Họp báo giới thiệu Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản
TCDN -
Cả hai triển lãm sẽ diễn ra đồng thời từ ngày 14-16/8.2019, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội với sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ 16 quốc gia cùng hơn 200 công nghệ và máy móc tiên tiến.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phan Ngân, giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã và đang thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, mở rộng xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường.
Ngoài ra với những bước tiến trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư nước ngoài, Việt Nam chính là “miền đất hứa”, thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất. Ước tính có hơn 10.000 công ty nước ngoài – bao gồm cả các công ty lớn trên toàn cầu như Samsung, Intel và IG – hoạt động tại Việt Nam hiện nay với xu hướng ngày càng phát triển và tăng cường sản lượng, mở rộng hoạt động.
Để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực Đông Nam Á, các công ty trong ngành công nghiệp cần cùng nhau nỗ lực phát triển mạng lưới đối tác, phân phối kinh doanh, đồng thời thúc đẩy đưa các ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng, tạo nên sự bao phủ và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, triển lãm chính là cơ hội để kết nối với các nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ trong nước, giúp tìm hiểu nhau cầu xuất khẩu cũng như xu hướng sử dụng các linh kiện công nghiệp. Việc tổ chức Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản. Đây cũng là hoạt động tiền đề cho sự kiện Triển lãm Quốc tế Công nghệ Chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019) – Triển lãm quốc tế về máy móc và công nghệ cho ngành Công nghiệp Chế tạo và Công nghiệp hỗ trợ.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhấn mạnh, theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1-2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đnag đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng "muốn mở rộng hoạt động kinh doanh". Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu.
Tuy nhiên, một trong số những khó khăn là "tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp", chỉ có 36,3% khiến doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.
PV
email: [email protected], hotline: 086 508 6899