Kinh doanh tạm nhập tái xuất -cần đưa về đúng bản chất loại hình

21/08/2016, 03:37

TCDN - Bộ Công Thương đang xin ý kiến một số Bộ và UBND các tỉnh biên giới phía Bắc sau hơn hai năm thực hiện Thông tư 05/2014/TT-BCT (sau đây gọi tắt là Thông tư 05) của Bộ Công Thương quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa.


Công chức Chi cục Hải quan Tà Lùng (Cao Bằng) kiểm tra hàng hóa XNK. (Ảnh: T.Bình)

Về góc độ của cơ quan Hải quan, Thông tư 05/2014/TT-BCT cần làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc các thương nhân hoạt động kinh doanh TNTX, đặc biệt là hoạt động tái xuất qua cửa khẩu biên giới phía Bắc chỉ làm dịch vụ cho các thương nhân nước ngoài.

Theo ông Âu Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, thời gian qua, hoạt động kinh doanh TNTX, đặc biệt là hoạt động tái xuất qua cửa khẩu biên giới phía Bắc đang thực hiện không theo đúng bản chất của Luật Thương mại mà các thương nhân Việt Nam chỉ làm dịch vụ cho các thương nhân nước ngoài và hưởng chi phí hoa hồng. Bản chất hoạt động này là các DN Việt Nam chỉ làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam cho các đối tác nước ngoài. Chính việc thực hiện như vậy nhưng lại đang được hướng dẫn thực hiện theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất nên đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý.
Thời gian qua Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến tham gia với Bộ Công Thương trong quá trình bộ này chủ trì xây dựng Luật Ngoại thương theo hướng nghiên cứu đưa hoạt động này về đúng bản chất loại hình.

Theo đánh giá của Cục Hải quan Hà Giang, từ khi Thông tư 05 có hiệu lực thi hành, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Giang hoạt động TNTX có chiều hướng gia tăng. Bởi Thông tư tạo cơ chế thông thoáng hơn cho DN, các DN được quyền kinh doanh TNTX mà không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, không yêu cầu Giấy phép của Bộ Công Thương (ngoại trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hàng hóa XNK theo giấy phép phải có giấy phép TNTX của Bộ Công Thương). Thông tư cũng quy định rõ về cửa khẩu TNTX hàng hóa, giám sát hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực xuất ra nước ngoài, điều kiện DN kinh doanh TNTX có điều kiện, phân cấp cho các địa phương và quy định trách nhiệm của các ngành trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX.

Cục Hải quan Lạng Sơn đánh giá, Thông tư 05 đã nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động TNTX hàng hóa, góp phần hạn chế việc tạm nhập các mặt hàng cấm, mặt hàng tạm dừng kinh doanh TNTX, mặt hàng đã qua sử dụng, giảm đáng kể tình trạng hàng hóa nhập về không tái xuất được, tồn đọng tại cửa khẩu.

Tuy nhiên, Thông tư 05 vẫn tồn tại nhiều bất cập, có sự chồng chéo trong hướng dẫn đang gây khó khăn cho cơ quan Hải quan cũng như doanh nghiệp. Cụ thể tại khoản 2 Điều 15 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp là “nghiêm túc giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng cửa khẩu về kho, bãi của mình theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong trường hợp có hiện tượng ách tắc, tồn đọng”. Tuy nhiên, theo Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan Hải quan có trách nhiệm giám sát hải quan đối với hàng hóa từ khi tạm nhập cho đến khi tái xuất hết khỏi Việt Nam. Do vậy, sau khi hàng hóa làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam; đã hoặc chưa làm thủ tục tái xuất đang được lưu giữ tại cảng, cửa khẩu thì cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm giám sát hải quan cho đến khi hàng hóa được tái xuất hết khỏi Việt Nam. Do vậy, với quy định tại Thông tư 05 giao Bộ Công Thương chỉ đạo việc giải tỏa hàng hóa khi có ách tắc sẽ dẫn đến việc không đảm bảo giám sát hải quan đối với hàng hóa đang lưu giữ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đơn vị Hải quan địa phương cũng cho rằng, đang có sự chồng chéo trong chứng nhận DN đáp ứng điều kiện kinh doanhTNTX. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 52/2015/QĐ-TTg thì UBND tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương lựa chọn thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 05 thì UBND tỉnh biên giới trao đổi với Bộ Công Thương về nguyên tắc lựa chọn DN được phép tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan… và công bố danh sách DN được lựa chọn. Như vậy, nếu DN kinh doanh TNTX qua cửa khẩu phụ, lối mở thì có thể hiểu phải được công bố 2 lần. Việc quy định phải được UBND tỉnh công bố, lựa chọn và Bộ Công Thương xem xét cấp giấy chứng nhận mã số kinh doanh TNTX làm tăng thủ tục hành chính, làm tăng chi phí đối với việc lựa chọn, xác nhận DN đủ điều kiện được phép tái xuất qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan; gây khó khăn cho hoạt động của DN chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Hiện nay cơ quan Hải quan đang quản lý hoạt động kinh doanh TNTX về cơ bản tương tự như đối với các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thương mại khác. Do vậy, hàng hóa kinh doanh TNTX cũng được cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra theo chế độ quản lý rủi ro và dựa trên cơ sở các nguồn thông tin thu thập tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Việc phân luồng được Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử hải quan thực hiện tự động sau khi Hệ thống tự động kiểm tra các tiêu chí thông tin trên tờ khai hải quan. Trường hợp tờ khai hải quan được phân vào luồng Xanh thì hàng hóa được thông quan, cơ quan Hải quan chỉ thực hiện dừng thông quan để kiểm tra thực tế hàng hóa khi có thông tin hàng hóa vi phạm. Trường hợp tờ khai được phân luồng Vàng thì cơ quan Hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan; trường hợp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan phù hợp và không có thêm nguồn thông tin vi phạm thì hàng hóa sẽ được thông quan; trường hợp hồ sơ hải quan có nhiều điểm nghi vấn hoặc có thông tin vi phạm thì chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp tờ khai được phân luồng Đỏ thì hàng hóa chỉ được thông quan sau khi cơ quan Hải quan kiểm tra và kết luận hàng hóa đúng khai báo và quy định của pháp luật.

Về công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, tất cả hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất đều được giám sát hải quan từ khi tạm nhập cho đến khi tái xuất hết ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc giám sát của cơ quan Hải quan được thực hiện theo các phương thức đã được quy định tại các văn bản pháp luật gồm: Giám sát trực tiếp của công chức hải quan; giám sát hải quan bằng niêm phong hải quan; giám sát bằng các phương thức kỹ thuật khác (mô tả chi tiết, chụp ảnh…). Trên thực tế, cơ quan Hải quan áp dụng việc giám sát hải quan bằng niêm phong hải quan trong suốt thời gian hàng hóa được lưu giữ và vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam. Việc áp dụng biện pháp giám sát trực tiếp của công chức hải quan chỉ thực hiện đối với chuyển tải/chia nhỏ container phục vụ vận chuyển hoặc xuất khẩu; trường hợp hàng hóa cồng kềnh, siêu trường, siêu trọng không thể giám sát hải quan bằng phương thức niêm phong hải quan thì thực hiện bằng phương thức kỹ thuật khác như: Mô tả chi tiết, chụp ảnh…


Theo báo Hải Quan
Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh tạm nhập tái xuất -cần đưa về đúng bản chất loại hình tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận