Đổi mới, sắp xếp DNNN: Chậm thoái vốn, trốn niêm yết

23/04/2020, 11:11

TCDN - Trong 03 tháng đầu năm 2020, chỉ có 03 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 04 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn. Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp cổ phần hoá chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Không có doanh nghiệp cổ phần hóa trong tháng 3

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, trong 03 tháng đầu năm 2020, chỉ có 03 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang cổ phần hoá (phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2019). Trong đó, tháng 3/2020, không có doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 3/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020. Cụ thể: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.

Về tình hình thoái vốn, trong tháng 3/2020, có 02 đơn vị báo cáo tình hình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp (Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) với tổng giá trị là 213,4 tỷ đồng, thu về 308,5 tỷ đồng.

Trong 03 tháng đầu năm 2020: thoái được 397 tỷ đồng, thu về 772 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 3/2020: thoái 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 03 tháng đầu năm 2020, có 04 DNNN thực hiện thoái vốn với tổng giá trị là 79 tỷ, thu về 220,6 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 - tháng 3/2020: Thoái vốn nhà nước tại 96 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.783 tỷ đồng, thu về 9.185 tỷ đồng.

Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong đó, nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên đối với 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, bao gồm Agribank, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ (Vinacomin - TKV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) và Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.

Có 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa mà nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Nổi bật như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UCID)…

Còn lại 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa sẽ do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần, bao gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)…

Không phát sinh doanh nghiệp chuyển giao về SCIC

Đối với công tác bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong 03 tháng đầu năm 2020, không phát sinh doanh nghiệp chuyển giao về SCIC. Lũy kế đến tháng 03/2020 đã chuyển giao 34/62 số doanh nghiệp về SCIC (đạt 54%) với tổng giá trị chuyển giao là 10.437,7 tỷ đồng (đạt 97%), còn 28 doanh nghiệp chưa chuyển giao về SCIC với giá trị chuyển giao là 360 tỷ đồng (chiếm 3%).

Liên quan đến tình hình đăng ký, giao dịch niêm yết trên TTCK, theo rà soát của Cục Tài chính doanh nghiệp tính đến 31/12/2019 còn 650 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK (trong đó có 611 doanh nghiệp trong danh sách 760 doanh nghiệp do UBCKNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10340/BTC-UBCK ngày 04/9/2019 và bổ sung thêm 39 doanh nghiệp). Cục TCDN đã có công văn số 285/TCDN-NV1 ngày 17/02/2020 gửi UBCKNN để tổng hợp, báo cáo Bộ.

Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Để đạt được mục tiêu đã đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020, Cục Tài chính doanh nghiệp kiến nghị, trong năm 2020 các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN cần tập trung vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung triển khai một số nội dung, thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017, Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020, Nghị quyết số 73/NĐ-CP ngày 23/9/2019 và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019.

Thứ hai, người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao. Thường xuyên đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Thứ ba, đánh giá tính khả thi trong việc triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trường hợp không đảm bảo hoàn thành, đề nghị kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hạnh Trần

Tạp chí in số tháng 4/2020
Bạn đang đọc bài viết Đổi mới, sắp xếp DNNN: Chậm thoái vốn, trốn niêm yết tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phó thủ tướng: 'SCIC phải công khai việc thoái vốn'
"Việc thoái vốn của SCIC cần “công bố công khai về chủ trương thoái vốn, mời các đơn vị tư vấn, thẩm định độc lập, định giá đúng giá trị của DN, nếu không dư luận sẽ đặt vấn đề có hay không lợi ích nhóm, dẫn đến việc bị thanh tra, kiểm tra, xử lý sau này”.