Doanh nghiệp xuất khẩu: Sản xuất tuần hoàn, tìm kiếm thị trường ngách

18/08/2023, 16:00
báo nói -

TCDN - Để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu cho các mặt hàng tỷ USD trong bối cảnh các nước đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải chuyển đổi, đảm bảo chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế.

8-1

Tín hiệu tích cực từ thị trường lớn

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, bắt đầu từ quý IV/2022 cho đến hết thời điểm hiện nay, cũng như các ngành khác, ngành dệt may Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,8 tỷ USD, giảm đến 14,7 tỷ USD so với năm 2022. Trong đó, hàng may mặc đạt 17,8 tỷ USD, giảm đến 13,2%; hàng vải đạt 1,37 tỷ USD giảm đến 18%; sơ sợi đạt 2,5 tỷ USD, giảm 20,7%...

Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng mạnh.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày giảm sút mạnh và dự báo còn kéo dài đến quý I/2024. Khó khăn nhất hiện nay với các doanh nghiệp trong ngành da giày là thiếu đơn hàng, nhất là tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - hai thị trường chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành. So với cùng kỳ, hiện thị trường Mỹ đã giảm 35% và EU giảm đến 13% lượng đơn hàng. Để bù đắp, các doanh nghiệp cần phải tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần da giày của Việt Nam tại Canada cho thấy hiệu ứng tích cực của hiệp định mang lại.

“Nghiên cứu mới đây của Thương vụ cho thấy dù da giày là mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi CPTPP cao nhất (72%) so với các mặt hàng khác của Việt Nam, tuy nhiên, ước tính vẫn có đến trên 230 triệu USD hàng xuất khẩu của chúng ta xuất với thuế suất MFN từ 5-20%; trong khi đáng lẽ chúng ta được hưởng thuế CPTTP bằng 0%; trong đó chủ yếu là giày thể thao, giày đá bóng (17.5%), giày dép da giá trị thấp (11%), giày dép vải (10%), phụ kiện giày dép (5-8%)”, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada chia sẻ.

Để tốc độ tăng trưởng kim ngạch vào địa bàn bền vững và để mở rộng thị phần, theo bà Quỳnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. Phân tích đối thủ cạnh tranh trên thị trường Canada cùng phân khúc như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh cho thấy Việt Nam khá yếu về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành.

Sản xuất thương hiệu riêng của Việt Nam cần hướng vào phân khúc thu nhập trung bình thấp của giới trẻ, chịu khó thay đổi và sẵn sàng tiêu dùng vì đây vẫn còn là các thị trường ngách nhiều tiềm năng, có biên độ lợi nhuận cao.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các Hội chợ, triển lãm quốc tế vì đây vừa là cơ hội làm việc trực tiếp với các nhà mua buôn để tìm kiếm các đơn hàng gia công, vừa là cơ hội để mở rộng khả năng tham gia vào các phân khúc giày dép túi xách thời trang, đồ đi biển, giày dép trẻ em và giày dép trong nhà…”, bà Quỳnh cho biết.

Theo điều tra Môi trường và hộ gia đình 2019 và điều tra Rác thải công nghiệp 2018 của Cơ quan thống kê Canada, mỗi năm, quần áo cũ đóng góp tới gần 60.000 tấn rác và là nguồn rác thải nhựa lớn thứ ba của Canada, sau bao bì và xe ô tô cũ. Quần áo cũ thải loại đóng góp khoảng 7% vào tổng lượng rác thải nhựa của Canada. Trong nỗ lực giảm rác thải nhựa và phát thải CO2, Canada đang hướng đến phát triển ngành thời trang và dệt may tuần hoàn và vận động tiêu dùng dệt may bền vững. Do vậy, để tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang địa bàn bền vững, bà Quỳnh cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có chiến lược giảm phát thải carbon và sản xuất tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu dệt may tái chế và sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cập nhật về các hệ chứng chỉ mới trong ngành dệt may và tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định của khách hàng.

Chuyển mạnh sang xu hướng phát triển bền vững

Thông tin về thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, da giày Việt Nam ngày càng chiếm vị trí lớn tại EU. Năm 2016 Việt Nam xuất khẩu 3,3 tỷ USD sang EU, năm 2022 tăng lên 5,9 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng da giày sang thị trường này tăng cao. Tuy nhiên, xuất khẩu da giày của Việt Nam đang phụ thuộc vào một số nhãn hàng chính tại EU.

Với ngành hàng dệt may, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng. Việt Nam hiện đứng thứ 4 về thị phần dệt may tại EU (sau Trung Quốc, Băngladesh, Thổ Nhỹ Kỳ). Tương tự như da giày, dệt may Việt Nam có nhiều ưu đãi về thuế, do vậy có nhiều tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.

Riêng ngành gỗ, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 57 triệu USD sang EU. Dù được hưởng nhiều ưu đãi tuy nhiên EU có yêu cầu cao và chặt chẽ liên quan đến môi trường cũng là thách thức cho doanh nghiệp ngành gỗ tăng xuất khẩu sang thị trường này.

“Thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng … Với các quy định này, điều lo ngại với doanh nghiệp Việt Nam là khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế” - ông Trần Ngọc Quân cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân, Hiệp định EVFTA giúp các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU. Mặt khác, EU cũng đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, nên doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tại thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ nhấn mạnh, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của các sản phẩm, gỗ, dệt may, da giày, tuy nhiên gần đây hoạt động này đang sụt giảm tương đối lớn.

“Để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu cho các mặt hàng tỷ USD, doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh nội địa, xác định rõ thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh tìm hiểu các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đồng thời cải thiện chất lượng hoá cũng như công nghệ sản xuất”, ông Đỗ Mạnh Quyền nêu.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Mạnh Quyền khuyến nghị doanh nghiệp ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách để xuất khẩu bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi họ giảm các nhu cầu sẽ ngắt kết nối, khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị đứt gãy. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương để ký kết hợp đồng tư vấn nhằm có được cơ hội giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

Đối với thị trường Đức, bà Đỗ Việt Hà - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức lưu ý, để đẩy mạnh việc xuất khẩu đồ gỗ, dệt may và da giày sang thị trường này, các doanh nghiệp cần phải cập nhật và nắm được các quy định quy chuẩn kỹ thuật của EU. Đó là những quy định an toàn sản phẩm, những hạn chế với hóa chất trong sản phẩm; quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên lưu ý quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan.

Các doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các thị trường EU, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Việt kiều tại địa bàn. Cùng với đó, cần kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng; đồng thời thông qua các bạn hàng khác, công ty dịch vụ hay cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để tiến hành thẩm tra thêm về đối tác.

Lan Hạ
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp xuất khẩu: Sản xuất tuần hoàn, tìm kiếm thị trường ngách tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận