EVFTA: Cơ hội tuột khỏi tay nếu thiếu sự chuẩn bị

30/06/2019, 12:10

TCDN -

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế. Việc đầu tiên cần làm là nâng cao nhận thức về cơ hội mà EVFTA mang lại đối với từng ngành cụ thể để doanh nghiệp sớm thích ứng với quy định khắt khe từ châu Âu; tiếp đến là tìm các “kênh" kết nối với khách hàng trong khối này sau khi hiệp định được kí kết.

Quy tắc xuất xứ đang là rào cản để doanh nghiệp hưởng lợi từ EVFTA - Ảnh minh họa: Quốc Hùng.

Cơ hội phá rào 2%

Đón nhận thông tin Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam châu Âu (EVFTA) được ký vào ngày 30-6, ông Nguyễn Quang Thái, Tiến sĩ khoa học, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho hay, việc Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với một cộng đồng kinh tế lớn mạnh như vậy sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn.

Hiện nay, EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này trung bình chiếm khoảng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tăng trưởng bình quân xuất khẩu sang EU khoảng 13-15%, có những năm lên tới 25%. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 42,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 11% so với năm trước, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Việt Nam, thay vì xuất khẩu các sản phẩm nông sản thô, đã dịch chuyển dần sang các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng sang thị trường này, đặc biệt sau sự đổ bộ của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2018, EU nhập khẩu 13,12 tỉ đô la Mỹ điện thoại từ Việt Nam, chiếm ⅓ tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, theo phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam còn chiếm lợi thế áp đảo trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, cà phê, điều, thuỷ sản, và chế biến gỗ. Dù vậy, Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 2% tổng giá trị hàng hóa EU nhập khẩu hàng năm.

“Đây sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh tại thị trường này", ông Thái nói. Không chỉ thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc loại bỏ thuế quan, EVFTA còn giúp Việt Nam tăng cường cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư thông qua các tiêu chuẩn cao về lao động, thúc đẩy khu vực tư nhân, sở hữu trí tuệ…

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay, Việt Nam mới chỉ thâm nhập được 5 thị trường gỗ nội thất của EU với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm còn khiêm tốn, khoảng 785 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, với EVFTA, cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận 28 quốc gia thành viên, từ đó giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.

“Thời gian qua, rất nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary... đã tiếp cận và mua hàng của chúng tôi", ông Quyền nói.

Không chỉ vậy, EU hiện nay có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, chiếm khoảng ⅙ tổng diện tích rừng trồng thế giới với chất lượng tốt, đảm bảo 100% tính hợp pháp. EU cũng sản xuất thiết bị máy móc chế biến gỗ hiện đại. Nhập khẩu máy móc đầu vào tại khu vực này sẽ làm giảm tình trạng nhập siêu máy móc thiết bị từ Trung Quốc, Đài Loan…

Để cơ hội không tuột khỏi tay

Đón nhận thông tin này, ông Trần Việt Tiến, giám đốc một doanh nghiệp chế biến gỗ, đồng thời là thành viên trong ban điều hành Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho hay, hiệp định sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp trong ngành đa dạng thị trường. Hiện nay, Mỹ là thị trường nhập khẩu gỗ nội thất lớn nhất của Việt Nam, song việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ có thể tạo ra cú sốc lớn khi chính sách của quốc gia này thay đổi.

Hơn nữa, dưới tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, kết hợp với việc EVFTA có hiệu lực sẽ càng thúc đẩy đơn hàng chế biến gỗ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Dù vậy, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn cao tại châu Âu, một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Ví dụ, chương về quy tắc xuất xứ của hiệp định yêu cầu chỉ hàng hóa có xuất xứ từ một trong các quốc gia ký kết thỏa thuận thương mại này mới có thể được hưởng lợi ích từ hiệp định. Quy định này sẽ buộc sản phẩm, hàng hoá phải được sản xuất và mang lại giá trị gia tăng trong nội khối.

“Chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những bước chuẩn bị cần thiết", ông Nicolas Audier nói.

Song, quan sát của ông Tiến cho thấy, doanh nghiệp chưa thực sự nắm rõ được những quy định cụ thể trong hiệp định.

“Cần có những hội thảo chuyên đề cung cấp kiến thức chuyên sâu, phân tích tác động đến doanh nghiệp. Nếu chỉ đưa thông tin chung chung sẽ không giúp ích gì nhiều cho doanh nghiệp, vốn yếu về kiến thức vĩ mô lẫn tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh quốc tế", ông Tiến nói.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng đã kiến nghị tới lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, sớm ban hành hướng dẫn hiệp định này, trên cơ sở đó, hiệp hội có cơ sở tập huấn, giúp đỡ doanh nghiệp hội viên chuẩn bị.

Cùng chung quan điểm, người đứng đầu Eurocham cho rằng, trước tiên, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu về cơ hội mà EVFTA mang lại trong từng lĩnh vực, ngành nghề và lựa chọn phương thức tốt nhất để điều chỉnh mô hình, sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn mà EU đưa ra.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên ngay lập tức tìm kênh kết nối với doanh nghiệp và đối tác châu Âu để tiếp cận tốt hơn với thị trường và người tiêu dùng tại khu vực này.

Dù có cái nhìn lạc quan, ông Nguyễn Quang Thái cũng phải thừa nhận, nhược điểm của phần lớn các doanh nghiệp trong nước là “nước tới chân mới chạy, nếu không quá sốt ruột thì cứ từ từ tiến".

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có từng được hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Năm 2018, chỉ 39% kim ngạch xuất khẩu qua các thị trường có FTA, tận dụng được ưu đãi thuế quan. Hơn một nửa các lợi ích thuế quan kỳ vọng từ FTA vẫn tuột khỏi tay doanh nghiệp nội, theo số liệu từ Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thậm chí, theo ông Thái, việc thiếu sự chuẩn bị từ bên trong, cộng với tác động từ yếu tố bên ngoài đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, chỉ 1 năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Để tránh lặp lại tình trạng này, theo ông Thái, các doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt, tăng tính cạnh tranh, tự mình phải chuyển đổi để đón đầu giai đoạn chuyển biến mới. Ngay cả trong trường hợp các nước tăng cường bảo hộ, nếu doanh nghiệp tạo ra được sự khác biệt, lợi thế so sánh thì các nước cũng khó có thể từ chối sản phẩm của mình.

Theo thesaigontimes.vn

Bạn đang đọc bài viết EVFTA: Cơ hội tuột khỏi tay nếu thiếu sự chuẩn bị tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận