Dù đã đóng thuế đất đầy đủ, nhưng dân vẫn không làm được sổ đỏ
TCDN - Gần 20 năm qua, nhiều người dân xóm 5, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã “chạy” khắp nơi để làm sổ đỏ trên mảnh đất mình đang sinh sống nhưng vẫn không được, dù đã đóng thuế đất đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Dù đóng thuế đầy đủ, nhưng sổ đỏ vẫn chờ
Làng chài ven biển tại xóm 5, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, Tp.Phan Thiết đã hình thành từ sau giải phóng năm 1975. Người dân ở đây mấy đời sống bằng nghề đi biển, đánh bắt hải sản để mưu sinh.
Những mảnh đất họ khai hoang, gìn giữ đã trải qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, công cuộc đi “chứng minh” tài sản của mình gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Nhiều ông, bà già tại đây mơ ước một ngày nào đó được nắm trong tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng có người khi mất vẫn không làm được.
Bởi, một dự án treo gần 20 năm mang tên khu du lịch Hố Lở (hay còn gọi là Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp KING SEA Phan Thiết) đã hành người dân tại đây khổ trăm bề. Họ phải sống chật vật trong những căn nhà chật hẹp, hư hỏng, không có các điều kiện sống tối thiểu… cũng vì dự án treo. Dù dự án được chấp thuận đầu tư từ những năm 2005 nhưng đến nay nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa thấy chủ đầu tư bàn câu chuyện hỗ trợ đền bù.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: "Liên quan đến việc dân "kêu cứu" vì không làm được sổ đỏ là có thật. Sắp tới những hộ dân nào có đầy đủ hồ sơ, xã sẽ xem xét và đề nghị cấp sổ. Còn trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án King Sea Phan Thiết thì không. Vì hiện dự án này đang rất phức tạp, xã không có quyền phát ngôn khi chưa có sự chỉ đạo của cấp trên".
Ông Đỗ Ngọc Anh (sinh năm 1940) cho biết: “Từ năm 1975 sau giải phóng đến năm 1980, người dân chúng tôi tới đây ở để làm rừng, đi biển, làm ăn sinh sống. Đến khoảng thời gian năm 2001 thì có thôn trưởng tới tập trung dân, báo sẽ có Công ty TNHH Đại Thanh Quang (chủ đầu tư) về đây triển khai dự án. Chúng tôi là người dân làm ăn lao động, cũng không hiểu nhiều về dự án hay công ty nào, chúng tôi chưa từng thấy người của Công ty TNHH Đại Thanh Quang đến bàn bạc với dân.
Người dân chúng tôi rất khổ, vì đất đai nhà cửa nằm trong quy hoạch dự án nên toàn bộ ba chục hộ dân ở đây đều không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhà cửa hỏng hóc không được sửa sang. Chúng tôi cứ mỏi mòn chờ từ năm này qua năm khác mà không biết kêu ai”.
Còn ông Phạm Văn Tòng (trú tại tổ 5 thôn Tiến Bình) cũng bức xúc: "Tôi năm nay 47 tuổi, cha mẹ tôi ở đây, sinh ra tôi ở hồi đó cho đến giờ chúng tôi ở ổn định tại đất này. Dự án của Đại Thành Quang này đã nghe nói từ hai chục năm nay mà cũng không có triển khai gì. Dân chúng tôi không có sổ đỏ, cũng không được cất nhà cất cửa. Người dân rất mong chính quyền vào cuộc để cho nhân dân chúng tôi có GCNQSDĐ. Để chúng tôi có quyền lợi chính đáng của công dân".
Ông Châu Sáu (sinh năm 1966, trú tại Tổ 5) cũng cho biết, đã nhiều năm nay người dân mong chờ cơ quan chức năng có có biện pháp giải quyết, để tháo gỡ những khó khăn cho dân về chỗ ăn ở, đường đi lối lại. Theo ông Sáu, con đường hiện đang đi là do bà con bỏ công sức đổ đất, cát để đi tạm chứ không phải là đường của xã hay là nhà nước làm.
