Ngành điều, cà phê hướng đến chế biến sâu, xuất khẩu bền vững

03/01/2017, 10:07

TCDN - Một số ngành như cà phê, điều đang quyết tâm đẩy mạnh đầu tư cho công tác chế biến sâu nhằm đảm bảo sự bền vững trong phát triển cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt.

Khâu chế biến sâu nắm giữ phần lớn lợi nhuận trong chuỗi giá trị ngành cà phê. Ảnh: ST.

“Nói đến điều sạch, nghĩ đến Việt Nam”

Liên tiếp 10 năm qua, Việt Nam luôn đứng đầu trong số các nước XK hạt điều, chiếm tới 50% tổng sản lượng điều nhân toàn cầu. Dự báo cả năm 2016, Việt Nam chế biến khoảng 1,4 triệu tấn hạt điều, XK trên 300.000 tấn, kim ngạch ước đạt 3 tỷ USD. Hạt điều Việt Nam luôn có chất lượng và mẫu mã tốt, đạt yêu cầu của những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật... Hiện đã có đến 80 nước NK hạt điều sơ chế của Việt Nam, nhiều nhất là Mỹ với 30%, một số nước châu Âu 25%, Trung Quốc 18% thị phần...

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải NK tới 65% điều nguyên liệu từ Ấn Độ, các nước châu Phi để phục vụ cho việc chế biến điều nhân XK. Điều này khiến cho DN gặp rủi ro khi giá điều nguyên liệu tăng cao, giảm lợi nhuận từ hoạt động chế biến. Cùng với đó là thách thức trong việc kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, gây khó khăn trong việc bảo vệ uy tín thương hiệu của hạt điều Việt Nam... Chính vì vậy, việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng, tăng chất lượng nhân điều và chế biến sâu trở nên cấp bách.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đang thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc phát triển bền vững ngành điều. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, các DN sản xuất kinh doanh điều sẽ đồng hành cùng nhà nông với đề án “ghép cải tạo – thâm canh điều”, mục tiêu là đến năm 2020 sản lượng điều thu hoạch của Việt Nam sẽ đạt 600.000 tấn hạt điều thô, tăng đáng kể so với năm 2016. Cùng với đó, các DN cũng triển khai chương trình “sản xuất sạch hơn” với mục tiêu cung ứng ra thị trường các dòng sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vinacas đang vận động các DN tái cấu trúc lại DN, nâng cấp nhà máy theo hướng đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO - HACCP - BRC - FSSC 22000 - SA 8000…

Vinacas cũng vận động các DN liên kết với các chủ trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã trồng điều sạch, điều hữu cơ… Theo cam kết của Vinacas, ngay từ năm 2016, 100% sản phẩm của các thành viên Vinacas đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vinacas đã thành lập CLB các DN sản xuất, kinh doanh hạt điều sạch hàng đầu Việt Nam (G20-VCS++) với cam kết "3 có”: Có màu sắc tự nhiên, có mùi vị đặc trưng, có giá trị dinh dưỡng cao và "5 không": Không sử dụng hương liệu trong chế biến, không có sản phẩm biến đổi gen, không nấm mốc, không nhiễm khuẩn, sâu mọt, không sử dụng lao động cưỡng bức.

Cùng với đó, Vinacas cũng thực hiện chương trình gia tăng giá trị kinh tế của cây điều thông qua các đề án ngành. Trong đó, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa các dòng sản phẩm; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước với mục tiêu đến năm 2020 sản lượng tiêu dùng trong nước vào khoảng 30.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2015 là 15.000 tấn. Đồng thời, Vinacas cũng thực hiện xây dựng thương hiệu điều Việt Nam và khuyến khích các DN tham gia chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Từ đó, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và XK.

Với hàng loạt các giải pháp như trên, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas tự tin có thể tạo ra bước đột phá cho ngành điều, giúp cho thế giới “nói đến điều sạch, nghĩ đến Việt Nam”.

Phát triển cà phê hòa tan "Made in Vietnam"

Ngành cà phê Việt Nam cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh với phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu cà phê, đạt tỷ trọng từ 30 - 40% sản lượng với các thương hiệu mạnh. Tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê đạt trên 200% so với hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 5 - 6 tỷ USD. Hiện đề án đang được Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (Vifoca) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, ngành cà phê đang hướng đến nâng cao hàm lượng chế biến ngay từ khâu sơ chế thông qua việc phổ biến quy trình thực hành sản xuất cà phê bền vững cho người sản xuất, mục tiêu đến năm 2030 khoảng 90% diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và 90% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728 – 2012. Hiện tại đã có gần 60% diện tích cà phê có các chứng nhận như UTZ Certified, 4C, Rainforest, Alliance và VietGAP. Đồng thời, ngành cà phê cũng tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch XK cà phê chế biến sâu chiếm tối thiểu 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam, tăng đáng kể so với mức 10% hiện nay.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vifoca đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết, hiện tất cả các hãng cà phê rang xay hàng đầu trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam, điển hình như Nestle, Olam… Trong đó, Nestle đã đầu tư 300 triệu USD vào ngành chế biến sâu cà phê Việt Nam. Một số nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang khảo sát và chuẩn bị đầu tư vào cà phê rang xay và hòa tan để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, lao động dồi dào để đón đầu một loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương đã có hiệu lực như FTA với EU, Liên minh kinh tế Á-Âu, AEC… Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vifoca, trước đây các nước chỉ NK cà phê nhân của Việt Nam làm nguyên liệu và bảo hộ khâu chế biến trong nước. Do đó, các sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam thường bị áp thuế 20% khi XK vào các thị trường này. Tuy nhiên, gần đây với việc tham gia các hiệp định tự do thương mại, mức thuế đã được giảm về 0%. Điều này đã tạo ra cơ hội rất lớn cho việc đầu tư chế biến sâu vào sản phẩm cà phê Việt Nam.

Trước làn sóng đầu tư của các DN FDI, nhiều DN Việt Nam cũng đang tập trung đầu tư các dự án chế biến sâu cà phê, như Vinacafe, Trung Nguyên, Mê Trang, Tín Nghĩa… cũng đang triển khai các dự án sản xuất cà phê hòa tan hướng đến XK. Hiện một số sản phẩm “Cà phê 2 trong 1”, “Cà phê 3 trong 1”… đã được đưa sang nhiều thị trường với kim ngạch XK cà phê chế biến sâu ước đạt 350 triệu USD trong năm 2016. Nếu như trong năm 2013, cà phê chế biến chỉ chiếm 1,7% lượng cà phê XK thì năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên thành 11,2% và con số này tiếp tục gia tăng trong năm 2016.

Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam cho biết, để đầu tư một nhà máy cà phê hòa tan bài bản đòi hỏi vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi thị trường tiêu thụ hầu hết đều nằm trong tay các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Do đó, DN Việt gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Vì vậy, hiện các DN Việt đều chọn giải pháp đầu tư nhỏ, làm thương hiệu từ từ để tham gia vào lĩnh vực chế biến thay cho việc bán nguyên liệu thô. Ngoài ra, theo ông Nam, bản thân các công ty trong nước cũng có một số lợi thế nhất định, như gần với nông dân hơn, chi phí sản xuất thấp hơn và có lợi thế cạnh tranh về giá bán rẻ hơn. Được biết hiện Intimex đã đầu tư xây dựng 9 nhà máy chế biến, đồng thời đang tiến hành nghiên cứu vào đầu tư cà phê chất lượng cao, cà phê bột để thâm nhập sâu vào thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Intimex còn đầu tư vào một số nông trường chế biến đang gặp thua lỗ để có nguồn cà phê có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhằm phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo Báo Hải quan

Bạn đang đọc bài viết Ngành điều, cà phê hướng đến chế biến sâu, xuất khẩu bền vững tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận