Giải pháp phát triển mô hình liên kết chuỗi cung ứng ngành du lịch

23/05/2019, 04:54

TCDN - Ngành Du lịch đã và đang tồn tại các mối liên kết giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng để hình thành một sản phẩm du lịch tổng hợp cung cấp cho du khách. Tuy nhiên, hiện nay ngành này vẫn thiếu các mô hình liên kết tốt, hiệu quả, có sự định hướng của Nhà nước, tạo ra giá trị và sức cạnh tranh cao hơn của sản phẩm.



Thực trạng

Thực trạng phát triển du lịch hiện nay ở Việt Nam cho thấy đã và đang tồn tại các mối liên kết giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng du lịch để hình thành một sản phẩm du lịch tổng hợp cung cấp cho khách du lịch. Một số hình thức liên kết đã được phát huy, ví dụ như: Liên kết theo tổ chức quản lý (cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, liên doanh với nước ngoài). Mối liên kết này được thể hiện thông qua các hoạt động quản lý, triển khai, giám sát thực hiện các qui định pháp luật, thỏa thuận trong hoạt động kinh doanh du lịch. Cụ thể: đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch (sửa đổi). Chính phủ cũng thông qua hai chính sách về thị thực đối với người nước ngoài là thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Liên kết theo hành lang phát triển (giữa các địa phương trong một khu vực hoặc hành lang phát triển). Trong thời gian qua liên kết khu vực giữa các địa phương được hình thành một cách tự phát dưới hình thức tạo ra các chương trình du lịch đặc thù. Ví dụ như: Du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã từng bước hướng đến sự liên kết chuyên nghiệp. Nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng chiến lược cùng xúc tiến như “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam - Hành trình di sản”; “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương - một điểm đển”. Sự hợp tác liên kết giữa 3 địa phương chính là đã đưa thương hiệu Du lịch miền Trung đến với du khách trong và ngoài nước như là điểm đến lý tưởng của Việt Nam, từ đó góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo thêm công ăn việc làm và ngân sách cho các địa phương...

Liên kết dọc (từ trung ương đến địa phương và cộng đồng dân cư tại điểm đến du lịch). Các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý du lịch duy trì mối liên kết dọc từ trung ương đến địa phương để cung cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch, cũng như chỉ đạo điều hành phát triển du lịch theo chiến lược và định hướng chung. Về quản lý Nhà nước, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan trung ương có chức năng tham mưu giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về du lịch trong phạm vi cả nước. Ở địa phương chức năng này thuộc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Sở Du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch lớn cũng hình thành các văn phòng đại diện tại địa phương để triển khai các hoạt động liên kết tại địa phương trong điều hành kinh doanh du lịch...

Liên kết theo ngành nghề kinh doanh (lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách, bao gồm cả vận chuyển bằng đường không). Hình thức liên kết này chủ yếu được thực hiện qua việc các doanh nghiệp du lịch theo từng ngành nghề kinh doanh ký kết hợp đồng phục vụ khách du lịch trong một chương trình du lịch.

Trong chuỗi cung ứng du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò là cầu nối giữa cung và cầu trong hoạt động du lịch. Tại Việt Nam trong thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành chính là các đơn vị đi đầu trong việc thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu đi du lịch trong nước của hàng chục triệu lượt người dân trong cả nước. Các hãng lữ hành tổ chức các chương trình du lịch trọn gói (tour) để cung cấp cho khách du lịch. Các tour thường được coi là sản phẩm du lịch cụ thể, trong đó đã bao gồm các dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi du lịch của mọi người.

Như vậy, khi xây dựng các tour, các hãng lữ hành đã phải liên kết chặt chẽ với các cơ sở lưu trú du lịch, các hãng vận chuyển du lịch (kể cả hàng không) và các doanh nghiệp dịch vụ khác trên cơ sở hợp đồng kinh doanh. Khi một tour được thực hiện thì trong đó đã có sự tham gia của của nhiều doanh nghiệp với các ngành nghề khác nhau. Trước đây trong mối liên kết này, các doanh nghiệp lữ hành thường nắm vai trò chính trong việc phân phối khách và phân chia lợi ích cho các doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay xu hướng khách du lịch tự sắp xếp cho chuyến đi của mình không thông qua các hãng lữ hành hoặc mua chương trình tour ngày càng gia tăng. Với xu hướng này, vai trò của các doanh nghiệp lữ hành ngày càng hạn chế trong chuỗi giá trị du lịch.

Trong chuỗi cung ứng du lịch, vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, lưu trú ngày càng tăng trong mối liên kết kinh doanh du lịch. Hầu hết các khách sạn đều đã thiết lập hệ thống tiếp thị trực tiếp tới khách du lịch, giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành thông qua các kênh quảng bá, đặt chỗ trên mạng Internet. Các khách sạn đã chủ động tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch, chú trọng tới các đối tượng khách thường xuyên. Trong mối liên kết giữa các ngành nghề kinh doanh, vận chuyển hàng không hiện đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phục vụ khách du lịch tại Việt Nam. Trong tổng số khách quốc tế đến Việt nam với mục đích du lịch thì 70 - 80% đi bằng đường hàng không. Do vậy, khách du lịch đóng vai trò then chốt đối với việc lập kế hoạch và đưa ra quyết định khai thác của Hãng hàng không Việt Nam. Thực tiễn cho thấy các thị trường nguồn của ngành Du lịch đồng thời cũng là thị trường trọng điểm của ngành Hàng không Việt Nam...

Theo tiến trình phát triển, trong những năm qua sự liên kết giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng du lịch đã được hình thành trên cơ sở hướng tới đạt được các lợi ích chung và phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo ra khả năng cạnh tranh cao hơn cho sản phẩm du lịch Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay Du lịch Việt Nam vẫn thiếu các mô hình liên kết tốt, hiệu quả, có sự định hướng của Nhà nước, tạo ra giá trị và sức cạnh tranh cao hơn của sản phẩm. Chính vì vậy, mặc dù sản phẩm du lịch hiện nay đang phát triển một cách ồ ạt nhưng phần lớn trùng lặp và nghèo nàn về nội dung.

Một số giải pháp

Mỗi vùng có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách.

Cần liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của các vùng trong cùng một dòng sản phẩm. Hiện tại, du lịch tìm hiểu văn hóa được du khách nhiều thị trường ưa chuộng và có khả năng hình thành nhiều sản phẩm du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa miền biển, miền núi.

Tiếp theo, du lịch nghỉ dưỡng cần hướng tới kết hợp giữa nghỉ dưỡng biển và nghỉ dưỡng núi. Tương tự, loại hình du lịch sinh thái nếu xem xét việc kết hợp giữa khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ sẽ tạo được sản phẩm hấp dẫn.

Du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng có thể khai thác ở mọi vùng. Đến nay, có thể đưa du lịch đô thị vào danh mục để thu hút du khách. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết các sản phẩm trong các dòng sản phẩm giữa các vùng để tạo ra bộ sản phẩm du lịch tổng hợp, đáp ứng yếu tố phong phú cho một chuyến đi.

Kết nối sản phẩm du lịch ở địa phương có hoạt động du lịch sôi nổi, có sản phẩm đã phát triển lâu dài với những sản phẩm du lịch ở các địa phương mới khai thác du lịch. Qua đó, thúc đẩy các địa phương mới phát triển, mặt khác sẽ kéo dài vòng đời sản phẩm, tạo ra cái mới liên tục cho hệ thống sản phẩm du lịch.

Để triển khai các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm, loại hình du lịch giữa các tỉnh thành với nhau cần đẩy mạnh khâu tổ chức quản lý. Đây là giải pháp đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần phát huy vai trò của ban điều phối phát triển du lịch các vùng du lịch.

Đối với các địa phương, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư với việc triển khai, quản lý tốt việc thực hiện quy hoạch du lịch, cải cách thủ tục hành chính, cần khai thác gắn chặt với bảo về tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên bằng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý.

Đồng thời, cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh, môi trường; có biện pháp xử lý hành vi làm mất vệ sinh công cộng, gây ô nhiễm môi trường đối với cả người dân lẫn du khách.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên về vai trò, vị trí của du lịch, về sự tác động tích cực của du lịch đến đời sống dân cư và sự tác động tiêu cực từ các hành vi chưa đúng, chưa tốt của dân cư đến hoạt động du lịch. Từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống các hành vi nâng giá, “chặt chém”, lừa gạt du khách.

ThS. Lý Thành Tiến - Tạp chí TCDN số 5/2019

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển mô hình liên kết chuỗi cung ứng ngành du lịch tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

x