Lợi nhuận sau thuế quý 2 của Eximbank giảm “sốc” khi thượng tầng xáo trộn
TCDN - Lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm “sốc”, chỉ đạt gần 425 tỷ đồng, giảm hơn 452 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm trên 51%. Đặc biệt, Eximbank có các khoản thuế phải nộp là hơn 130 tỷ đồng.
Lợi nhuận giảm “sốc”
Hiện Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có số thuế GTGT phải nộp tại ngày 31/6 là trên 14 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp trên 111 tỷ đồng, các loại thuế khác là 5,5 tỷ đồng.
Đồng thời, Eximbank đang vay Ngân hàng Nhà nước 22 tỷ đồng, các khoản phải trả nội bộ là trên 108 tỷ đồng, các khoản phải trả bên ngoài là gần 4.200 tỷ đồng.
Trong đó, thu nhập lãi thuần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm 23%, tương đương với 325 tỷ đồng so với cùng kỳ trước. Điều này được lý giải là do Eximbank chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngoài ra, lãi suất huy động vốn tăng cao từ tháng 10/2022 cũng làm chi phí huy động vốn của ngân hàng tăng lên.
Một chỉ tiêu “sáng” của Eximbank là lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trên 55% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm trên 95% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với gần 85 tỷ đồng. Nguyên do là trong kỳ điều kiện kinh doanh các giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu tổ chức tín dụng chưa thuận lợi.
Còn lãi thuần từ hoạt động khác giảm trên 202 tỷ đồng (giảm trên 74%) so với cùng kỳ, chủ yếu do công tác xử lý thu hồi nợ trong tháng 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện chậm hơn kế hoạch đề ra. Nguyên nhân được Eximbank lý giải là do tính thanh khoản và tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Từ tình hình kinh doanh thua lỗ nói trên, Eximbank có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần 48 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Do khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, dẫn đến nợ vay chuyển sang nhóm nợ cao hơn. Trong đó, một phần chuyển nhóm nợ CIC từ các tổ chức tín dụng khác làm cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng lên.
Thực tế, nợ cần chú ý của Eximbank tại ngày 31/6 là gần 1.940 tỷ đồng tăng gần 600 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng phi mã, lên gần 800 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng gần 300 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng lên 250 tỷ đồng, hiện ở mức gần 1.882 tỷ đồng.
Còn đối với báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 là hơn 422 tỷ đồng, giảm trên 51% (tương ứng gần 449 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Eximbank cho rằng 6 tháng cuối năm “sẽ được cải thiện nhiều, do hoạt động kinh doanh của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có những khởi sắc, tình hình bất động sản sẽ được khơi thông hơn. Vì vậy, sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối năm để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2023”.
Hiện Eximbank có tổng tài sản đạt 190.555 tỷ đồng, tăng 2,83%, tương đương 5.246 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 154.569 tỷ đồng, tăng 3,87% (tương đương hơn 5.755 tỷ đồng) so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 131.849 tỷ đồng, tăng 1,03% (tương đương 1.344 tỷ đồng) so với đầu năm.
Lùm xùm tranh ghế HĐQT
Mấy năm trở lại đây, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank luôn tiềm ẩn sóng gió, người ngồi vào chưa ấm chỗ, lại bị hạ bệ. Ngày 28/6, HĐQT Eximbank ban hành quyết định bổ nhiệm bà Đỗ Hà Phương làm Chủ tịch HĐQT Eximbank, thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú, người ngồi chiếc ghế này hơn 1 năm qua.
Bà Phương (SN1984) mới tham gia Eximbank từ năm 2022 với chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 7 (2020-2025). Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank, bà Phương bị nhóm cổ đông do ông Trần Hoàng Ninh làm đại diện đề nghị Eximbank chấm dứt các uỷ quyền, đề cử và đề nghị rút thành viên HĐQT khỏi HĐQT Eximbank. Đồng thời, yêu cầu Eximbank thực hiện các thủ tục liên quan đến việc bãi nhiệm bà Phương theo quy định.
Mới đây, đại diện nhóm cổ đông là ông Trần Hoàng Ninh đã có văn bản đề nghị rút thành viên HĐQT Eximbank và bãi nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) lần 2, đối với bà Đỗ Hà Phương, Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, ngay sau khi ngồi vào “ghế nóng”, bà Phương đã ký Nghị quyết của HĐQT về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT. Cũng trong ngày 28/6 bà Phương còn ký văn bản công bố thông tin về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Eximbank, dự kiến thứ hai, ngày 18/9/2023. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền dự họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ là ngày 19/7/2023. Nội dung cuộc họp là bầu bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 7. Chưa rõ 2 thành viên dự kiến bầu là ai nhưng chắc chắn không xa lạ gì với người giới thượng tầng Eximbank.
Đáng chú ý, trong văn bản công bố thông tin bất thường có “giao Chủ tịch HĐQT thành lập các ban, tổ khác để chuẩn bị/phục vụ cho công tác tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Đồng thời, giao Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc thực hiện Nghị quyết này”.
Hiện dư luận đang nóng lòng chờ ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank sẽ có kết cục như thế nào?
email: [email protected], hotline: 086 508 6899