Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm: Doanh nghiệp lo kiểm soát nguồn nguyên liệu, tìm kiếm thị trường

29/03/2023, 19:57
báo nói -

TCDN - 02 tháng đầu năm 2023, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản… giảm mạnh, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt ứng phó tốt trong điều kiện sản xuất kinh doanh thiếu tích cực, kiểm soát tốt nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, đảm bảo thanh khoản.

4-1

Đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm mạnh

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố mới đây, kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đang bị ảnh hưởng của xu thế lạm phát trên toàn cầu. Trong đó các thị trường lớn đều gặp khó khăn, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp khó. Điều này đã được dự báo trước từ đầu quý 4/2022, khi đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như; dệt may, da giày, thủy sản… giảm mạnh. Cụ thể 02 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%.

Kết quả khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến tháng 2/2023 Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) vừa thực hiện cho thấy 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Trong đó, các khó khăn chủ yếu là: thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%), thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%)…

HUBA nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỉ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm 2023.

Mặt khác, do lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.

Trong khi đó, đơn hàng đầu năm của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý 2 năm 2023 với mức giảm khoảng 50-60%.

Còn các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm hoạt động cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, nguồn cung dự trữ trong khi áp lực đầu vào tăng cao. Doanh nghiệp cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường.

Phân tích các nguyên nhân khó khăn của ngành dệt may, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 cho biết do thị trường quốc tế ảnh hưởng do xung đột giữa Nga - Ukraine. Thị trường trong nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cùng lúc phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhiều phía như: đơn hàng bị cắt giảm, thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn “leo thang”. Trong khi 3 năm qua, các doanh nghiệp đa phần bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19 nên sức chống chịu giảm dần.

Ngoài ra, xu hướng của một số nhà nhập khẩu là đơn đặt hàng nhỏ hơn, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, đơn giá bị ép khiến giá xuất giảm...

Còn về ngành da giầy theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), từ quý 4/2022 những ngành xuất khẩu, trong đó có da giày, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành. Đại diện Lefaso cho rằng, dự kiến phải đến hết quý 2/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn, điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng cũng như lao động của ngành da giầy. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành. Do đó để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2023, đại điện Lefaso khuyến nghị các doanh nghiệp hội viên nên mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và cố gắng tận dụng tốt các thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Với ngành thủy sản ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam chia sẻ, trong năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục bị suy thoái và lạm phát ngấm sâu vào từng thị trường và ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng, trong đó có thủy sản.

Ngoài những khó khăn từ tình hình lạm phát gia tăng toàn cầu làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản, thì ngành thủy sản sẽ phải đối mặt thêm một số khó khăn như thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác cho sản xuất xuất khẩu, khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất tăng cao,… Nếu phục hồi được từ quý II năm 2023 thì dự báo năm 2023 xuất khẩu thủy sản có thể giảm nhẹ còn khoảng xấp xỉ 10 tỷ USD.

Xoay trục

Chia sẻ về giải pháp phục hồi, theo ông Việt TGĐ May 10, mặc dù còn khó khăn, nhưng chúng ta vẫn lạc quan về những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2023 nhờ duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có FTA. Đáng chú ý, năm 2023 một số FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0%, đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, để tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định FTA như thuế xuất nhập khẩu, các cơ hội khác và tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, trước hết các doanh nghiệp cần nắm rõ, áp dụng linh hoạt, trung thực các quy tắc xuất xứ của các FTA; Tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, cũng như tại các nước đối tác trong FTA.

Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao), doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, trách nhiệm xã hội và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp kiến nghị mức lãi suất cho vay sản xuất đang quá cao, nếu cộng với tăng biên độ thêm từ 2,5% lên 4 - 5%/năm, sẽ đẩy lãi suất lên đến xấp xỉ khoảng 15%/năm. Hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy phần trăm/năm, sở dĩ lãi suất cho vay tăng cao do ngân hàng tăng lãi suất huy động trong thời gian qua. Điều này sẽ là nguyên nhân khiến nhiều chủ doanh nghiệp liêu xiêu vì lãi vay cao hơn lợi nhuận, vượt xa kinh phí dự trù hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó các doanh nghiệp đề xuất ngoài những cố gắng vực dậy của doanh nghiệp để đứng vững trong bối cảnh lạm phát, thì Chính phủ cần có động thái tác động hỗ trợ rót vốn xuống các ngành sản xuất. Cụ thể là giảm mức lãi suất vay xuống từ 6-7% trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ điều chỉnh sau. Thực hiện được điều này doanh nghiệp sẽ có vốn để tiếp tục đầu tư và tái sản xuất.

HUBA dự báo đơn hàng sẽ khá hơn từ quý 2 năm nay. Do đó, các doanh nghiệp từng bước chủ động, linh hoạt ứng phó tốt trong điều kiện sản xuất kinh doanh không mấy tích cực, kiểm soát tốt nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, đảm bảo thanh khoản. Điều này giúp giữ chân người lao động, đợi khi thị trường khá lên, kỳ vọng có cơ hội đón những đơn hàng lớn.

Với chính sách vốn, HUBA cho rằng hiện hệ thống ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay với mức an toàn cao cho ngân hàng. Trong đó, định giá trị tài sản thế chấp thấp, tỉ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống, yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp đối với các hợp đồng đã cho vay.

Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

HUBA cho rằng Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỉ lệ "biên độ lãi ròng" (NIM) ở mức 3% là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

Hà Quyên

Tạp chí in số tháng 3/2023
Bạn đang đọc bài viết Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm: Doanh nghiệp lo kiểm soát nguồn nguyên liệu, tìm kiếm thị trường tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899