài chính được coi là huyết mạch của doanh nghiệp, thì nguồn vốn nhân lực chính là trái tim và khối óc. Mọi kế hoạch tái phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng tốc phát triển không thể thành công nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cả về thể chất, tinh thần và kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt khi người lao động vừa trải qua thời gian vô cùng khó khăn.

Khi trọng tâm chuyển từ phục hồi sang phát triển thịnh vượng sau đại dịch, việc lấy con người làm trung tâm để ứng phó với những gián đoạn trong tương lai đem lại nhiều lợi ích. Nhiều doanh nghiệp coi lực lượng lao động chính là nguồn tài nguyên “phi tiền tệ”. Họ đặt nền tảng cho việc này bằng cách sử dụng lực lượng nhân sự linh động, đa dạng và thiết lập lại tổ chức theo hướng linh hoạt hơn và khả năng hoàn thành các công việc tốt hơn so với các đội nhỏ và độc lập. Trên thực tế, các doanh nghiệp trong khảo sát có khả năng phục hồi cao nói rằng họ đã hoàn toàn thay đổi bản chất công việc tại tổ chức và cho biết họ đang trong quá trình chuyển đổi.

Quãng thời gian vừa qua chính là liều thuốc thử cho sự gắn kết giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, và ngược lại. Doanh nghiệp cần tạo ra môi trường lao động an toàn, xây dựng một nền tảng thể chất và tâm lý tích cực để người lao động yên tâm quay lại nhà máy, công xưởng. Sự tín nhiệm của người lao động với chủ doanh nghiệp tạo nền tảng vững chắc và đầy giá trị, giúp cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai, với mục tiêu trước mắt là khôi phục sản xuất kinh doanh khi cả nước bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Thời gian vừa qua, Chính phủ thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19, ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ đó? Các chính sách hỗ trợ Nhà nước cần thay đổi như thế nào?

Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ đã thực sự phát huy được tác dụng đối với doanh nghiệp trong việc giảm bớt gánh nặng, khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển hậu đại dịch. Tuy nhiên, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh kịp thời và linh hoạt hơn khi áp dụng đúng đối tượng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ hướng nhiều hơn tới người lao động.

Sau khi mở giãn cách tại các vùng dịch, người lao động hồi hương từ các khu công nghiệp về quê với con số lên tới hàng trăm ngàn người. Việc lo chỗ ăn ở, địa điểm cách ly, tạo công ăn việc làm cho các nhóm lao động sau khi hết thời gian cách ly đang gây tâm lý bối rối, lúng túng cho từng địa phương. Do vậy, nếu chính sách dành cho người lao động được triển khai kịp thời sẽ giúp các chính quyền địa phương có hướng giải quyết phù hợp và giảm gánh nặng cho địa phương tiếp nhận và cả xã hội.

Đối với doanh nghiệp, biện pháp giãn cách toàn xã hội có lẽ không còn phù hợp, hiệu ứng domino đã xảy ra khi nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, dẫn tới phá sản và nợ xấu ngân hàng tăng không kiểm soát được. Hơn nữa, điều này cũng ít nhiều cản trở dòng chảy FDI đổ vào Việt Nam, nhất là tại các thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp trọng điểm, cũng là nơi thực hiện việc phong tỏa, giãn cách xã hội trên diện rộng trong thời gian dài. Theo đó, Chính phủ có thể xem xét việc bổ sung quy định về việc cho phép những doanh nghiệp với số lượng người lao động đã tiêm đủ hai liều vaccine được phép chủ động hoạt động trong phạm vi nhà máy, trụ sở doanh nghiệp.

doanh-nghiep-1

Đối với các chính sách về thuế, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách về thuế chưa thực sự giúp ích cho doanh nghiệp, ông nghĩ sao về điều này?

Chính sách thuế vẫn luôn là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế, cũng như thực hiện chính sách công bằng xã hội.

Từ đại dịch Covid-19, bên cạnh các gói chính sách hỗ trợ tín dụng và chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khóa trong đó trọng tâm là chính sách thuế của Chính phủ đã được ban hành khá kịp thời. Mặc dù còn một số hạn chế nhưng không thể phủ nhận rằng những chính sách này trên thực tế đã tiếp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 và báo cáo tháng 7/2021 của VCCI kiến nghị với Quốc hội tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ về thuế được cho là hữu ích nhất, tiếp đến là hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn, thứ ba là hỗ trợ giảm lãi suất và giãn thời gian cho vay.

Bên cạnh các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chính sách ưu đãi thuế mới với mức ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao như Quyết định 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/10/2021, quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt cũng nhận được những sự quan tâm và phản hồi tích cực từ nhiều nhà đầu tư lớn ngay từ giai đoạn xây dựng, cũng như trong các hội nghị gần đây giữa Chính phủ với các Hiệp hội và các nhà đầu tư lớn đến từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc….

Cuối cùng, để các chính sách thuế đi vào thực tiễn và đáp ứng được mục tiêu đề ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp với các cơ chế, giải pháp phù hợp (như giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại và các phương thức khai thuế, nộp thuế điện tử) để kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Quote2

Thực hiện: Thanh Phương

Thiết kế: Mai Nguyễn