Lời cay đắng của cổ đông ngân hàng về chia cổ tức
TCDN - Một vị cổ đông ngân hàng đã phải thốt lên những lời cay đắng tại ĐHĐCĐ thường niên của một ngân hàng đã không chia cổ tức nhiều năm nay: “Tôi năm nay đã 81 tuổi rồi. Không biết tôi có còn chờ được đến ngày nhận cổ tức của ngân hàng không?”
Hiểu cho cổ đông…
Đâu riêng gì vị cổ đông nói trên, cổ tức ngân hàng luôn là vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu tại các kỳ ĐHĐCĐ.
Cổ đông, hay đúng hơn là những người “chủ” của các ngân hàng tất nhiên quan tâm đến việc vì sao nhiều năm qua không nhận được một đồng cổ tức nào trong khi ngân hàng vẫn báo lãi. Thế nhưng, điều đáng nói là quyết định chi cổ tức còn phụ thuộc vào sự cho phép của cơ quan quản lý, nhất là trong thời gian có những điều kiện khách quan chi phối như hiện nay.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 22/5, cổ đông MSB thắc mắc vì sao không dùng khoản lợi nhuận còn lại năm 2020 gần 900 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ 5%, ông Huỳnh Bửu Quang - Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết, Ngân hàng sẽ không chia cổ tức khi chưa xử lý xong nợ xấu. Hiện tại, MSB còn 900 tỷ đồng nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đến quý 3/2020 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi hơn.
Tại Đại hội của Sacombank, một nữ cổ đông bức xúc: “Tôi già rồi, tôi theo Sacombank từ khi tóc còn xanh, đến nay phải dùng đến hóa chất, biết tôi có còn chờ được đến ngày hưởng cổ tức hay không?”. Vị cổ đông này đã tham dự hầu hết các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên những năm gần đây của ngân hàng này, nhưng kể từ khi ngân hàng sáp nhập thì không còn thấy cổ tức.
Trong khi một cổ đông khác cũng nói rằng đã chờ đợi nhiều năm nhưng cũng không biết đến khi nào mới nhận được cổ tức của Sacombank, dù chỉ chia với tỷ lệ an ủi từ 3-5%.
Cũng tại ĐHĐCĐ 2020, Chủ tịch HĐQT của Sacombank – ông Dương Công Minh trần tình, Ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, kể từ khi Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào từ năm 2015 đến nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu, không được chia cổ tức. Do vậy, với nguồn lợi nhuận giữ lại tính đến hiện tại lên đến 4,000 – 5,000 tỷ đồng, dù Ngân hàng rất muốn chia cổ tức nhưng vẫn không thể.
Ông Nguyễn Miên Tuấn – Thành viên HĐQT Sacombank chia sẻ thêm năm nào cổ đông cũng đặt vấn đề cổ tức với HĐQT và HĐQT rất thấu hiểu, đã đề xuất NHNN cho phép Sacombank chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng NHNN vẫn chưa thông qua. Phần lợi nhuận giữ lại 4,500 tỷ đồng và hợp nhất là 5,400 tỷ đồng chưa chi trả thì trong những năm tới cổ đông sẽ hưởng bù phần đó.
Dù đang giữ lại 1,234 tỷ đồng lợi nhuận và vừa được NHNN phê duyệt phương án tái cơ cấu SCB giai đoạn 2 và chưa xử lý xong nợ xấu VAMC, do đó SCB vẫn chưa thể chia cổ tức cho cổ đông, phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu.
Về phía Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhiều cổ đông chất vấn HĐQT ngay tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 vì lại thêm một năm không cổ tức. Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, cổ tức tiếp tục là vấn đề trăn trở, bản thân Ngân hàng cũng rất muốn chia cổ tức cho cổ đông, nhưng theo quy định của NHNN thì không được phép, nếu chia là không đúng quy định. Vậy Ngân hàng phải làm sao?
“Hiện, SCB còn nắm giữ hơn 20,000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, đã trích lập dự phòng hơn 40%. Quỹ dự phòng của SCB hiện đạt khoảng 11,000 tỷ đồng, nên Ngân hàng vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm được hoàn nhập dự phòng. Sau tái cấu trúc, cổ đông sẽ nhận được cổ tức”, đại diện SCB cho biết.
Mùa ĐHĐCĐ 2020 đã kết thúc và Eximbank lặp lại lịch sử khi là ngân hàng duy nhất không tổ chức được Đại hội và nhiều vấn đề của năm tài chính 2019 vẫn còn kéo đến năm nay chưa giải quyết được. Với hơn 3,200 tỷ đồng trái phiếu VAMC tính đến cuối năm 2019 và đã trích dự phòng gần 2,100 tỷ đồng, thì hơn 1,100 tỷ đồng nợ xấu cần phải xứ lý và khi xử lý được khoản nợ xấu này, Eximbank mới có thể tiếp tục chia cổ tức sau nhiều năm không chia.
