Khó khăn tại loạt dự án giao thông trọng điểm có vốn đầu tư lớn
TCDN - Nhiều dự án giao thông trọng điểm trong nước có mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án, cùng với đó là một số khó khăn đang là vấn đề gây “đau đầu” đối với chủ đầu tư và đơn vị thi công trong quá trình triển khai.
Hiện Việt Nam đang có nhiều dự án giao thông được rót vốn đầu tư “khủng” từ Trung ương và địa phương, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án. Tuy nhiên, tiến độ thi công và một số khó khăn khác trong quá trình triển khai dự án vẫn là vấn đề gây “đau đầu” đối với chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Dự án Vành đai 3 Tp.HCM
Ngày 15/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về việc triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp.HCM.
Theo đánh giá, đường Vành đai 3 Tp.HCM là dự án có quy mô lớn cả về độ dài lẫn nguồn vốn. Hơn nữa, dự án này sẽ tác động tới toàn bộ khu vực miền Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Đường Vành đai 3 Tp.HCM có tổng chiều dài là 92 km. Dự án do Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, đơn vị thực hiện dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long. Tuyến đường có chiều dài 92 km, trong đó, đoạn qua Tp.HCM dài 47,4 km; đoạn qua Long An dài 6,8 km; đoạn qua Bình Dương dài 26,6 km và đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 11,2 km.
Đường Vành đai 3 Tp.HCM là đường vành đai cao tốc đô thị, lòng đường bao gồm 4 làn xe cơ giới cùng hai làn hỗn hợp hai bên, vận tốc tối đa cho phép là 100km/h. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án là khoảng 75.378 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Về tiến độ, dự án được khởi công trong tháng 6/2023, tiến tới thông xe vào năm 2025 và hoàn thiện toàn bộ vào năm 2026.
Đường Vành đai 3 Tp.HCM sẽ tạo thành vòng cung bao quanh thành phố với các nút giao quan trọng, gồm: Nút giao với Quốc lộ 1A tại địa phận Tân Vạn của TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nút giao với Quốc lộ 13 tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nút giao tại Củ Chi với cao tốc Tp.HCM, Mộc Bài, nút giao với Quốc lộ 1A ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành tại địa phận Bến Lức và Nhơn Trạch và nút giao với cao tốc Long Thành – Dầu Giây tại địa phận quận 9, Tp.HCM.
Ngày 18/6/2023, hai đoạn đi qua Tp.HCM (hơn 47 km) và Đồng Nai (hơn 11 km) đã được khởi công. Ngày 29/6/2023, dự án Vành đai 3 Tp.HCM đoạn qua Bình Dương cũng đã chính thức được triển khai. Ngày 30/6/2023, dự án Vành đai 3 Tp.HCM đoạn qua tỉnh Long An là dự án cuối cùng được động thổ trong tổng dự án Vành đai 3 Tp.HCM.
Hiện tại, sau hơn 4 tháng khởi công Dự án Vành đai 3 Tp.HCM, đến nay, công tác triển khai thi công đang khá “ì ạch” khi hầu hết các gói thầu trên địa bàn Tp.HCM, Bình Dương, Long An mới đang tập kết máy móc thiết bị, thi công thử một số hạng mục cọc khoan nhồi, xử lý đất yếu...
Cụ thể, dự án tại tỉnh Đồng Nai đang chậm nhất khi mới chỉ thu hồi được 4/65ha đất (đạt 6%). Trong khi đó, 3 địa phương còn lại đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, Tp.HCM đã thu hồi 387/410ha (đạt 94%), tỉnh Long An thu hồi 50/51ha (đạt 98%), tỉnh Bình Dương thu hồi 94/129ha (đạt 73%).
Ngoài ra, dự án Vành đai 3 còn đối mặt nguy cơ thiếu cát đắp nền và cát xây dựng. Theo báo cáo từ các chủ đầu tư dự án thành phần, nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 7,2 triệu m3, cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3. Đến nay, Tp.HCM đã khảo sát nguồn vật liệu đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 cát đắp nền, khoảng 1,1 triệu m3 cát xây dựng. Tuy nhiên, theo UBND Tp.HCM, thời gian tới, các dự án cao tốc đồng loạt triển khai thì nguồn cung về vật liệu cát sẽ có nguy cơ thiếu hụt.
Để tạo điều kiện cho dự án được triển khai đúng tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, tập trung ưu tiên đẩy nhanh công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đủ mặt bằng để thi công xây dựng công trình.
Dự án Tuyến số 3, đường sắt trên cao đoạn Nhổn – Ga Hà Nội
Tuyến số 3, đường sắt trên cao đoạn Nhổn – Ga Hà Nội (tên gọi khác là Trôi - Nhổn - Hoàng Mai) là tuyến đường sắt đô thị đang được xây dựng và là một phần của hệ thống mạng lưới Đường sắt đô thị Hà Nội. Tuyến đường được chia làm 3 giai đoạn thi công.
Cụ thể, giai đoạn 1 bắt đầu từ ga Nhổn ở quận Bắc Từ Liêm và kết thúc ở ga Hà Nội tại quận Đống Đa, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5 km, trong đó, đoạn trên cao (Nhổn – Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy – Ga Hà Nội) dài 4 km, đặt tại Nhổn. Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai sẽ được đưa vào hoạt động tại Hà Nội sau tuyến số 2A (tuyến Cát Linh).
Tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng bởi Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, được Công ty Systra của Pháp tư vấn thiết kế và có sự góp mặt của nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp). Dự án bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2010.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đoạn trên cao đã đạt 99,54%, đang trong quá trình chờ nghiệm thu. Các công đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị tại 8 nhà ga trên cao của dự án đã hoàn tất. Giai đoạn 1 của dự án đang được đặt kỳ vọng sẽ đưa vào vận hành khai thác trong khoảng thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024 nếu đạt điều kiện thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, trước đó Chính Phủ đã đồng ý với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Nhổn - ga Hà Nội từ năm 2009 - 2027. Tổng đầu tư dự án hơn 34.800 tỷ đồng, đội vốn thêm hơn 1.900 tỷ đồng.
Lý giải về việc chậm tiến độ, TP Hà Nội cho biết có hàng loạt nguyên nhân. Trong đó, 4 nguyên nhân chủ quan là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với dự án chưa quyết liệt; chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công; năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan còn nhiều hạn chế và do năng lực của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (thi công gói thầu CP 05).
Ngoài ra, các nguyên nhân khách quan gồm: các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành; vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng phức tạp; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…
Về nguyên nhân khiến dự án bị đội vốn lên hơn 34.800 tỷ đồng, theo UBND TP Hà Nội, có một phần do sự biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án; do điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng; do chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí; bổ sung các công việc còn thiếu; do thay đổi chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí giải phóng mặt bằng, bảo hiểm…
Về chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, trước đó, doanh nghiệp này từng bị kiểm toán "khui" hàng loạt sai phạm và nhiều năm "né" thuế.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện chênh lệch chi phí đầu tư loạt dự án hơn 61 tỷ đồng, trong đó tính sai khối lượng hơn 10,5 tỷ đồng, áp sai đơn giá 2,5 tỷ đồng, sai khác gần 48 tỷ đồng.
Dự án Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng
Ngày 17/6/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 theo hình thức trực tuyến tại 4 tỉnh thành Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và An Giang.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Dự án này được chia làm 4 dự án thành phần, do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại TP Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Dự án chia làm 4 gói thầu xây lắp, trong đó, gói thầu số 11 - thi công xây dựng XL1, đoạn từ Km 57+200 - Km 66+800 do liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Định An - Công ty CP Cầu 14 - Công ty CP Đầu tư Xây lắp miền Nam làm chủ thầu.
Theo báo cáo, nguồn vật liệu là thách thức lớn nhất tại dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng. Dự báo, nguồn cát đắp nền đường sử dụng trong 3 năm tới là vô cùng lớn, không chỉ cho đoạn Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng mà còn cho cả dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Do vậy, nguồn vật liệu để triển khai dự án có thể sẽ không đủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, công việc tiếp theo của dự án còn rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường rất lớn (gần 30 triệu m3), các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình...
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Ngày 25/6/2023, dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô đã được tổ chức khởi công. Đây là dự án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ nhất trí giao cho thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án chung cho cả 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Dự án có chiều dài toàn tuyến là 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, đoạn đi qua Hà Nội là 56,5 km; Hưng Yên là 20,3 km; Bắc Ninh là 21,2 km.
Dự án tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Trong đó, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG: HOSE) là đại diện các nhà thầu tham gia thi công dự án. Đây là đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án, khoảng 23km của gói thầu số 09/TP2 - XL thuộc Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP Hà Nội.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó tại Hà Nội, đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).
Hiện nay, dự án này đang bị chậm tiến độ khi chỉ có dự án thành phần 2.1 (Hà Nội) đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và đang triển khai thi công; dự án thành phần 2.2 (Hưng Yên) được dự kiến khởi công trong tháng 10/2023 và dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để khởi công. Riêng dự án thành phần 3 hiện chưa triển khai.
Ngoài ra, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư triển khai còn chậm, chưa hoàn thành nên rất khó khăn trong việc di dời người dân đến nơi ở mới đề thực hiện giải phóng mặt bằng.
Báo cáo cũng cho thấy, thực tế triển khai, tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.397ha (tăng 56ha so với Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội). Chưa dừng lại ở đó, tổng mức đầu tư của dự án sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng.
Về nhà thầu Vinaconex, trước đó, trong thời kỳ thanh tra năm 2017, do kê khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp nên Vinaconex bị phạt, truy thu thuế gần 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, các công ty con của Vinaconex cũng thường xuyên bị cơ quan chức năng xử phạt về thuế lên đến hàng tỷ đồng trong các năm qua.
Ngày 12/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, Nhà nước bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho phát triển giao thông, lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư công.
Thủ tướng cũng lưu ý quá trình triển khai thực hiện các dự án phải đa dạng hóa các nguồn vốn; quan tâm giải quyết vướng mắc về cơ chế chính sách; giảm triệt để các thủ tục hành chính rườm rà, sách nhiễu; chống đùn đẩy trách nhiệm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Các địa phương phải chủ động, linh hoạt, theo thẩm quyền xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu…
Đối với nhóm các dự án chưa được duyệt cần phải đẩy nhanh tiến độ thẩm định và duyệt. Các nhóm dự án đã duyệt phải đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tránh đội vốn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899