Không dễ giải ngân gói 62.000 tỷ cho người dân

28/04/2020, 10:57

TCDN - Phó chủ tịch UBND Nghệ An Bùi Đình Long cùng lãnh đạo nhiều địa phương khác cho rằng, khó xác định lao động tự do đạt tiêu chí như thế nào thì mới được nhận hỗ trợ.

Ông Huỳnh Ngọc Anh - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đăk Nông cho hay nhiều hộ kinh doanh đăng ký thuế ở tỉnh khác nên

Ông Huỳnh Ngọc Anh - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đăk Nông cho hay nhiều hộ kinh doanh đăng ký thuế ở tỉnh khác nên "khó xác định thu nhập giảm sâu. Điều này khiến địa phương "lăn tăn".

Chiều 27/4, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho hay, lao động tự do được yêu cầu chứng minh thu nhập thấp song không quy định mức nào là thấp nên chúng tôi khó giám sát.

Ngoài ra, ông An cho rằng, nhiều người như thợ sửa xe, cơ khí, lái xe taxi, buôn bán nhỏ... cũng rất khó khăn nhưng lại không nằm trong diện được hỗ trợ. Chính phủ cho phép tỉnh tự quyết hỗ trợ những người này song trên thực tế có địa phương làm, có địa phương không.

Ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND Nghệ An cũng nhận định, khó xác định lao động tự do đạt tiêu chí như thế nào thì mới được nhận hỗ trợ. Tỉnh coi đây là việc rất dễ bị trục lợi nên đã hướng dẫn cụ thể xuống các xã. Dù vậy, ông vẫn đề nghị các bộ hướng dẫn chi tiết hơn nữa. Nghệ An có gần 700.000 người cần hỗ trợ 750 tỷ đồng, việc chi trả một nửa số tiền này là rất lớn với tỉnh, Nghệ An muốn trung ương hỗ trợ thêm.

Ông Huỳnh Ngọc Anh - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đăk Nông cho hay nhiều hộ kinh doanh đăng ký thuế ở tỉnh khác nên "khó xác định thu nhập giảm sâu. Điều này khiến địa phương "lăn tăn".

Với lao động trong doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nêu người bị tạm hoãn hợp đồng, không hưởng lương muốn được hưởng trợ cấp phải có xác nhận làm việc trong doanh nghiệp không có doanh thu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất một bộ phận nhỏ nên lao động không được hưởng dù khó khăn. Thành phố kiến nghị cần hỗ trợ lao động diện này.

Ông Quý băn khoăn các lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc một tháng trở lên song doanh nghiệp chưa kịp báo dừng đóng bảo hiểm xã hội thì chưa biết có được hỗ trợ không, bởi theo quy định cơ quan bảo hiểm phải xác nhận dừng đóng bảo hiểm. Ngoài ra, những doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội song các nhà máy ở các tỉnh khác cũng gây khó xử lý cho cơ quan chức năng, chưa rõ đơn vị chi nhánh nhận hỗ trợ tại đâu.

Thống kê sơ bộ Hà Nội có trên 1,4 triệu người dân cần hỗ trợ với kinh phí trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó nhóm người nghèo, người có công là trên 414.000 người dự kiến nhận 505 tỷ đồng và 1,063 triệu lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, dự kiến sẽ nhận 3.023 tỷ đồng. Lãnh đạo Hà Nội kiến nghị trung ương hỗ trợ thêm để chi trả cho người khó khăn; đồng thời cho Chủ tịch thành phố ủy quyền phê duyệt quyết định chi trả cho cấp huyện để đẩy nhanh tiến độ.  

Trước các ý kiến trên, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, các địa phương Hà Nội và Nghệ An cần chủ động nguồn lực hiện có của địa phương để hỗ trợ người dân. Nếu địa phương khó khăn không thể bố trí vốn thì báo cáo để Bộ Tài chính trình các cấp có thẩm quyền.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau hội nghị, các bộ tiếp tục có thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền để các địa phương thực hiện. Bộ sẽ lập đường dây nóng, lập trang điện tử giải đáp chính sách. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm với Chính phủ, HĐND về việc xác định đúng đối tượng nên việc ủy quyền cấp dưới phê duyệt hay không do lãnh đạo tỉnh tự quyết.

"Nhiều người đang khao khát mong chờ, khi người ta đói thì phải hỗ trợ ngay, đây không phải tinh thần trách nhiệm mà còn là trái tim của chúng ta", ông Dung nói.

Bộ trưởng Dung nhấn mạnh: "Gói an sinh dành cho người nghèo rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn đừng để dê gà nhà đi lạc đường, đừng để ai bị kỷ luật vì đây sẽ là nỗi nhục. Các đơn vị phải kiểm tra thật kỹ để không xảy ra tiêu cực".

Bộ trưởng cũng lưu ý Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải tham gia giám sát ngay từ khâu kê khai người hưởng, sau đó giám sát từng gói theo chuyên đề. Ở doanh nghiệp, công đoàn tham gia ngay từ đầu. Ngoài ra, các địa phương cần giám sát để doanh nghiệp không tranh thủ thời cơ ngừng hợp đồng, ngừng việc gây khó khăn cho lao động để đẩy việc hỗ trợ cho Chính phủ.

Trước đó ngày 10/4, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. 

Nguyễn Thị Cẩm Thúy
Bạn đang đọc bài viết Không dễ giải ngân gói 62.000 tỷ cho người dân tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chính phủ thống nhất gói hỗ trợ hơn 61.500 tỷ đồng cho đối tượng yếu thế
Thủ tướng cho rằng, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.