Covid-19 là lời "giải vây” cho ngân hàng không cổ tức năm nay?
Dù đứng ở góc độ cổ đông trung thành, cổ tức bằng tiền có lẽ là nguồn thu nhập chính yếu, do đó việc bức xúc khi ngân hàng nhiều năm không trả cổ tức là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề chia hay không chia cổ tức, không phải chỉ là quyết định của riêng ngân hàng.
Đứng giữa cơ quan quản lý và cổ đông, các ngân hàng dường như rơi vào cảnh giống như Chủ tịch HĐQT Sacombank nói tại Đại hội năm nay: “HĐQT đang ở thế ‘trên đe dưới búa’, HĐQT cũng chịu áp lực rất lớn, hy vọng đến năm 2023 Sacombank sẽ thoát được cảnh tái cơ cấu, sẽ chia được cổ tức cho cổ đông”.
Trên thực tế, có nhiều ngân hàng đã nhiều năm không chia cổ tức cho cổ đông, nhưng đa số đều là các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, tập trung xử lý nợ xấu sau khi sáp nhập, hợp nhất.
Hơn nữa, khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, đã giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế toàn cầu, kể cả Việt Nam, đập tan mọi dự báo tươi sáng cho kinh tế 2020 trước đó. Khi nhiều công ty nộp đơn phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, NHNN đã vào cuộc để cân bằng cung cầu tiền tệ, điều tiết nền kinh tế. Những tưởng kinh tế tăng tốc dựa trên đà của cuối năm trước, thì giờ đây hầu như nền kinh tế đều ngưng trệ nếu không nói là đang đi lùi.
Chỉ thị số 02/CT-NHNN của NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng nêu rõ trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Cho nên nếu đứng trên góc độ Ban điều hành ngân hàng, Chỉ thị 02 này có thể là “cứu cánh” giải vây cho HĐQT khi tìm câu trả lời thay cho chất vấn vì sao không trả cổ tức cho cổ đông trong năm nay.
Áp lực chia cổ tức không phải chỉ là việc ngân hàng không chia cho cổ đông, giữ lại phần tiền đó, mà bản thân các ngân hàng còn phải chạy đua tăng vốn, đáp ứng đủ chuẩn Basel II, xử lý nợ xấu. Thêm vào yếu tố khách quan khó có thể kiểm soát được, năm nay do dịch bệnh Covid-19 buộc các ngân hàng càng phải tập trung tiền mặt để giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới, hỗ trợ doanh nghiêp và khách hàng vượt qua khó khăn.
Do đó, trong tình cảnh hiện tại, những nhà băng chia cổ tức bằng cổ phiếu đã được xem là may mắn hơn so với những câu thẳng thừng “không chia” của một số đông còn lại. Tỷ lệ cổ tức “khủng” nhất tính đến hiện tại được công bố có lẽ là HDBank khi dành toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối, bao gồm cả số chưa phân phối từ 2017 và 2018 sẽ được dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50%. Và còn quỹ thặng dư vốn cổ phần phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 15%.
ACB cũng không kém cạnh khi dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2020 từ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông cho cổ đông với tỷ lệ 30%. Nguồn vốn từ 6,270 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập đầy đủ các quỹ của năm 2019, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2020. Mục đích của đợt tăng vốn này nhằm giúp ACB gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng, đầu tư vào các dự án chiến lược 2019-2024…
Tiếp sau đó là OCB khi chốt mức cổ tức 25% bằng cổ phiếu cho năm 2019 và dự kiến chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ từ 25-27%.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế nhận định, vì thực tế tình hình kinh tế năm nay rất khó khăn. Lợi nhuận của ngân hàng năm nay được dự báo giảm 20-25% so với kế hoạch ban đầu, tín dụng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn nợ xấu tăng lên, do đó hoạt động ngân hàng cũng khó khăn, bối cảnh kinh tế cũng khó khăn, cần hệ thống ngân hàng chia sẻ. Do đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm nay là điều hết sức phù hợp.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế nhận định khi đứng trên góc độ cổ đông, rõ ràng đây là điều mà các cổ đông không mong muốn. Còn về phía ngân hàng, việc giữ được nguồn vốn tại ngân hàng để hỗ trợ cho các hoạt động là cái lợi trước mắt khi không chia cổ tức bằng tiền hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, về phía Ban quản trị của ngân hàng là có lợi, nhưng về phía cổ đông thì thiệt hại. Hệ thống ngân hàng năm nay đang dao động mạnh do dịch bệnh, chính vì thế giữ lại phần nguồn vốn này để tạo ra bền vững cho ngân hàng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899