Hỗ trợ kinh doanh toàn diện và phát triển thị trường cho doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tre luồng

09/07/2019, 05:14

TCDN - Đây là chủ đề chính của Hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh doanh toàn diện và các giải pháp phát triển thị trường trong chuỗi giá trị tre luồng Nghệ An” do Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9/7.


Hoạt động năm trong khôn khổ dự án bốn năm “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (2018 – 2022). Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở nông thôn Việt Nam thông qua việc tạo điều kiện cho việc áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn bền vững của các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất, trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và làm việc với các liên minh công - tư để quản trị chuỗi giá trị tốt.

Hội thảo giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề sản xuất các sản phẩm ngành tre nhận thức rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin chính là chìa khóa và cơ hội cho các DN phát triển, mở rộng thị trường. Đồng thời, giúp các DN nắm bắt được xu hướng thị trường, từ đó cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tăng cường liên kết, chia sẻ giữa các bên về ứng dụng công nghệ thông tin cũng như xu hướng của thị trường giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản suất và năng lực cạnh tranh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, VCCI cùng dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” cam kết đồng hành và hỗ trợ các đơn vị tham gia vào mô hình kinh doanh toàn diện và chuỗi cung ứng có trách nhiệm thông qua các chương trình phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường. Sau chương trình ngày hôm nay, dự án mong muốn có sự liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương và các tổ nhóm sản xuất tre luồng trên địa bàn huyện Quỳ Châu, các HTX, làng nghề tại các huyện, nhận được các đề xuất hỗ trợ cụ thể của các đơn vị về các nội dung liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật trong nâng cao hiệu quả sản xuất, tập huấn nâng cao tay nghề và kỹ năng tiếp thị sản phẩm, tham gia các triển lãm, học tập khảo sát kinh nghiệm các mô hình hợp tác kinh doanh trên địa bàn cả nước.


Hiện Nghệ An có 38 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề sản xuất các sản phẩm ngành tre. Trong đó, có một số doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Đức Phong; HTX mây tre đan xuất khẩu Thái Sơn; HTX mây tre đan xuất khẩu Phong Anh… đang xuất khẩu sang một số thị trường quy mô lớn như: EU, Hàn Quốc, Canada, Mỹ... Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam, triển vọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp qua đó cũng được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan, trong đó có sản phẩm tre Việt Nam, một trong những sản phẩm truyền thống của người Việt.

Tuy nhiên, việc sản xuất sản phẩm từ cây tre hiện cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: rào cản kỹ thuật, hạn chế trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường, vướng mắc trong việc quản trị tài chính, nhân lực trong chuỗi giá trị của người sản xuất quy mô nhỏ, khó khăn trong việc mở rộng phát triển vùng nguyên liệu... Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành tre cần thiết được cập nhật và hỗ trợ các phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin cũng như xu hướng của thị trường nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường bán hàng.

PV

Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ kinh doanh toàn diện và phát triển thị trường cho doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tre luồng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận