Nông nghiệp Việt Nam hướng đến những giá trị xanh

29/11/2022, 13:40

TCDN - Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã được thực hiện. Đó là như những mô hình canh tác lúa giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo“4 đúng,”

8-1

Hợp tác công - tư phát triển Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 44, các Bộ trưởng ngành nông nghiệp của các nước Đông Nam Á đều có chung nhận định rằng nông nghiệp là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukrane và lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới.

Vì vậy, hội nghị đã đi đến nhất trí trong việc nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực đầy đủ và liên tục cũng như hoạt động của các hoạt động kinh doanh và dịch vụ cho hệ thống lương thực thực phẩm và nông nghiệp. Cụ thể, sẽ thúc đẩy sự hỗ trợ của Chính phủ về Đối tác công tư để phát triển các Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp cho các doanh nghiệp nông nghiệp với tất cả các quy mô. Các đại biểu đã nhắc lại tầm quan trọng của Hướng dẫn ASEAN về Thúc đẩy đầu tư vào lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp (ASEAN-RAI).

Các nước cần tăng cường kiểm soát bệnh động vật và bệnh truyền nhiễm từ động vật bằng cách ứng dụng kiến thức chuyên môn của các thành viên trong Trung tâm Điều phối ASEAN về Thú y và Bệnh động vật (ACCAHZ).

Đối với Chiến lược ASEAN về Năng lượng sinh khối cho các Cộng đồng nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực giai đoạn 2020-2030, Hội nghị khuyến khích tất cả các đối tác ASEAN và các bên liên quan phối hợp với ASEAN để thực hiện các Kế hoạch hành động liên quan nhằm đóng góp vào việc cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng cho các cộng đồng nông thôn bằng cách tạo ra năng lượng sinh khối thông qua quản lý chất thải hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp.

Những nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác giữa các ngành về nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và các sáng kiến quản lý đất bền vững nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ thống nông nghiệp sinh thái trong khu vực cũng được ghi nhận.

Đối với lĩnh vực thủy sản, các nước ASEAN cần tập trung nỗ lực vào việc thực hiện đầy đủ 12 Khung chính sách nghề cá khu vực bao gồm cả rác thải biển.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh được thực hiện

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã được thực hiện, qua đó giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đó là như những mô hình canh tác lúa giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo“4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng," "1 phải 5 giảm," kỹ thuật tưới nông-lộ- phơi... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt mô hình xen canh lúa-tôm, lúa-cá… là một trong những mô hình điển hình về thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững. Đây chính là những hướng đi mới phù hợp với thị trường hiện nay bởi trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ.

Chia sẻ những khó khăn thách thức hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Chúng ta vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, làm chuỗi cung ứng và lưu thông thương mại bị gián đoạn, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Giá lương thực tăng cao, làm dấy lên mối lo ngại nguy cơ thiếu đói tại nhiều quốc gia.

Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”. Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cũng đưa ra ưu tiên cao trong phục vụ lợi ích của nông dân nhỏ và người tiêu dùng, phát triển hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần chủ động và nỗ lực của các cơ quan kỹ thuật trong khuôn khổ hợp tác nông lâm nghiệp ASEAN để một loạt các tài liệu, sáng kiến được đề xuất cho năm 2022 đã được thảo luận và đệ trình Hội nghị Bộ trưởng ngày hôm nay xem xét thông qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Tôi tin tưởng rằng hợp tác ASEAN sẽ tạo ra động lực và cơ hội mới để hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và đảm bảo an ninh lương thực cho toàn khu vực ASEAN”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ

Trong bối cảnh đất đai và các nguồn lực ngày càng thu hẹp, nhưng phải đảm bảo tăng chất lượng, hiệu quả, giảm phát thải nhà kính, nguyên Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng nông nghiệp phải dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ phải là động lực chính. Một nền nông nghiệp dựa vào khoa học công nghệ để phát triển thì đòi hỏi phải có nhiều lao động có kỹ năng và được đào tạo.

Ông Cao Đức Phát cũng chỉ ra, một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến cần có cơ sở hạ tầng tương ứng. Chẳng hạn khi muốn khuyến khích nông dân trồng lúa áp dụng phương thức “nông-lộ-phơi” thì trước hết phải giúp họ có được hệ thống thủy lợi nội đồng cho phép họ làm điều đó. Hay nền nông nghiệp số đòi hỏi phải có điện, hạ tầng số, hệ thống logistics hiệu quả.

Đến với sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ông Hà Văn Thắng cho rằng cần phải có sự vận dụng sáng tạo và lấy nền tảng là khoa học công nghệ, công nghệ số… Sản xuất tuần hoàn không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào, mà tùy thuộc vào điều kiện, năng lực mỗi tổ chức, cá nhân. Muốn sản xuất tuần hoàn được điều quan trọng là tư duy thiết kế mô hình sản xuất theo điều kiện, nguồn lực của mình.

Để tiếp cận được khoa học công nghệ, ông Đào Thế Anh cho rằng nông dân cần có quy mô sản xuất đủ lớn mới có thể phát triển thành hàng hóa, đủ sản phẩm bán ra thị trường. Giai đoạn đầu chuyển đổi có thể năng suất thấp, ảnh hưởng đến thu nhập người nông dân.

Bên cạnh đó, còn tình trạng “được mùa mất giá” do điều kiện tiếp cận thị trường còn kém. Để tham gia vào thị trường, nông dân phải tham gia vào hợp tác xã để học làm theo các tiêu chuẩn; trong đó có các tiêu chuẩn môi trường. Vì thế, mỗi địa phương cần có chính sách riêng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp xanh.

Cũng với xu hướng tận dụng và khai thác hết giá trị của một sản phẩm nông nghiệp thay cho chỉ khai thác một khía cạnh kinh tế của sản phẩm, cách sản xuất sản phẩm, kinh doanh quá trình hình thành sản phẩm thông qua gắn kết du lịch đang giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cũng đang là một hướng đi trong phát triển nông nghiệp xanh được nhiều địa phương khai phá.

Những trang trại có thể gắn kết với các làng nghề truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tạo các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng để thu hút, phục vụ khách du lịch.

Sự liên kết trong và ngoài vùng thông qua thị trường du khách để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu như: thảo dược, sữa, chè, rau quả sạch... Nhiều vùng, 50% thu nhập của nông dân đến từ dịch vụ như cho thuê homestay, tham quan, trải nghiệm công việc nhà nông...

Hoàng Lan

Tạp chí in số 11/2022
Bạn đang đọc bài viết Nông nghiệp Việt Nam hướng đến những giá trị xanh tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ: Tạo dựng lòng tin, chuyên tâm sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn
Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều, đã góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ đang gặp khó khăn từ chính những yếu tố tạo ra giá trị.
Phát triển mô hình nông nghiệp tái sinh
Đây là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tại Đối thoại báo chí năm 2022 "COP 26 và Xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam" do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức ngày 22/7.