“Từ khi dự án qui hoạch treo kéo dài khiến gia đình tôi và những hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn, khổ cực. Nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa, trồng cây cũng bị nhắc nhở. Đất không có sổ, không giao dịch, buôn bán gì được, dân tình kêu cứu khổ sở, nhưng chẳng ai giải quyết”, ông Châu Sáu chia sẻ.
Hay ông Nguyễn Văn Thảo (1965), người có 2,2 ha đất nằm trong dự án thì kể từ khi công ty Đại Thanh Quang lập dự án đến nay, gần 20 năm, gia đình ông Thảo cùng nhiều hộ dân tại đây vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn bỏ hoang, chưa hề có dấu hiệu triển khai. Tuy nhiên, việc kêu cứu của ông Thảo và hàng chục hộ dân tại đây dần bị chìm vào quên lãng gần 20 năm qua.
Ngoài ra, ông Thảo và nhiều người dân tại đây còn làm đơn gửi đơn lên các cơ quan chức năng tố cáo ông Nguyễn Hồng Chương, người đại diện pháp luật Công ty Đại Thanh Quang đã làm giả giấy tờ, tài liệu, cung cấp các tài liệu phản ánh không đúng sự thật về nguồn gốc đất, lập khống danh sách các hộ dân được đền bù, làm giả hồ sơ mua bán đất… để có thể xin chấp thuận đầu tư từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, sau khi được chấp thuận chủ trương, công ty này liền lập khống danh sách đền bù đối với những hộ dân có trong dự án. Tuy nhiên, việc kêu cứu của ông Thảo và hàng chục hộ dân tại đây dần bị chìm vào quên lãng…
Không chỉ vậy, ông Đỗ Ngọc Anh và nhiều hộ dân ở đây đều khẳng định nhiều năm liền đóng thuế đất đầy đủ. “Năm nào cán bộ xã xuống thu thuế đất, người dân chúng tôi đều đóng và hoàn thành nghĩa vụ đầy đủ cho nhà nước. Vậy tại sao chúng tôi lại không được làm sổ đỏ để khẳng định tài sản chủ quyền của mình? Chúng tôi mong cơ quan thu hồi ngay dự án treo King Sea Phan Thiết và sớm cấp sổ đỏ cho các hộ dân tại đây”, ông Ngọc Anh chia sẻ thêm.
"Bêu tên" 43 dự án chậm tiến độ
Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, cơ quan ban ngành công khai 43 dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng. Đây là kết quả kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai kết luận việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, các dự án có sử dụng đất được cho gia hạn hoặc bị chấm dứt hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai đã kiểm tra 47 dự án tại Tp.Phan Thiết, thị xã La Gi và các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong. Trong đó có đến 21/47 dự án, với diện tích hơn 360 ha vi phạm không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án vi phạm trên 10 năm. Nhiều dự án có sử dụng đất đã hết tiến độ đầu tư nhiều năm (có dự án trên 15 năm), vi phạm không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất nhưng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận vẫn cho điều chỉnh, gia hạn tiến độ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều dự án dính hàng loạt sai phạm như: chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, xây dựng hạ tầng đô thị khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích. Qua đó, đoàn kiểm tra đề xuất địa phương cho một số dự án gia hạn thêm 24 tháng hoặc xem xét những trường hợp bất khả kháng của dự án trước khi thu hồi.
Cụ thể, Tp.Phan Thiết có 13 dự án quy mô hơn 144 ha gồm: Khu du lịch sinh thái Oscar (6,35 ha); Khách sạn nghỉ dưỡng Bình An-Mũi Né (2,69 ha); Khách sạn du lịch Hữu Lợi (1,82 ha); Dự án Sentosa Villa (15,37 ha); Dự án The Balé (11,37 ha); Khu biệt thự Revera Park (9,4 ha); Khu du lịch Minh Sơn (4,57 ha); Khu du lịch Thành Hưng (4,82 ha); Khu du lịch Mũi Né Infity (28,9 ha); Khu du lịch Ngọc Khánh (2,65 ha); Dự án Resort Hotel Lamuine 2 (4,37 ha); Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết (55,4 ha); Nhà hàng và dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang (1,07 ha).
