Những ưu thế của việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng Trọng tài thương mại

16/06/2024, 10:24
báo nói -

TCDN - Việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh đa số các doanh nghiệp kéo nhau ra tòa, khiến áp lực số vụ việc cần giải quyết của tòa án tăng lên, cùng với đó thời gian giải quyết kéo dài khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và đôi khi ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của mình trên thị trường.

PV Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Xuân Sang - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam để lắng nghe hành trình ra đời của trung tâm này, cùng với những ưu thế của việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài thương mại.

Luật sư Phạm Xuân Sang - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam.

Luật sư Phạm Xuân Sang - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam.

Tòa án là cơ quan tài phán, nhân danh quyền lực Nhà nước để xét xử với thẩm quyền bao trùm, còn thẩm quyền của trọng tài thì như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Sang: Trọng tài là cơ quan tài phán tư, không phải là cơ quan công quyền; việc xét xử của Trọng tài được thực hiện bởi sự “trao quyền” của chính các bên đương sự thông qua một “thỏa thuận trọng tài” có hiệu lực pháp luật. Thỏa thuận trọng tài này thường được các bên quy định thành một điều khoản ngay trong hợp đồng hoặc sẽ được lập thành văn bản riêng. Với “sự trao quyền” của các bên và theo Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam, Trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, cụ thể: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp giữa các bên mà pháp luật quy định giải quyết bằng trọng tài. 

Như vậy, khi các bên đã lựa chọn trọng tài giải quyết vụ tranh chấp thì, nếu một trong các bên gửi đơn kiện ra tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý. Đây cũng chính là nghĩa vụ pháp lý của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên từ naăm 1995 của Công ước New York 1958.

Lễ Ký kết thỏa thuật hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam và Đại học Luật Tp. HCM

Lễ Ký kết thỏa thuật hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam và Đại học Luật Tp. HCM

Xin ông cho biết, tại Việt Nam “sự trao quyền” của các bên mà cụ thể là của thương nhân, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cho Trọng tài trên thực tế như thế nào?

Ông Phạm Xuân Sang: Ở nước ta từ những năm 60 của thế kỷ XX, Trọng tài kinh tế đã xuất hiện và phát triển cùng với sự ra đời của chế độ hợp đồng kinh tế. Trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, Trọng tài kinh tế nhà nước bên cạnh giải quyết tranh chấp kinh tế còn có nhiệm vụ quản lý chế độ hợp đồng kinh tế. Đất nước vào thời kỳ đổi mới và trước yêu cầu hội nhập quốc tế, từ năm 1994 trọng tài kinh tế được xác định là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp với chức năng giải quyết tranh chấp và không đảm trách việc quản lý nhà nước như trước đây.

Với việc ban hành pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, và đến Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, trọng tài thương mại đã có những bước tiến đáng kể và từng bước trở thành lựa chọn của các thương nhân, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết tranh chấp.

“Sự trao quyền” giải quyết tranh chấp của các bên thông thường sẽ thực hiện ngay từ giai đoạn đàm phán, soạn thảo hợp đồng, xác lập giao dịch. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thường ít quan tâm đến điều khoản giải quyết tranh chấp và các bên “như một thói quen” sẽ mặc định trong hợp đồng về việc tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà ít khi thảo luận, đàm phán để lựa chọn cơ quan tài phán khác (trọng tài) để giải quyết tranh chấp. Cũng vì điều này mà thống kê cho thấy có đến hơn 90% tranh chấp về hợp đồng thương mại trong nước được đưa ra tòa án để giải quyết; đây cũng là một lý do dẫn đến tình trạng quá tải cho ngành tòa án trong nhiều thập kỷ qua. Cùng với đó, việc giải quyết tranh chấp tại tòa án bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là thời gian giải quyết một vụ tranh chấp phải qua nhiều cấp xét xử và trên thực tế thường bị kéo dài. Điều này góp phần tạo ra tình trạng kém thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông, đâu là điểm tương đồng, khác biệt giữa tòa án và trọng tài trong giải quyết tranh chấp?    

Ông Phạm Xuân Sang: Giữa tòa án và trọng tài có nhiều điểm tương đồng, nhưng về cơ bản có thể thấy: Tòa án và trọng tài đóng vai trò là một bên thứ ba, có vị trí trung lập với các bên trong quan hệ tranh chấp, đều là cơ quan tài phán có thẩm quyền xét xử và đưa ra phán xét đối với vụ tranh chấp; Bản án, Quyết định của Tòa án và Phán quyết, Quyết định của Trọng tài có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các bên tranh chấp, và được đảm bảo thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án Dân sự.

Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh tại tòa án và trọng tài có nhiều điểm khác biệt, đó là:

Thứ nhất là, khi giải quyết tranh chấp tại tòa án, các bên phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, không có quyền lựa chọn và thay đổi thủ tục này. Trong khi đó, trọng tài ưu tiên và tôn trọng quyền lựa chọn của các bên; các bên được thỏa thuận lựa chọn: Trọng tài viên tham gia giải quyết vụ tranh chấp; địa điểm và thời gian mở phiên họp giải quyết tranh chấp; ngôn ngữ trọng tài và Luật áp dụng đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài…hay các lựa chọn khác mà các bên thấy là cần thiết cho việc giải quyết vụ tranh chấp.

Thứ hai là, Trong khi tại tòa án việc xét xử là công khai; thì phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài là không công khai. Điều này sẽ giúp các bên bảo mật được thông tin về vụ tranh chấp, về hoạt động kinh doanh, và giữ uy tín cho các doanh nghiệp.

Thứ ba là, khác với tòa án, trọng tài chỉ có một cấp xét xử nên giải quyết tranh chấp tại trọng tài thông thường là nhanh hơn. Một vụ tranh chấp theo thủ tục thông thường được giải quyết chưa đến 3 tháng, và có thể ngắn hơn nếu các bên áp dụng thủ tục rút gọn.

Thứ tư là, khi giải quyết tranh chấp tại tòa án, nếu không đồng ý với Bản án sơ thẩm, các bên có thể kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm; thậm chí có thể đề nghị xem xét bản án có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nhưng phán quyết trọng tài là chung thẩm, nghĩa là sẽ không bị thay đổi hay xét lại về nội dung và có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên kể từ ngày ban hành.

Thứ năm là, từ năm 1995 Việt Nam là thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài; nên phán quyết trọng tài của Việt Nam có thể được công nhận và cho thi hành tại các quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước New York 1958. Trong khi đó, việc thi hành bản án của tòa án tại nước ngoài sẽ phụ thuộc vào điều ước quốc tế song phương như các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt nam đã ký.

Hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam và Trung tâm trọng tài Quốc tế châu Á Bắc Hải.

Hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam và Trung tâm trọng tài Quốc tế châu Á Bắc Hải.

Những ưu thế của việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng Trọng tài có phải là lý do để ông thành lập Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA) hay không?   

Ông Phạm Xuân Sang: VTA được thành lập vào năm 2018 sự cấp phép của Bộ Tư pháp để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo quy định pháp luật.

VTA được khởi xướng từ kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trong kinh doanh của các luật sư và cũng chính là các trọng tài viên sáng lập VTA, họ là các luật sư đã gắn bó với quá trình hình thành, phát triển của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam trong gần 02 thập kỷ qua. Chính từ sự quan sát và trải nghiệm trên cương vị là luật sư tranh tụng và tham gia việc tổ chức, quản trị pháp lý tại các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã hun đúc cho sự ra đời của VTA với sứ mệnh là mang đến cơ chế giải quyết tranh chấp uy tín, hiệu quả bằng sự trân trọng, chuẩn mực pháp lý, và trách nhiệm của mình đối với thương nhân và xã hội.

Để hiện thực hóa sứ mệnh này, VTA theo đuổi giá trị “RAPID” với 05 yếu tố nền tảng: Respect (Trân trọng) – Alternative (Lựa chọn) – Prestige (Trung tín) – Intelligence (Trí tuệ) – Dedication (Tận tâm). 

Như vậy, để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, các bên có thể lựa chọn trọng tài hoặc tòa án, vậy theo ông khi thực hiện “quyền chọn” này các doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Ông Phạm Xuân Sang: Các doanh nghiệp, thương nhân cần quan tâm, chủ động thỏa thuận để lựa chọn cơ quan tài phán ngay trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng. Khi soạn thảo và ký kết hợp đồng, các bên nên xem xét đến các ưu điểm, nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp tại tòa án và trọng tài để có lựa chọn phù hợp với đặc thù của từng giao dịch kinh doanh.

Nếu chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp thì cần lựa chọn tổ chức trọng tài phù hợp với đặc điểm về chủ thể, đối tượng giao dịch, địa điểm thực hiện hợp đồng cũng như nơi thi hành án sau này…tương ứng với mỗi hợp đồng; uy tín, tính minh bạch và chuyên nghiệp…. Đồng thời, lưu ý soạn thảo điều khoản trọng tài hợp pháp, nhằm tránh thỏa thuận trong tài rơi vào các trường hợp vô hiệu hoặc không thể thực hiện được; nhất là ghi đúng, đủ tên tổ chức trọng tài được lựa chọn…

Thanh Tùng
Bạn đang đọc bài viết Những ưu thế của việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng Trọng tài thương mại tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Luật Thuế TNDN còn bất cập, bộc lộ một số 'khoảng trống'
Bộ Tài chính cho biết, một số quy định của Luật thuế TNDN hiện hành qua một thời gian thực hiện cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay nên cần phải sửa đổi Luật.