Huy động nguồn lực phát triển tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn: Khó chồng khó

18/05/2023, 15:02
báo nói -

TCDN - Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xem là nguồn lực tài chính quan trọng để đầu tư phát triển một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn 3 tháng đầu năm 2023 hầu như không chuyển biến.

2-1

Cổ phần hóa vẫn "dậm chân tại chỗ"

Nguồn lực tài chính để củng cố, đầu tư phát triển một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, giữ vai trò dẫn đắt được xác định gồm: thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (hiện đang nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp); lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giữ lại; một phần dự trữ ngoại hối; vốn huy động và các nguồn vốn khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, trong năm 2022, chỉ ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Về thoái vốn, 3 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn tại 4 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách là 41,2 tỷ đồng, thu về 168,4 tỷ đồng. Cụ thể: SCIC thoái vốn tại 3 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 6,8 tỷ đồng, thu về 33,6 tỷ đồng. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng, với giá trị sổ sách 34,4 tỷ đồng, thu về 134,8 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, ghi nhận thoái vốn nhà nước tại 01 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 195 tỷ đồng thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 31 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhấn mạnh, việc đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn gặp một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, về phân phối lợi nhuận: Điều 34, Luật 69/2014/QH13 về nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế quy định, DNNN chỉ được trích Quỹ Đầu tư phát triển tối đa 30% lợi nhuận sau thuế. Phần lớn (hơn 70%) lợi nhuận sau thuế của các DNNN được nộp về Ngân sách nhà nước, toàn bộ tiền thu từ thoái vốn các doanh nghiệp lớn thuộc Thông báo số 281/TB-VPCP được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP mới ban hành, SCIC còn có trách nhiệm nộp khoản chênh lệch giữa mức vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Với cơ chế phân phối lợi nhuận như trên, sẽ rất khó khăn cho DNNN nói chung và SCIC nói riêng trong việc tích lũy đủ nguồn lực để chuẩn bị triển khai các hoạt động đầu tư phát triển.

Về đầu tư bổ sung nguồn lực, theo Luật 69/2014/QH13, Luật Ngân sách nhà nước hiện nay, nhiều lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng được Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm vốn. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp TW đang được kết chuyển về ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, thực tế phát sinh nhiều trường hợp DNNN cần bổ sung vốn để mở rộng quy mô hoặc ứng phó với tình hình khẩn cấp ngoài kế hoạch (như dịch Covid vừa qua) sẽ không có nguồn vốn để đầu tư. Ví dụ điển hình như trường hợp Vietnam Airlines, hay một số Ngân hàng TMCP nhà nước vừa qua trong việc tăng được vốn điều lệ.

Liên quan đến cơ chế tài chính trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ, ông Nguyễn Chí Thành cho biết, theo quy định tại các Nghị định và Thông tư hướng dẫn về cơ chế tài chính trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp; doanh nghiệp được trích từ 3% - 10% thu nhập tính thuế để trích lập Quỹ. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, với cơ chế tài chính đối với DNNN hiện hành, việc chi sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của các tập đoàn, tổng công ty gặp nhiều khó khăn vướng mắc, hầu như không thể giải ngân. Điều này dẫn đến, một nguồn lực sẵn có, khá lớn của DNNN và Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chưa được huy động, đầu tư vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Để huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính vào phát triển DNNN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn có vai trò dẫn dắt nền kinh tế, Bộ Tài chính cho biết, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp. Trong đó, việc rà soát, nghiên cứu về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ Tài chính liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước mắt, đối với các nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.

Về tổ chức triển khai thực hiện, yêu cầu cần thiết là các bộ, ngành, địa phương, DNNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá.

Đồng thời, cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý tiến độ kê khai, báo cáo, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tổ chức xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, vấn đề cấp thiết nhất vẫn là hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động của DNNN, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 theo hướng tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác, hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

Trong thời gian chưa hoàn thành sửa Luật số 69/2014/QH13, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù cho một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn theo hướng, cần có quy định về nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư tính theo tổng thể toàn bộ danh mục vốn đầu tư/vốn quản lý/vốn chủ sở hữu được giao (không phải theo từng khoản đầu tư). Đối với các khoản đầu tư theo chỉ định của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội (như trường hợp SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines), cần có quy định về cơ chế hạch toán riêng, không áp dụng nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn... khi thực hiện đầu tư.

Về cơ chế phân phối lợi nhuận, không quy định “cứng” tỷ lệ lợi nhuận sau thuế mà DNNN nộp ngân sách nhà nước, chỉ quy định nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế, hàng năm cơ quan đại diện chủ sở hữu cứ vào nhu cầu vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp (nếu có dự án đầu tư hiệu quả) sẽ quyết định tỷ lệ phân phối lợi nhuận sau thuế.

Việc thoái các khoản đầu tư mới, cần bổ sung quy định điều chỉnh việc bán vốn đối với các khoản đầu tư mới của DNNN để phù hợp với thực tế, cho phép DNNN tự xác định giá khởi điểm bán cổ phần và thực hiện bán vốn theo phương thức giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Đối với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, cần nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ nhiệm đầu tư, tài trợ cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Ngoài ra, cần tăng cường phân cấp giao quyền cho Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty tập đoàn, tổng công ty được quyền quyết định các nội dung: Tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển của doanh nghiệp trên cơ sở chiến lược, kế hoạch được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt; Dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá 5.000 tỷ đồng để tăng cường tính chủ động cho doanh nghiệp; Dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá 5.000 tỷ đồng.

Phương Chi/Tạp chí in số tháng 5/2023
Bạn đang đọc bài viết Huy động nguồn lực phát triển tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn: Khó chồng khó tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận