Giá lợn hơi xuống đáy, giá thịt lợn siêu thị cao vút: Ai đang "ăn dày"?

26/04/2017, 09:13

TCDN - Có một nghịch lý là trong khi giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp nhất thế giới nhưng tại siêu thị, chợ giá thịt lợn vẫn ở mức cao.

Như tại Fivimart, giá nạc thăn ở mức 105.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 98.000 đồng/kg; thịt chân giò 97.000 đồng/kg, thịt nạc vai 98.000 đồng/kg. Tại Vinmart+, giá thịt lợn cũng từ 110-128.000 đồng/kg các loại thịt thăn, sườn, ba chỉ, nạc vai.

Khảo sát một số chợ Hà Nội, thịt ba chỉ, mông, vai vẫn ở mức 85.000- 90.000 đồng/kg; thịt thăn từ 90.000- 95.000 đồng/kg; sườn 90.000- 100.000 đồng/kg....trong khi giá thịt lợn hơi đang ở mức 25.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ hơn 20.000 đồng.

Trước bối cảnh giá thịt lợn hơi đang ở mức thấp kỷ lục, người chăn nuôi điêu đứng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường ra lời kêu gọi các doanh nghiệp hãy tăng cường thu mua lợn hơi, giết mổ, cấp đông, đồng thời giảm tối đa giá đầu vào từ con giống, thức ăn, thuốc thú y… để chia sẻ cùng người chăn nuôi lúc khó khăn này.Theo người bán, giá lợn móc hàm nhập về vẫn không giảm nhiều nên họ không thể giảm giá bán.

Các doanh nghiệp lớn như CP, Dabaco đã tuyên bố sẽ giảm giá thức ăn chăn nuôi khoảng 5-7%, hỗ trợ heo giống, thuốc thú y, kỹ thuật.

Trong khi đó, dường như các siêu thị, kênh phân phối vẫn “một mình một chợ”.

ÔngVõ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội là đơn vị thu mua, phân phối thịt lợn cho các siêu thị tại Hà Nội như Fivimart, Saigon Co.op mart, BigC, và các cửa hàng thực phẩm, cho biết, siêu thị cũng có cái khó. Vì kinh doanh thực phẩm nên độ rủi ro cao, nhập 10kg thịt nhưng chỉ bán được 5kg thì phải hủy số còn lại nên chi phí sẽ cao hơn.

“Kinh doanh thực phẩm tươi sống rủi ro nếu hàng bán ế, rất mong mọi người có thể hiểu và thông cảm nếu không sẽ hiểu sai lệch về sự chia sẻ”, ông nói.

Ông Dũng cho hay, 100kg lợn hơi chỉ được 75kg móc hàm, nhưng trong đó, các phụ phẩm như xương, mỡ giảm sâu chỉ còn 10.000 đồng/kg, lòng 3.000 đồng/kg, nên các tiểu phần còn lại phải gánh.

“Một con lợn ra có cả chục tiểu phần, không phải phần nào cũng bán được 100.000 đồng, có phần chỉ 2.000- 7.000 đồng nên các phần khác phải gánh”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết, ngay ngày hôm nay, công ty đã thông báo giảm giá 10% thịt lợn cung cấp cho các siêu thị.

“Quy luật thị trường, nếu ông không giảm giá, không phù hợp sẽ bị loại thải. Khi có doanh nghiệp giảm giá sẽ là động thái để các doanh nghiệp giảm giá theo. Các siêu thị cũng phải cạnh tranh với nhau, không thể một mình một chợ”, ông Dũng cho biết.

Không tiết lộ cụ thể giá bán cho siêu thị, ông cho rằng giá bán của công ty với siêu thị đang ở mức “vừa phải”. “Chúng tôi bán ra cho siêu thị 1 thì họ bán ra 1,1 hay 1,2 là do siêu thị quyết định”, ông nói.

Lý giải nguyên nhân vì sao giá thịt trong siêu thị không giảm trong khi giá lợn hơi xuống thấp, phụ trách kinh doanh thực phẩm của Tập đoàn lớn cho biết, thịt tươi có hai phần: pha lóc và phần phụ phẩm không bán được trong siêu thị như đầu, lòng, chân, xương... Khi giá lợn hơi xuống thấp, phụ phẩm sẽ xuống rất thấp nên phần chính phẩm không giảm được nhiều, nếu giảm tiếp sẽ lỗ.

Ông thừa nhận, tỷ lệ giảm ở các siêu thị không tương xứng so với giá lợn hơi vì lý do trên, nhưng tại chợ, giá thịt đã giảm mạnh.

“Ở thị trường khách mua buôn, tỷ lệ móc hàm được tính bằng: giá heo hơi nhân với tỷ lệ thu hồi 80%, cộng chi phí vận chuyển, kiểm dịch, giết mổ, tỷ lệ hao hụt, nhân công. Mình cũng chịu lỗ cùng người chăn nuôi, giảm giá cho người tiêu dùng”, vị này cho hay.

Theo ông, một siêu thị lớn chỉ bán được khoảng 20 con heo/ngày nhưng ở một chợ bình thường có thể bán hàng trăm con. Chính vì thế việc tiêu thụ tại kênh truyền thống vẫn là chính.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng cho rằng, thực tế, lợn thịt có giảm nhưng không tương xứng với mức giảm giá lợn hơi.

Theo ông Tuấn, quy mô giết mổ nhỏ lẻ nhiều, qua nhiều khâu trung gian, chợ nhỏ lẻ, tiểu thương nhỏ lẻ, cạnh tranh hạn chế nên ảnh hưởng đến giá bán.

“Một số tỉnh bà con chăn nuôi đã tìm giải pháp bằng cách chung nhau giết mổ lợn, nhờ bạn bè, người thân hỗ trợ đầu ra, điều đó rất tốt. Ngay cạnh thị trường Hà Nội, các thị trường Hưng Yên, lân cận các giải pháp này đang được thực hiện, đây cũng là giải pháp sẽ tạo sức ép cho giết mổ, thương lái phải giảm giá, hi vọng trong thời gian tới sẽ lan tỏa”, ông Tuấn cho hay.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho rằng, lợn hơi xuống đáy nhưng kênh giết mổ bán thịt trên thị trường không giảm là điều bất hợp lý. Bộ Công Thương phải có trách nhiệm tổ chức thị trường trong nước.

Tại cuộc họp tìm giải pháp ổn định, phát triển ngành chăn nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Lịch đề xuất, Bộ NN&PTNT cần kiến nghị Chính phủ để chỉ đạo Bộ Công Thương phát triển thị trường; Đồng thời xúc tiến thương mại sang các thị trường xung quanh như Nhật Bản, Trung Quốc, Brunay, Singapore.

“Các thị trường này đều nhập khẩu thịt lợn nhưng chúng ta chưa vào được những thị trường này. Nếu chỉ có thị trường trong nước sẽ dư thừa”, ông nói.
Theo Infonet

Bạn đang đọc bài viết Giá lợn hơi xuống đáy, giá thịt lợn siêu thị cao vút: Ai đang "ăn dày"? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận