"Nhiều doanh nghiệp chỉ cầm cự được 1 tháng"

26/09/2021, 13:39

TCDN - Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp lao đao. Hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, giảm lao động, giảm công suất. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp cầm cự trong 1 tháng đang ngày càng tăng.

90% doanh nghiệp giảm lao động

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, bức tranh chung của cộng đồng DN đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể như: với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%; với các doanh nghiệp ngành Gỗ, đã có trên 50% số doanh nghiệp ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản; Ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay; công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở phải đóng cửa.

Ông Công nói: theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng ngừng sản xuất.

Về lao động, theo khảo sát của VCCI trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.

Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cho biết, qua khảo sát nhanh đầu tháng 9/2021, Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM nhận thấy có đến 40% doanh nghiệp được hỏi cho biết chỉ còn đủ nguồn lực hoạt động trong 1 tháng.

Doanh nghiệp đề xuất giảm thuế, phí, lãi suất

Chủ tịch VCCI, đại diện cho các doanh nghiệp đề xuất 2 chủ trương lớn. Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Như trong thời chiến, chúng ta đã trang bị và thành lập các đội dân quân, tự vệ, nâng cao năng lực chiến đấu của cả nước. Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù Covid thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn. Để làm được điều này cần có chủ trương, nhận thức và quyết tâm thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) mong muốn các chính sách chống dịch cần được thực hiện thống nhất từ trên xuống.

“Với quan điểm không thể có zero COVID, chúng tôi mong muốn hạn chế rủi cho cho doanh nghiệp, chứ không thể có zero covid, nên chúng tôi mong muốn các chính sách khi ban hành phải hạn chế cách làm cực đoan, gây ảnh hưởng không tốt tới cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, phải có cơ chế kiểm soát các văn bản trước khi ban hành để hạn chế khó khăn khi ban hành văn bản”, đại diện Hiệp hội gỗ kiến nghị.

Về thời gian thủ tục hành chính, để hỗ trợ và bù lại thời gian giãn cách, ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chính quyền giảm 1/2 thời gian thủ tục hành chính hiện hành. Ví dụ thủ tục 30 ngày thì giảm còn 15 ngày.

Cùng với đó, ông Hồng Anh kiến nghị về việc giảm thuế suất thuế GTGT, kiến nghị mức giảm 50% đến hết tháng 6/2022 đối với thuế suất GTGT và áp dụng đại trà, không chọn lọc về mặt hàng nhằm giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giảm giá cho khách hàng tiêu dùng. Đây là tương đối phù hợp với mức giảm quy mô ngân sách, thuận lợi cho công tác quản lý thuế và mức giảm đủ lớn để có tác dụng kích cầu. Và có thể gia hạn tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế.

Theo ông Phạm Tấn Công, VCCI đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV... Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các doanh nghiệp đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, VCCI kiến nghị các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP, thì với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ.

Về lâu dài, VCCI đề xuất, bên cạnh việc song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, thì cũng cần xây dựng ngay từ bây giờ các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, như: cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định FTAs...

Linh Giang
Bạn đang đọc bài viết "Nhiều doanh nghiệp chỉ cầm cự được 1 tháng" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng đối thoại cùng doanh nghiệp
Sáng nay, Thủ tướng đối thoại trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19.