Thị xã La Gi có 8 dự án quy mô hơn 221 ha gồm: Khu du lịch sinh thái Whale Hill (7,97 ha); Khu du lịch E DEN (1,96 ha); Khu du lịch Thu Hằng (4,86 ha); Khu du lịch Làng Tre La Gi (5,5 ha); Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân (182,6 ha); Khu du lịch Song Thành (3,48 ha); Khu du lịch Mũi Đá (3,18 ha); Khu du lịch Việt Chăm (11,75 ha).
Huyện Hàm Thuận Nam có 10 dự án quy mô 112 ha gồm: Khu du lịch Huy Hoàng (1,85 ha); Khu du lịch Cẩm Thái; Khu du lịch Honey Beach; Khu du lịch Đại Tây Dương (7,9 ha); Khu nghỉ dưỡng Amina Phan Thiết (4 ha); Khu du lịch sinh thái Kê Gà (18,8 ha); Khu du lịch Thuận Quý I (5,08 ha); Khu du lịch Liên Hương - Sài Gòn 911,63 ha); Khu du lịch Ngọn Hải Đăng (52,8 ha); Khu du lịch Hòn Lan (Golden Orchid – 9,8 ha).
Huyện Bắc Bình có 8 dự án quy mô gần 129 ha gồm: Khu du lịch Hawaii (9,8 ha); Dự án du lịch Hòn Nghề 1 (7,7 ha); Khu du lịch sinh thái Francisco Bay; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Cát (4,4 ha); Khu du lịch Tazon Resort (95,5 ha); Khu du lịch sinh thái Delverton; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bàu Trắng - Hòn Hồng; Khu du lịch sinh thái Hồng Quang - Phan Thiết (91,2 ha).
Huyện Tuy Phong có 5 dự án hơn 38 ha gồm: Khu nghỉ dưỡng Cà Ná (2,9 ha); Khu tổ hợp khách sạn cao cấp Utisys (4,5 ha); Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Lòng Sông (28,6 ha); Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Châu Lê (1,9 ha); Khu du lịch Hải Yến (2,2 ha).
Tổng diện tích đất của 43 dự án trên là gần 645 ha. Mục đích sử dụng đất của các dự án này là thương mại dịch vụ, đất ở và thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, rừng sản xuất và thương mại dịch vụ, trồng rừng phòng hộ kết hợp với kinh tế. Trong đó, phần lớn là các dự án thương mại dịch vụ. Nổi cộm có những dự án đã cấp phép từ 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa xong, chậm tiến độ.
Trong đó, dự án King Sea Phan Thiết tại xã Tiến Thành, Tp.Phan Thiết do Công ty TNHH Đại Thanh Quang làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư chứng nhận lần đầu ngày 30/11/2010 với diện tích khoảng 86 ha. Ngày 06/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang, thay thế cho Giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận lần đầu ngày 30/11/2010.
Theo đó, dự án King Sea Phan Thiết chỉ còn 55,4ha. Trong đó có 49,3 ha đất thuê trả tiền hàng năm tại Quyết định số 672/QĐ-UBBT ngày 24/3/2005. Số diện tích đất còn lại bao gồm đất song suối, một phần đất rừng phòng hộ với diện tích 12.198m2 và rất nhiều diện tích đất của dân chồng lấn trong dự án mà chưa được thương lượng, đền bù theo giá thị trường.
Theo chủ trương trên, thì trong năm 2018, Công ty TNHH Đại Thanh Quang phải triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động khách sạn, căn hộ du lịch cao tầng; năm 2019 đưa vào hoạt động khối biệt thự liên kết, biệt thực độc lập…và năm 2021 phải hoàn thành đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh.
Thế nhưng, năm 2018, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận kiểm tra việc sử dụng đất của dự án này vẫn chỉ là cây keo lá tràm, cây điều và một vài công trình xây dựng phần thô. Dự án King Sea Phan Thiết đã bị kết luận chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, thuộc diện phải thu hồi.
Ngoài ra, theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận thì toàn bộ diện tích dự án Kinh Sea Phan Thiết nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/5/2014.
Theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013 về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau:
Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899