Sau nhiều năm bươn trải trên thương trường, có thể nói doanh nhân Đỗ Quang Hiển giờ đây đã được xếp vào danh sách các lão làng trong giới kinh doanh. Sau bao khó khăn nối tiếp, nhưng bằng chính sự nhiệt huyết và óc xử lý nhạy bén mà mọi thương vụ qua tay ông Hiển đều trở thành “miếng bánh ngọt” được nhiều người thèm muốn.

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, PV Tài chính Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Doanh nhân Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T Group.

Là người đứng đầu doanh nghiệp, ông định hướng mô hình trong tương lai cho doanh nghiệp mình thế nào?

Tập đoàn chúng tôi đang hướng tới phát triển đa ngành. Xu hướng này phù hợp với xu thế phát triển đất nước, đó là hướng vào nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục, năng lượng, hạ tầng, giao thông... những thứ mà Việt Nam đang cần.

Tuy nhiên, nếu đánh giá năng lực quản trị, chúng tôi nhận thấy vẫn còn thiếu, yếu để đáp ứng được xu hướng phát triển đó. Vì thế, để thực thi mục tiêu này, chúng tôi đang xúc tiến hợp tác với các tập đoàn lớn của nước ngoài. Họ không chỉ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo mà còn cùng bỏ vốn đầu tư, quản lý, vận hành.

Tập đoàn đang có dự định chia ra thành từng tổng công ty, quản lý từng lĩnh vực và đồng hành cùng các tập đoàn lớn của nước ngoài quản trị, điều hành. Họ đưa các công nghệ kỹ thuật, năng lực quản trị để mình học hỏi.

4-2

Có lúc nào ông thấy mệt khi điều hành một doanh nghiệp đa ngành, nhiều lĩnh vực?

Nói không mệt thì không phải mà nói mệt cũng không phải. Phải nói là vừa mệt vừa sướng vì tôi luôn luôn cười.

Tôi sướng vì được làm việc, được cống hiến. Họp hành đến 3 - 4h mới về ăn cơm tối ai bảo không mệt, con người chứ có phải máy móc đâu nhưng vẫn thấy sung sướng vì làm được việc có ích, có nhiều người muốn cũng không được họp như vậy ấy chứ.

Người ta nói, người tuổi Hổ thường mạnh mẽ, nóng giận. Vậy ông thấy nhận xét đó có đúng với mình không?

Người ta nói ông hổ là biểu tượng của sự khí phách, có tâm, bảo vệ người yếu, giúp người, cứu người.

Đấy cũng là cái khí chất của người tuổi Hổ. Khí chất mạnh mẽ, thẳng thắn, quyết liệt, hiên ngang, bảo vệ lẽ phải, quyết tâm, và khát vọng dân tộc.

Nên vừa rồi tôi làm lịch SHB, tôi có bảo người làm lịch phải tìm những câu dân gian nói về hổ cho vào mỗi trang lịch. Cậy ấy lấy được rất nhiều câu dân gian nói về hổ. Tôi cẩn thận bảo cậu ấy hỏi các nhà sử học Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan, góp ý thêm câu chữ dân gian cho chuẩn văn hóa.

Quote

Là người tuổi Hổ, ông thấy tuổi Hổ đã ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân ông trong kinh doanh?

Tôi nói như này cho nó có câu chuyện. Chiến lược BĐS của tôi phải có văn hóa, tôi làm BĐS thì nghĩ những tập đoàn khác có chiến lược của họ, còn mình có chiến lược gì?

Tôi nghĩ chiến lược của mình là tinh hoa văn hóa thế giới với văn hóa Việt Nam. Ví dụ dự án ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, Nghi Xuân là quê cụ Nguyễn Du sáng tác ra truyện Kiều thì tôi thuê tư vấn nước ngoài hàng đầu, đẳng cấp. Sau đó mình bảo họ nghiên cứu địa hình, các sông, núi, biển, rừng, nếu thấy giống vị trí địa lý nào, một dự án nào nổi tiếng trên thế giới thì đưa mô hình tinh hoa thế giới vào đây.

