Kinh tế Việt Nam: Thách thức từ nền tảng kinh tế vi mô

27/05/2019, 09:13

TCDN - Tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%; thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô.



Dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô không còn nhiều

Theo CIEM, sau những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận diện không ít khó khăn, thách thức để hiện thực hóa kỳ vọng ấy, đặt trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng bất định và dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều. Theo đó, GDP quý I/2019 đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu. Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo bớt lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” và tiếp cận thông tin minh bạch.

CPI bình quân tăng 2,63%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83% cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định trong quý I/2019, chủ yếu do một số ngân hàng thương mại lớn có xu hướng giảm lãi suất huy động hoặc duy trì lãi suất huy động thấp; thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào trong khi giải ngân tín dụng chưa tăng mạnh và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố không tăng lãi suất trong năm.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 và 10,99% so với cuối quý I/2018. Dư nợ tín dụng đến 20/3 tăng khoảng 2,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018; chịu ảnh hưởng của một số nguyên nhân là do kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tập trung tín dụng cho sản xuất; chủ trương đẩy lùi tín dụng đen và lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để chống đô la hóa trong năm 2019.

Về lạm phát, lý giải các nguyên nhân tác động đến CPI bình quân trong quý I có mức tăng 2,63%, nhóm tác giả thực hiện báo cáo của CIEM chỉ ra một số yếu tố như việc giảm chỉ số giá tại nhóm hàng lương thực, thực phẩm, thêm vào đó việc điều chỉnh tăng giá điện từ cuối tháng Ba chưa phản ánh hết vào CPI.

Mang nặng tính “hành chính”

Điểm đáng lưu ý khác được báo cáo nhắc đến, đó là cách thức kiềm chế giá cả trên thị trường còn mang nặng tính “hành chính”.

Bên cạnh đó, việc chỉ số lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83%, theo các tác giả, điều này cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ mang tính ổn định nhờ đó không gây áp lực lên mặt bằng giá.

Trên cơ sở phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý I, nhóm nghiên cứu đã đưa ra dự báo, mức tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 ước đạt 6,88%, trong đó tăng trưởng xuất khẩu ở mức 9,02%, thặng dư thương mại quanh khu vực 3,1 tỷ USD và mức tăng giá tiêu dùng cả năm khoảng 3,71%.

Ngoài ra, khi đánh giá kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2017-2018, báo cáo đã chỉ ra nhiều thách thức ở phía trước. Nhóm tác giả đặc biệt nhấn mạnh, việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng sẽ gặp khó khăn hơn bên cạnh đó chất lượng cổ phần hóa chưa có dấu hiệu cải thiện. Một số thực trạng dễ dàng nhận thấy, đó là việc thực hiện quy định và chính sách cổ phần hóa còn nhiều vướng mắc, cụ thể là việc xử lý các vấn đề đất đai và tài chính.

Một trong những nguyên gây ra tình trạng trên phải kể đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thêm vào đó quá trình thực thi kỷ luật hành chính là chưa nghiêm và cơ chế xử lý vi phạm không rõ ràng…

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam sẽ phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu đến từ nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật khá phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện.

Trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được các lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp trong nước kỳ vọng khá nhiều, song hiện các hướng dẫn và sửa đổi Luật thực hiện có phần “ì ạch” và hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội đã cho thấy sự sát sao nhưng mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được các cấp, ngành, địa phương nhận thức và thực hiện đầy đủ.

Đối với những quý còn lại trong năm, CIEM cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II-IV có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng, căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt, nhu cầu phê chuẩn sớm EVFTA có thể giảm bớt (do chương trình nghị sự khá bận rộn liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ và vừa phê chuẩn FTA với Nhật Bản trong quý I), hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP, và thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị.

Đại diện CIEM cho biết, theo những cập nhật mới nhất, việc Việt Nam đạt được các mục tiêu năm nay về tăng trưởng, xuất khẩu, lạm phát, thặng dư thương mại… nhiều khả năng là trong tầm tay, nhưng vấn đề chính vẫn nên là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, để không chỉ hiện thực hóa những mục tiêu trong năm nay, mà còn cả trong năm sau và chuẩn bị cho 10 năm tới nữa.

Trong chừng mực ấy, cách làm bài bản, nhất quán sẽ là yếu tố quan trọng nhất. Theo ông Dương, những cải cách mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian qua rất có ý nghĩa và cần phải tiếp tục làm sâu sắc hơn. Ngoài ra, các ưu tiên chính sách cũng cần nhấn mạnh vào ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách. Giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục xây dựng những kịch bản mới, không phải là để thay đổi chính sách mà nhằm ứng phó với những diễn biến, thay đổi mới.

Việt Nam cũng cần tích cực trao đổi với các đối tác kinh tế lớn như Australia, New Zealand, Nhật Bản hay các quốc gia châu Âu, bởi họ cũng là những đối tượng chịu tác động từ những ảnh hưởng của các nền kinh tế siêu cường như Mỹ hay Trung Quốc, và bởi vậy cũng có những kinh nghiệm ứng phó riêng có thể chia sẻ với Việt Nam. Thí dụ như liên quan đến tỷ giá, cần chú ý rằng hiện cả EU và Nhật Bản gần như chưa có động thái nào về tỷ giá trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó cũng là thuận lợi cho điều hành tỷ giá của Việt Nam. Và ngược lại, Việt Nam cũng cần tạo quan hệ đối thoại sâu rộng hơn với những đối tác này để từ đó có thể nắm được những biến động của kinh tế thế giới, không phải chỉ từ những nền kinh tế siêu cường mà còn cả góc nhìn từ những nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn.

Sơn Dương - Tạp chí TCDN số 5/2019
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam: Thách thức từ nền tảng kinh tế vi mô tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận