Làn sóng phá sản đe dọa ngành thép Trung Quốc
TCDN - Khủng hoảng thép ở đại lục đang tạo điều kiện cho một làn sóng phá sản và đẩy nhanh quá mua bán - sáp nhập trong ngành thép Trung Quốc.
Nhà phân tích cấp cao Michelle Leung củaBloomberg Intelligence chỉ ra rằng gần 3/4 các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã phải chịu lỗ trong nửa đầu năm nay, và nhiều doanh nghiệp có khả năng đối mặt với phá sản.
Những công ty như Xinjiang Ba Yi Iron & Steel Co., Gansu Jiu Steel Group, và Anyang Iron & Steel Group Co. đang đối diện với rủi ro cao nhất và có thể trở thành mục tiêu để các doanh nghiệp khác trong ngành thép Trung Quốc mua lại.
Bloomberg Intelligence cũng nhận định rằng làn sóng hợp nhất sẽ giúp chính quyền thực hiện kế hoạch tăng cường tính tập trung của ngành thép Trung Quốc. Chính phủ đặt mục tiêu để 5 doanh nghiệp thép lớn nhất kiểm soát 40% thị phần vào năm 2025 và 10 công ty lớn khác nắm 60%. Leung đánh giá rằng những mục tiêu này có vẻ khả thi, mặc dù Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Hàn Quốc và Nhật Bản về mức độ tập trung trong ngành.
Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc đang tác động lớn đến ngành thép Trung Quốc. Theo cảnh báo từ người đứng đầu China Baowu Steel Group Corp., doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới, tình hình hiện tại còn nghiêm trọng hơn so với các cuộc khủng hoảng thép năm 2008 và 2015.
Sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu nội địa đã buộc các nhà máy thép phải đẩy mạnh xuất khẩu, dẫn đến phản ứng gay gắt từ các quốc gia, khi họ cáo buộc Trung Quốc bán phá giá thép .
Tuy nhiên, theo nhận định của Bloomberg Intelligence, xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ không giảm trước cuối năm 2026, khi tổng sản lượng giảm và các đối tác thương mại gia tăng các biện pháp hạn chế.
Khi nói về thép, Trung Quốc là “ông vua”, với sản lượng hơn 1 tỷ tấn mỗi năm, chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu. Nhưng hiện tại, nước này đang gặp khó khăn.
Sự sụp đổ của ngành xây dựng trong nước đồng nghĩa với lượng thép dư thừa quá nhiều trong khi nhu cầu lại quá ít. Đối với phần còn lại của thế giới, nỗi lo sợ là Trung Quốc sẽ biến các quốc gia khác thành bãi chứa sản phẩm dư thừa, hạ giá thép, đẩy các nhà máy vào tình trạng phá sản và khiến người lao động mất việc.
Thực trạng ấy sẽ góp phần làm tăng thêm các thách thức kinh tế mà thế giới hiện đang phải đối mặt, đặc biệt là ở châu Âu, nơi mà nền kinh tế Đức dự kiến sẽ hầu như không tăng trưởng trong năm nay.
Mỹ đã tăng cường bảo vệ ngành thép của họ, nhưng bất kỳ mối đe dọa nào cũng có thể trở thành vấn đề chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống.
Chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào tăng trưởng dựa trên bất động sản có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành thép. Ông muốn các ngành sản xuất công nghệ cao và công nghệ xanh sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những thập kỷ tới. Và cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước đã chấm dứt một kỷ nguyên dài về nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể quản lý được sự suy giảm này khi họ cố gắng hỗ trợ nền kinh tế và việc làm.
Tập đoàn Shanxi Jianbang đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp thép đang đối mặt với khủng hoảng. Giám đốc điều hành Zhang Rui cho biết, để vượt qua tình trạng khó khăn hiện tại, ngành cần giảm hơn 30% số lượng doanh nghiệp.
“Nhu cầu thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh, và tiếp theo chúng ta sẽ thấy lượng tiêu thụ sẽ ngày càng giảm” ông Wu Wenzhang, người sáng lập công ty tư vấn Shanghai SteelHome, nhận định. “Sẽ rất khó để ngành thép thoát khỏi chu kỳ này trong vòng 2 đến 3 năm tới, trừ khi chính phủ có những động thái mạnh mẽ thúc đẩy việc sáp nhập và tái cơ cấu các công ty thép.”
Ngoài tình trạng suy giảm bất động sản, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng đang bắt đầu suy yếu và các nhà máy đang gặp khó khăn với giá cả giảm dần. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899