"Không để đường sắt Cát Linh - Hà Đông về đích muộn lần thứ 9"

03/11/2020, 10:15

TCDN - Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ để đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành vào cuối năm, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ 9, không để kéo quá dài, gây bức xúc dư luận.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ thời gian dài.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ thời gian dài.

Tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội sáng ngày 3/11, vấn đề về đường sắt đô thị đã được đại biểu Quốc hội đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, Tp.HCM và Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ và phát triển bùng nổ, trở thành những siêu đô thị 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng. Dân số tăng cơ học bình quân mỗi năm khoảng 200 nghìn người, gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng cơ sở vốn đã quá tải, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hệ lụy là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân, làm thiệt hại kinh tế và là điểm nghẽn về phát triển bền vững của hai thành phố.

Tại Tp.HCM, mức thiệt hại từ ùn tắc giao thông hàng năm của thành phố vào khoảng 6 tỷ USD, tương đương 13% GRDP thành phố.

Vì vậy, theo ông Thường, việc tập trung xây dựng hệ thống đường sắt đô thị được coi như giải pháp cứu cánh, mang tính then chốt của cả hai thành phố.

Hệ thống đường sắt đô thị của cả hai thành phố đều xác định có khoảng 8 tuyến. Với Tp.HCM thì tổng chiều dài là 220km, tổng mức đầu tư 25 tỷ USD. Hà Nội là 318km với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Thường cho rằng, việc triển khai các dự án có khá nhiều vấn đề, mà mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư rất lớn, nhưng lại chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc dư luận như dự án Cát Linh - Hà Đông, dự án Bến Thành - Suối Tiên…

Đại biểu Nguyễn Phi Thường băn khoăn về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường băn khoăn về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Đại biểu Quốc hội đề cập đến 3 vấn đề của đường sắt đô thị.

Thứ nhất, về quy hoạch đô thị, giao thông đô thị và đường sắt đô thị, làm sao để dự án đường sắt đô thị gắn kết với không gian đô thị, tích hợp vào đời sống đô thị để phát huy được vai trò.

Đại biểu phân tích, đô thị của cả Tp.HCM và Hà Nội hiện nay đều không được thiết kế theo định hướng đô thị giao thông công cộng, phát triển chủ yếu theo quy luật kinh tế. Tính linh hoạt, tự do cá nhân được đặt lên trên, với mật độ đường rất thấp. Tp.HCM là 2,1km/km2 và Hà Nội là 3km/km2, rất xa so với mức lý tưởng là 10km/km2.

Cùng với đó, thiếu không gian đi bộ và có nhiều khu phát triển tự phát - đây là những mảng đặc trong đô thị mà xe cộ gần như không thể xuyên qua, và vận tải công cộng không thể tiếp cận. Vì thế, bộ ba cảnh quan nhà phố - kinh tế vỉa hè và văn hóa xe máy có thể coi là khá đặc trưng của đô thị Việt Nam.

“Cho nên, việc đầu tư xây dựng đường sắt đô thị cần gắn kết chặt chẽ với việc tái cấu trúc không gian đô thị theo mô hình TOT. TOT là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, một xu hướng tiên tiến hiện nay”, ông Thường nói.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ gỡ vướng quy hoạch, có cơ chế, chính sách để đầu tư tích hợp hệ thống đường sắt đô thị gắn với tái cấu trúc đô thị khu cũ, phát triển khu mới như đô thị vệ tinh hay đô thị hai bên sông Hồng, sông Sài Gòn, để hai siêu đô thị tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, có bản sắc.

Theo đại biểu quốc hội Nguyễn Phi Thường, vấn đề thứ hai là Việt Nam hiện chưa có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đường sắt đô thị, nên việc triển khai thực hiện nghiệm thu dự án là rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư, nước tài trợ vốn. Ngoài ra, để giảm chi phí và tăng tính chủ động, cần khẩn trương tính đến việc nội địa hóa, thực hiện chuyển giao và làm chủ công nghệ càng nhanh càng tốt.

Ông Nguyễn Phi Thường chỉ ra, các dự án đường sắt đô thị chủ yếu theo hình thức ODA và ngân sách nhà nước, tuy nhiên ODA rất khó khăn và ngân sách hạn hẹp. Vậy nên, ở tầm chính sách vĩ mô, đề nghị Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân kiểu thành phố Tokyo, để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư tuyến đường sắt đô thị và hưởng lợi từ việc phát triển không gian đô thị, khai thác quỹ đất, khu vực nhà ga và dọc các tuyến còn dư địa.

Liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, theo đại biểu quốc hội, đây là dự án được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có nhiều lần chất vấn Bộ Giao thông Vận tải.

“Tuy nhiên, còn khá nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ, Quốc hội, như các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thanh toán, nghiệm thu, an toàn hệ thống. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ 9, không để kéo quá dài, gây bức xúc dư luận”, đại biểu đề nghị.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết "Không để đường sắt Cát Linh - Hà Đông về đích muộn lần thứ 9" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị hoạt động
Hiện gần 100 nhân sự của Tổng thầu EPC (Trung Quốc) đã sang Việt Nam, đang cách ly theo dõi sức khỏe, dự kiến cuối tháng này các chuyên gia của nhà thầu tư vấn Pháp cũng sang để thực hiện chạy thử toàn hệ thống sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).