Đồng thời yêu cầu vào trong Sở Văn hóa, các Huyện nói chuyện, tìm hiểu về lịch sử vùng, xem có danh nhân nào ở đó. Thế là vào 2 ngày 2 đêm nghe toàn bộ về cụ Nguyễn Du.

Câu chuyện về hổ thì nhiều lắm. Các dự án của tôi ở mỗi địa phương 5 sao, 7 sao là chuyện bình thường. Mình có tiền thì nước ngoài họ làm thôi, nhưng đây là câu chuyện văn hóa ở các địa phương.

Nói đến ông Hổ trong dân gian, thì ở An Giang tôi được tỉnh giao cho dự án. Lúc đó tôi bảo nhân viên tìm hiểu lịch sử. Trước là ở đấy có ngôi miếu, đền thờ miếu ông hổ. Lịch sử là ngày xưa có 1 đôi vợ chồng đi vào rừng thấy 1 ông hổ nằm bị thương, đôi vợ chồng mới đưa về chữa. Sau đó vợ chồng này bệnh tật, khó khăn là ông hổ ông nuôi.

Ông đã nghĩ đến việc chuyển giao quản lý cho các thế hệ tiếp theo?

Không những ở T&T mà cả ở SHB tôi cũng đang rất coi trọng lớp trẻ. Trong 5 năm qua, tôi luôn khuyến khích nhận vào các bạn trẻ. Tại ngân hàng, tôi đưa ra chiến lược với giám đốc nhân sự là mỗi năm phải tuyển dụng 100 - 200 bạn trẻ mới ra trường, quy hoạch lại để đưa ra nước ngoài đào tạo trong 5 năm, mỗi năm một lớp. Đây sẽ là nguồn nhân tài tiếp quản sự phát triển của ngân hàng.

4-3

Có người nói rằng muốn gặp ông Hiển thì cứ ra sân bóng, điều này có vẻ đúng với một ông bầu hết lòng với bóng đá như ông?

Thật ra chỉ những trận đấu diễn ra trên sân nhà và tôi không phải bận họp hay công tác thì mới ra xem được thôi. Nhiều lúc muốn lắm cũng không ra được vì bận công việc. Tôi tham gia với bóng đá thì cũng có các giám đốc quản lý riêng, chứ cũng không có thời gian xuống câu lạc bộ gặp gỡ cầu thủ. Việc chính vẫn là tập trung cho kinh doanh.

Như tuyển U23, trong đội tuyển có tới 10-11 cầu thủ thuộc mình quản lý, trong đó có tới 7 "đứa con" tôi nuôi từ khi 9-10 tuổi như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu… Vậy mà khi mà các "con" về mình cũng không có thời gian để gặp.

Vậy sau này khi đã chuyển giao xong việc kinh doanh, liệu bầu Hiển có còn gắn bó với bóng đá?

Sau này nghỉ kinh doanh tôi vẫn làm bóng đá, khi tôi đã chọn gắn bó, đồng hành thì làm gì cũng thế, làm là làm tâm huyết, lâu dài, không chỉ nghĩ đến cho CLB của mình mà nghĩ đến cả nền bóng đá Việt Nam mà cao hơn cả là tự hào quốc gia.

Nhân dịp năm mới, ông có lời nhắn nhủ gì với cộng đồng doanh nghiệp?

Năm mới tôi chúc mọi người sức khỏe, chúc mọi người có niềm tin, hạnh phúc và phát triển, vui vẻ.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, đã là doanh nhân thì phải luôn có tư tưởng làm giàu. Song, không phải làm giàu bằng mọi giá, mà bằng cái tâm, sự cống hiến và phải có lòng tự tôn dân tộc.

Gia Hưng

Tạp chí in số Tết 2022