Gạo xuất khẩu sang EU cần lưu ý gì?

18/08/2020, 13:14

TCDN - Mỗi năm Việt Nam sẽ có 80.000 tấn gạo được xuất sang EU, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Theo Ủy ban Châu Âu (EC), khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 80.000 tấn gạo được xuất sang EU, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, gạo xay xát và gạo thơm là 30.000 tấn.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, cam kết này là cơ hội "vàng" để gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Âu cũng như các thị trường lân cận.

Hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam dành được lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan. (Ảnh minh họa)

Hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam dành được lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan. (Ảnh minh họa)

Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được các cơ quan chức năng trong nước phân bổ lượng hạn ngạch này để xuất khẩu, hưởng thuế ưu đãi vào thị trường EU, nhưng với 80.000 tấn gạo theo EVFTA, quy trình để cấp phát hạn ngạch sẽ theo một cách khác.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), về thực thi hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo này, Việt Nam không phân bổ hạn ngạch gạo mà EU sẽ phân bổ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhập khẩu phía họ. Những doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang EU cần liên hệ với doanh nghiệp EU được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán, nhằm tận dụng hết số hạn ngạch gạo trên.

Bộ Công Thương lưu ý, EC quy định các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Quy định xác nhận chủng loại gạo chỉ áp dụng với hạn ngạch miễn thuế, chứ không phải tất cả gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU không có nhu cầu tham gia trong hạn ngạch miễn giảm thuế quan thì không cần có chứng nhận này và sẽ phải chịu mức thuế theo quy định.

Để đáp ứng yêu cầu của EC đối với xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về các thủ tục hành chính cho xuất khẩu gạo sang EU được hưởng hạn ngạch thuế quan.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU khá khiêm tốn. Năm 2019, nước ta xuất khẩu khoảng 20.000 tấn, trị giá đạt 10,7 triệu USD sang thị trường này. Trong khi đó, mức tiêu thụ gạo trung bình của EU trong khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Theo các chuyên gia, gạo Việt muốn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào EU phải tuân thủ quy định của Ủy ban châu Âu về việc mở và tiếp nhận hạn ngạch thuế quan cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là để xuất khẩu gạo sang EU phải có giấy chứng nhận xuất xứ hoặc là tự chứng nhận xuất xứ của Việt Nam, đăng ký của Việt Nam, sau đó phải có kèm theo các giấy kiểm dịch.

Bên cạnh đó, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, đối với gạo thơm, thị trường châu Âu yêu cầu phải có thêm xác nhận của nước ta. Do đó, quy trình xuất khẩu mặt hàng này sẽ phát sinh thêm một thủ tục hành chính. Trong khi đó, thủ tục hành chính thì phải quy định ở mức nghị định. Được biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành nghị định này.

"Thị trường châu Âu có yêu cầu cao bậc nhất thế giới về hàng nhập khẩu, nhất là lương thực, thực phẩm nên thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta để bước chân vào thị trường này là rất lớn. Sản phẩm gạo buộc phải đáp ứng các vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường,…", đại diện Cục Xuất nhập khẩu phân tích.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Gạo xuất khẩu sang EU cần lưu ý gì? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan